Sáng 23/4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức buổi tọa đàm, giao lưu với chủ đề “Đại thắng mùa Xuân 1975-Sức mạnh của ý chí và niềm tin chiến thắng.”
Theo Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Nguyễn Thái Bình, chương trình góp phần khơi dậy và lan tỏa tinh thần yêu nước, nuôi dưỡng lý tưởng sống, ý chí vươn lên và phát huy vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay. Đây cũng là dịp để giới thiệu với bạn đọc những ấn phẩm tâm huyết, giá trị của Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật về chiến thắng lịch sử của dân tộc nửa thế kỷ trước.
“Các hoạt động nhằm tuyên truyền, giúp bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, đồng thời lan tỏa tinh thần yêu sách, xây dựng phong trào đọc sách, phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập,” ông Nguyễn Thái Bình nói.

Cùng quan điểm đó, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lưu Văn Quảng, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng trong bất kỳ thời đại nào, việc hiểu đúng, trân trọng và tiếp nối những giá trị lịch sử vĩ đại của dân tộc luôn là nền tảng vững chắc để mỗi cá nhân trưởng thành, để mỗi thế hệ có được điểm tựa tinh thần, từ đó nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, cống hiến và phụng sự đất nước.
Trong hoàn cảnh hôm nay, khi đất nước bước vào thời kỳ mới với nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức thì những bài học từ lịch sử, từ sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh càng có ý nghĩa đặc biệt.
Tọa đàm có sự tham dự của các tướng lĩnh, chiến sỹ đã từng vào sinh ra tử, tham gia trực tiếp trên chiến trường và có những đóng góp vào chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975.
Chia sẻ tại tọa đàm, Tiến sỹ, bác sỹ Đàm Duy Thiên, nguyên trinh sát thuộc Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 Sông Lam còn nhớ ngày ấy, ông là một trong những chiến sỹ trẻ nhất của đơn vị. Ông viết đơn xung phong nhập ngũ năm 1972, khi chưa đầy 16 tuổi.
Khi ấy, cậu thiếu niên Đàm Duy Thiên nặng chưa đầy 40kg, là người nhỏ nhất đơn vị. Bù lại, ông có cặp mắt sáng, lanh lợi, lại có năng khiếu vẽ nên được cấp trên cho đi bồi dưỡng rồi gắn bó với công tác vẽ bản đồ.
“Thời đó, quân ta đánh đến đâu được phát bản đồ đến đấy. Việc nhớ địa hình, địa danh rất khó nhưng đến tận bây giờ, sau hơn 50 năm, tôi vẫn nhớ như in địa bàn Xuân Lộc, từ đường sá, rừng, sông, nơi bố trí lực lượng,” ông Đàm Duy Thiên kể.

Ông nói thêm, một khi chiến sỹ làm công tác bản đồ không may bị địch bắt, cả đơn vị có thể bị xóa sổ, ảnh hưởng tới chiến dịch. Thời đó cũng không có bàn ghế, dụng cụ để vẽ bản đồ. Mọi công tác chủ yếu làm dưới hầm.
“Trong vẽ bản đồ, sai 1 ly tương đương với sai 12km ngoài thực địa. Lính pháo binh đi cùng người vẽ bản đồ để lấy tư liệu, sau đó lên đài quan sát lập tọa độ. Công cụ vẽ bản đồ rất đơn sơ, chủ yếu nhờ trinh sát, tình báo và đòi hỏi trí tưởng tượng tốt của người vẽ,” ông Thiên nói.
Từ tấm bản đồ do ông vẽ, Ban chỉ huy Trung đoàn 266 dễ dàng xác định đúng hướng tấn công, đúng mục tiêu của các đơn vị để có quyết định kịp thời, chính xác cho trận đánh.
Nhân dịp này, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tặng Tiến sỹ, bác sỹ Đàm Duy Thiên; đại diện lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền cuốn sách “Gia đình, bạn bè và đất nước” có chữ ký tặng của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Ban tổ chức cũng tặng các sinh viên cuốn sách “Thành phố Hồ Chí Minh: Giờ khắc số 0 - những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm”./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/dai-thang-mua-xuan-1975-suc-manh-cua-y-chi-va-niem-tin-chien-thang-post1034563.vnp
Bình luận (0)