Trong quá trình Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, quân đội ta đã thể hiện rõ vai trò trên một số nội dung sau:
Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng chính trị cách mạng tinh nhuệ.
Trong suốt quá trình Tổng tiến công, cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn nêu cao tinh thần chiến đấu với mục tiêu cao cả giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đem lại đời sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Với tinh thần quả cảm, không sợ hy sinh gian khổ, quyết tâm “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa”(1), cán bộ, chiến sĩ quân đội đã chiến đấu quyết liệt để nhanh chóng đánh bại quân đội và chính quyền Sài Gòn.
Cùng với quá trình chiến đấu, quân đội làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân miền Nam nổi dậy đấu tranh, góp phần làm nên thắng lợi. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm tốt việc bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân; bảo đảm cho chính quyền cách mạng ở miền Nam nhanh chóng tiếp quản, điều hành, duy trì ổn định trật tự, an ninh và an toàn xã hội. Làm tốt công tác binh vận, địch vận, kịp thời phân loại hàng binh, tù binh và thực hiện có hiệu quả chính sách binh vận, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong toàn miền Nam.
Quân đội xây dựng lực lượng lớn mạnh, tạo ưu thế nhanh chóng đánh bại quân đội và chính quyền Sài Gòn.
Để bảo đảm cho trận đánh lớn, trận đánh cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ rất sớm, Đảng ta đã chủ động đề ra chủ trương xây dựng quân đội tinh nhuệ, chính quy và hiện đại. Hội nghị Trung ương lần thứ 21 khoá III (tháng 10-1973) chủ trương: “Phải có kế hoạch toàn diện về xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu suất chiến đấu, làm cho bộ đội chủ lực thành lực lượng rất tinh nhuệ, chính quy, hiện đại...”(2); “Coi trọng việc xây dựng, phát triển và tăng cường bộ đội địa phương từ khu đến huyện… Xây dựng bộ đội địa phương thành những đơn vị gọn, sắc, tinh nhuệ, vừa trang bị tương đối hiện đại”(3). Đến ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị xác định: “Nắm thời cơ, tập trung nhanh nhất lực lượng (từ 12 sư đoàn trở lên)…”(4).
Với ý chí và quyết tâm cao, quân đội đã chuẩn bị, huy động và xây dựng lực lượng lớn mạnh: Thành lập kịp thời 4 quân đoàn chủ lực và 1 đoàn 232 (tương đương 1 quân đoàn), với lực lượng 15 sư đoàn và 5 trung đoàn, lữ bộ binh. Quân, binh chủng kỹ thuật có: 20 lữ, trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo binh; 3 lữ, trung đoàn và 6 tiểu đoàn xe tăng - thiết giáp; 8 lữ, trung đoàn và 2 tiểu đoàn đặc công; 4 trung đoàn và 10 tiểu đoàn thông tin; 1 trung đoàn tên lửa; có lực lượng không quân và hải quân tham gia; 2 sư đoàn ô tô vận tải… Các khu ủy, tỉnh ủy trong khu vực tác chiến đã thành lập các sư đoàn, trung đoàn, lữ đoàn biệt động(5) tham gia Tổng tiến công.
Sức mạnh chiến đấu của quân đội trong suốt quá trình Tổng tiến công luôn được tiếp sức bởi sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân miền Nam và hậu phương miền Bắc. Trong 4 tháng đầu năm 1975, miền Bắc đã huy động 115.000 quân, gấp rút huấn luyện và trang bị 90.000 tấn vũ khí, hàng hóa đưa vào cho bộ đội miền Nam. Đến trước ngày mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Quân giải phóng miền Nam có 1.080.000 cán bộ, chiến sĩ(6); nâng so sánh tỷ lệ chủ lực của ta với địch lên 1,03/1. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã cung cấp 60.500 tấn vật chất cho bộ đội chiến đấu (đạt 101%), cứu chữa 8.376 thương binh, bảo đảm hệ thống kỹ thuật xe 80-82%, pháo 90-92%(7)… Với sức mạnh tổng hợp vượt trội, 4 quân đoàn chủ lực và các đơn vị chủ lực địa phương đã tạo ra sức mạnh to lớn, nhanh chóng đánh bại hành động phản kháng của quân đội Sài Gòn trên các chiến trường.
Quân đội sử dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam và cách đánh phù hợp mang lại hiệu quả cao.
Đáp ứng yêu cầu của chiến dịch quân sự, nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, từ rất sớm Đảng ta đã đề ra chủ trương nghiên cứu, bổ sung và phát triển nghệ thuật quân sự. Tháng 10-1973, sau khi đánh bại các đợt tiến công, lấn đất, lấn dân của quân đội Sài Gòn, Hội nghị Trung ương lần thứ 21 khoá III xác định: “Trên cơ sở tổng kết công tác quân sự trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kịp thời giải quyết tốt những vấn đề mới về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, chiến đấu, về xây dựng và củng cố lực lượng, về phương châm, phương thức tác chiến trên các chiến trường khác nhau”(8). Thực hiện chủ trương trên, các đơn vị quân đội đã nghiên cứu, bổ sung và phát triển cách đánh mới, nghệ thuật chiến dịch quy mô vừa và nhỏ, quy mô lớn; nghiên cứu nghệ thuật tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, làm rõ các vấn đề về chiến lược để thực hiện tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền. Trong suốt quá trình Tổng tiến công, các đơn vị quân đội đã sử dụng nghệ thuật chiến dịch, chiến lược với nhiều hình thức khác nhau, như: tạo lực, tạo thế và tạo thời, nắm và tận dụng triệt để thời cơ, nghi binh lừa địch, bao vây, thọc sâu, chia cắt, cô lập, xé nhỏ quân địch…
Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên là điển hình của nghệ thuật quân sự cô lập, nghi binh lừa địch, phản công và truy kích tiêu diệt địch. Từ ngày 4-3 đến 9-3-1975, ta đánh chiếm đường chiến lược 19, 21, 14; đánh chiếm Thuần Mẫn, Đức Lập và cô lập Tây Nguyên với Duyên hải Trung Bộ và Buôn Ma Thuột với Pleiku, Cheo Reo. Trên cơ sở xác định chính xác mục tiêu tiến công đầu tiên là Buôn Ma Thuột ở nam Tây Nguyên, các đơn vị chủ lực của ta nghi binh, đánh vào Bắc Tây Nguyên, lôi kéo địch ra Bắc Tây Nguyên, làm cho quân đội Sài Gòn ở Nam Tây Nguyên sơ hở, mỏng yếu. 1 giờ 35 phút sáng ngày 10-3-1975, các đơn vị chủ lực của ta thực hiện tiến công đánh thẳng vào thị xã Buôn Ma Thuột, làm cho địch hết sức bất ngờ, lúng túng đối phó. Đòn điểm huyệt chính xác của quân chủ lực ta đã làm cho hệ thống phòng ngự ở Tây Nguyên bị vỡ một mảng lớn. Ngày 11-3-1975, Buôn Ma Thuột được giải phóng.
Từ ngày 12-3 đến 18-3-1975, các đơn vị chủ lực đã đập tan cuộc “phản kích tái chiếm Buôn Ma Thuột” của Quân đoàn 2, quân đội Sài Gòn, tiêu diệt hoàn toàn Sư đoàn 23 của địch. Quân địch ở Tây Nguyên lúng túng, bị động, rối loạn về chỉ đạo chiến lược, buộc Nguyễn Văn Thiệu chỉ đạo Quân đoàn 2, quân đội Sài Gòn rút khỏi Tây Nguyên. Từ ngày 15-3 đến 24-3-1975, Bộ Tư lệnh và Mặt trận Tây Nguyên chỉ đạo quân ta tổ chức truy kích thần tốc, toàn bộ lực lượng địch rút chạy bị quân ta bắt và tiêu diệt. Ta bắt sống 8.000 tên, thu và phá hủy 14.000 xe quân sự, chỉ có một bộ phận nhỏ quân địch chạy thoát về Phú Yên(9). Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên đã giải phóng vùng rộng lớn với trên 60 vạn dân; chia cắt chiến lược thế bố trí liên hoàn của quân đội Sài Gòn, tạo ra thế chiến lược thuận lợi để quân ta tiến công tiêu diệt ở địch ở Trị - Thiên, Đà Nẵng và Nam Bộ.
Thắng lợi của Chiến dịch Trị - Thiên và chiến dịch Đà Nẵng là điển hình của nghệ thuật chủ động tiến công, bao vây, chia cắt, ngăn chặn địch rút chạy ra biển, tận dụng triệt để thời cơ khi quân đội Sài Gòn hoang mang, dao động cực độ, bị chia nhỏ, xé lẻ, bị tiến công liên tục. Chiến dịch Đà Nẵng diễn ra trong hơn 3 ngày, ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng còn lại của Quân đoàn 1, Quân khu 1 của đối phương, loại khỏi vòng chiến đấu gần 90.000 tên và thu được nhiều vũ khí, trang bị(10). Thắng lợi của Chiến dịch Đà Nẵng mở ra thời cơ thuận lợi để ta thực hiện trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Với những thắng lợi to lớn của Chiến dịch Tây Nguyên, Trị - Thiên và Đà Nẵng, ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị chỉ đạo tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí, kỹ thuật và vật chất, giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Thực hiện chủ trương, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã vận dụng triệt để nghệ thuật nắm và tận dụng thời cơ, khi quân đội Sài Gòn đã thất bại, thiệt hại nặng ở Tây Nguyên, Trị - Thiên và Đà Nẵng, quân đội, chính quyền Sài Gòn hoang mang, dao động cực độ. Vận dụng sáng tạo nghệ thuật tạo thế, đẩy mạnh thế chủ động tiến công và tiến công liên tục, đẩy quân đội Sài Gòn vào thế bị động chống đỡ. Vận dụng sáng tạo nghệ thuật tạo lực, ta huy động 4 quân đoàn chủ lực và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) và các đơn vị địa phương, dân quân du kích. Tổng cộng lực lượng tham gia chiến đấu là 270.000 người (trong đó 250.000 bộ đội chủ lực, 20.000 bộ đội địa phương), 180.000 lực lượng hậu cần chiến dịch. Hàng chục vạn quần chúng nhân dân đã hỗ trợ, giúp đỡ các đơn vị quân đội chiến đấu. Trong suốt Chiến dịch Hồ Chí Minh, các đơn vị thực hiện sáng tạo cách đánh kết hợp giữa bao vây, thọc sâu đánh vào cơ quan đầu não địch, chia cắt, xé nhỏ, không cho địch rút chạy và chi viện cho nhau giữa các chiến trường...
Sử dụng đa dạng cách đánh và nghệ thuật quân sự đã nhanh chóng chuyển hóa về so sánh lực lượng, có lợi cho ta, đẩy quân đội Sài Gòn vào thế bị động, thế yếu, hoang mang, dao động và đi đến sụp đổ. Với sự tiến công liên tục của các binh đoàn, đơn vị chủ lực, đến ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 toàn thắng, kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước.
Kết quả vẻ vang nêu trên cho thấy, Quân đội nhân dân Việt Nam có vai trò quan trọng, quyết định thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Quân đội là lực lượng chính trị cách mạng tinh nhuệ, đội quân sự hùng mạnh và sử dụng linh hoạt sáng tạo cách đánh, nghệ thuật chiến dịch, chiến lược, tạo ra thế và lực mới đánh bại quân đội và chính quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là những kinh nghiệm quý cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.
Trong bối cảnh mới, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, khó đoán định; hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chính. Các cuộc chiến tranh, xung đột quân sự, tranh chấp biên giới…, các bên đều sử dụng vũ khí công nghệ cao, hình thái chiến tranh có nhiều thay đổi. Ở trong nước, môi trường ổn định, hòa bình hữu nghị được duy trì, quan hệ quốc tế, đối ngoại quốc phòng, an ninh được mở rộng. Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới, Quân đội nhân dân Việt Nam cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, quân đội đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng. Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn đặt dưới sự lãnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và hệ thống tổ chức đảng trong quân đội. Đó là nguyên tắc không thể thay đổi. Thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 làm rõ hơn thực tiễn sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng với quân đội, quyết định đến bản chất, chất lượng chiến đấu và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của quân đội. Hiện nay, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc diễn ra trong bối cảnh phức tạp, khó lường, do đó sự lãnh đạo của Đảng với quân đội càng có ý nghĩa quan trọng.
Thứ hai, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, gắn bó mật thiết với nhân dân. Quân đội luôn kiên định với mục tiêu lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, tập trung khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Quân đội kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp về xây dựng đường lối, chiến lược, tiềm lực quân sự, quốc phòng; tham mưu xử lý các tình huống liên quan đến quân sự, quốc phòng, an ninh. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận lòng dân vững chắc. Quan tâm chăm lo, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo vệ quyền lợi và lợi ích của quốc gia - dân tộc. Xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, gắn với tinh gọn tổ chức bộ máy. Nâng cao chất lượng học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, chiến sĩ. Nêu cao tinh thần quốc tế vô sản cao cả, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở các nước trên thế giới.
Thứ ba, xây dựng quân đội tinh gọn về tổ chức. Đây là yêu cầu phù hợp với đặc điểm của thời bình và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Yêu cầu tinh gọn các đơn vị chủ lực, địa phương và các học viện, nhà trường, cơ quan chiến lược của bộ, cơ quan các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Tinh gọn không có nghĩa là cắt giảm cơ học, mà tinh gọn là xây dựng bộ máy quân đội có sức chiến đấu cao, phù hợp với sự phát triển khoa học - công nghệ. Quân đội gương mẫu đi đầu quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Kết luận số 121- KL/TW, ngày 24-1-2024, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Thứ tư, xây dựng quân đội mạnh về nghệ thuật quân sự và nền khoa học quân sự hiện đại. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12-2024, của Bộ Chính trị, “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”. Đẩy mạnh việc nghiên cứu lý luận khoa học quân sự, sớm có hệ thống lý luận hoàn chỉnh về nghệ thuật quân sự đáp ứng thực tiễn chiến tranh công nghệ cao. Phát triển nghệ thuật tạo lực, tạo thế và nắm chắc thời cơ đánh bại các hình thức chiến tranh của địch. Phát triển nghệ thuật “chiến tranh nhân dân” lên tầm cao mới, kết hợp chặt chẽ phương thức đấu tranh vũ trang với đấu tranh phi vũ trang, kết hợp bảo vệ với xây dựng, lấy xây dựng để bảo vệ. Phát triển chính sách đối ngoại quốc phòng linh hoạt, khắc phục và ngăn chặn kịp thời nguy cơ chiến tranh. Tự chủ sản xuất ra các loại vũ khí, trang thiết bị hiện đại đáp ứng cách đánh, phù hợp với nghệ thuật quân sự truyền thống và phù hợp với hình thức chiến tranh kiểu mới./.
-----------------------
(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr. 286
(2), (3) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 34, tr. 244
(4), (5) Lê Hải Triều: Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 200, 203
(6) Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu: Thống kê lực lượng ta và địch trên chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, Tư liệu lưu trữ Bộ Quốc phòng.
(7) Bộ Quốc phòng - Tỉnh ủy Đồng Nai: Quân giải phóng miền Nam Việt Nam - Vai trò, ý nghĩa và bài học lịch sử, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2021, tr. 196
(8) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 34, tr. 244
(9), (10) Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Tập VIII, Toàn thắng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 301, 379.
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/1080103/dai-thang-mua-xuan-nam-1975-va-nhung-bai-hoc-kinh-nghiem-trong-xay-dung-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-hien-nay.aspx
Bình luận (0)