Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Địa - chiến lược và giá trị địa - chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh mới

TCCS - Địa - chiến lược và giá trị địa - chiến lược của một quốc gia là những yếu tố được các nước hết sức quan tâm trong quá trình hoạch định và triển khai chiến lược đối ngoại. Với vị trí địa lý quan trọng, sức mạnh tổng hợp quốc gia không ngừng gia tăng và chính sách đối ngoại rộng mở, Việt Nam luôn được các nước lớn coi trọng. Trong kỷ nguyên phát triển mới và trong sự vận động của cục diện thế giới, khu vực từ nay đến năm 2030, năm 2045, có nhiều thuận lợi giúp Việt Nam gia tăng giá trị địa - chiến lược, góp phần hiện thực hóa khát vọng “vươn mình” trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phát triển.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản29/04/2025

Địa - chiến lược và giá trị địa - chiến lược của một quốc gia

Trên thế giới, cuộc thảo luận về địa - chiến lược chủ yếu nằm trong nhóm thuyết hiện thực, vốn quan tâm đến bản chất cạnh tranh của quan hệ quốc tế, sức mạnh tổng hợp quốc gia và các chiến lược quân sự. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, địa - chiến lược là một nhánh của địa - chính trị và có nguồn gốc từ các nhà tư tưởng chiến lược(1). Nhà địa lý học người Đức Friedrich Ratzel - cha đẻ của học thuyết “Không gian sinh tồn” (Lebensraum) - cho rằng, lãnh thổ có vai trò quyết định đối với sự phát triển của một quốc gia(2). Nhà địa lý học, học giả, chính trị gia người Anh Halford Mackinder với học thuyết “Trái tim lục địa” (Heartland Theory) - lập luận, ai kiểm soát khu vực Trung Á sẽ kiểm soát thế giới(3). Phát triển học thuyết của Halford Mackinder, nhà địa - chính trị, địa - chiến lược người Mỹ Nicholas John Spykman - cha đẻ của học thuyết “Vành đai đất vùng ven” (Rimland Theory) - đánh giá rằng, vùng đất vành đai (rimland) quan trọng hơn trung tâm lục địa(4). Ông cũng là một trong những người đầu tiên sử dụng khái niệm địa - chiến lược để luận giải về chính sách đối ngoại của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Trong khi đó, nhà địa - chiến lược người Mỹ Alfred Thayer Mahan, với học thuyết “Sức mạnh biển” (Seapower Theory) - lập luận, kiểm soát đại dương là chìa khóa để thống trị toàn cầu(5). Đi sâu phân tích tầm quan trọng của khu vực Á - Âu trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, học thuyết “Sự lựa chọn khu vực” trong “trò chơi quyền lực” của nhà lý luận chiến lược Zbigniew Brzezinsk - nhấn mạnh, Mỹ phải duy trì ưu thế ở khu vực Á - Âu để bảo đảm vị thế siêu cường(6).

Mặc dù, thuật ngữ “địa - chiến lược” đã được manh nha đề cập đến kể từ những năm 30 của thế kỷ XX(7), nhưng đến nay vẫn có khá nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm “địa - chiến lược”. Cuốn từ điển Merriam - Webster (Mỹ) cho rằng, địa - chiến lược là một nhánh của địa - chính trị nhằm xử lý vấn đề chiến lược, là sự kết hợp các yếu tố địa - chính trị và chiến lược ở các khu vực địa lý nhất định, là chiến lược được các chính phủ sử dụng dựa trên yếu tố địa - chính trị(8). Một số quan điểm cho rằng, địa - chiến lược có thể được coi là khu vực mà một nước quan tâm đặc biệt và đầu tư các nguồn lực chính trị, ngoại giao, quân sự nhằm đạt được mục tiêu đối ngoại(9). Trong khi đó, một số quan điểm khác nhận định, địa - chiến lược là một cách tiếp cận đặc thù (có thể gọi là môn học đặc thù), một đối tượng nghiên cứu của khoa học chính trị chuyên nghiên cứu về sự vận động của không gian chiến lược, là một công cụ cho hoạch định và thực thi chiến lược/chính sách phát triển quốc gia, nhất là trong đối ngoại(10). Địa - chiến lược là sự cân nhắc chiến lược, là kế sách hành động, nghệ thuật kiểm soát và khai thác không gian (thường là của một quốc gia) nhằm tạo ra một không gian chiến lược cho an ninh và phát triển của một quốc gia(11)

Như vậy, có hai cách tiếp cận về địa - chiến lược. Từ góc độ lý thuyết, địa - chiến lược là một môn khoa học, xuất phát từ địa - chính trị, nghiên cứu việc khai thác các yếu tố liên quan đến địa lý (địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - văn hóa, địa - quân sự) trong hoạch định và triển khai chiến lược của các quốc gia. Từ góc độ thực tiễn, địa - chiến lược liên quan đến các giá trị (bao gồm yếu tố địa lý) của quốc gia hoặc đối tác, đối tượng mà quốc gia cân nhắc và sử dụng trong chiến lược của mình. 

Các giá trị (bao gồm yếu tố địa lý) nêu trên có thể gọi là giá trị địa - chiến lược. Tương tự các loại giá trị khác trong quan hệ quốc tế, giá trị địa - chiến lược của một quốc gia được xem xét qua sự đánh giá của các đối tác của quốc gia đó. Đơn cử như, nghiên cứu viên cao cấp Toshi Yoshihara thuộc Trung tâm đánh giá ngân sách và chiến lược của Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc xem xét giá trị địa - chiến lược của Đài Loan (Trung Quốc) ở 3 khía cạnh: kết nối giao thông biển, vùng đệm chiến lược biển và cửa ngõ từ phía biển(12). Chuyên gia Albin Aronsson thuộc Hội đồng Đại Tây Dương nhìn nhận giá trị địa - chiến lược của Hy Lạp và Thụy Điển đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ khía cạnh cả hai nước đều có biển và nằm ở “biên giới” của NATO(13). Do đó, có thể hiểu, giá trị địa - chiến lược là tầm quan trọng của vị trí địa lý, từ góc độ chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của một quốc gia trong chiến lược của quốc gia đó và các quốc gia khác. Giá trị địa - chiến lược của các khu vực cũng có thể hiểu theo cách tương tự.

Những yếu tố tạo nên và làm thay đổi giá trị địa - chiến lược của một quốc gia

Giá trị địa - chiến lược của một quốc gia trong tính toán chiến lược của các quốc gia khác chủ yếu dựa trên 3 yếu tố: vị trí địa lý, sức mạnh tổng hợp quốc gia và chính sách đối ngoại của quốc gia.

Về vị trí địa lý: Các quốc gia nằm ở vị trí kết nối, án ngữ trục đường giao thông huyết mạch (đường thủy, đường bộ), khu vực giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên chiến lược, hay nằm ở vị trí tiếp giáp nước lớn, các khu vực có nhiều biến động, thường được các nước, nhất là các cường quốc quan tâm và tính toán trong chính sách đối ngoại, chiến lược quốc gia. Theo đó, Singapore (án ngữ eo biển Malacca), Panama (sở hữu kênh đào Panama), Yemen (án ngữ đường biển đi qua Biển Đỏ), Ai Cập (sở hữu kênh đào Suez)…; các quốc gia khu vực Vùng Vịnh (giàu nguồn tài nguyên dầu mỏ), Tây Phi (giàu nguồn tài nguyên khoáng sản), Trung Á (nằm giữa các nước lớn), vùng Caribe (giáp Mỹ), Đông Bắc Á (giáp Trung Quốc),… được đánh giá là những quốc gia có giá trị địa - chiến lược lớn. 

Tổng thống Panama Jose Raul Mulino với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tại lễ ký kết thỏa thuận ở Panama, ngày 9-4-2025_Nguồn: AP

Về sức mạnh tổng hợp quốc gia(14): Nằm trong cùng một khu vực địa lý, quốc gia có sức mạnh tổng hợp lớn hơn sẽ có giá trị địa - chiến lược lớn hơn. Nigeria - quốc gia Tây Phi, Kazakhstan - quốc gia Trung Á, Arab Saudi và Iran - quốc gia Trung Đông,… là những ví dụ điển hình, khi lớn hơn các quốc gia khác trong khu vực cả về diện tích, dân số, kinh tế, quân sự và tầm ảnh hưởng quốc tế.

Về chính sách đối ngoại: Chính sách đối ngoại bao gồm hai loại: chính sách đối ngoại “theo đuổi” (nghiêng hẳn về phía một bên/một nước) và chính sách đối ngoại “cân bằng” (không nghiêng hẳn về một bên/một nước nào). Về giá trị địa - chiến lược, chính sách đối ngoại “theo đuổi” thường có giá trị đối với đối tác hoặc nước mà quốc gia đó theo đuổi. Trong khi đó, chính sách đối ngoại “cân bằng” có giá trị địa - chiến lược đối với tất cả các bên liên quan. Đơn cử như, trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, do các quốc gia vùng biển Baltic đều là thành viên của NATO, vì vậy, chính sách đối ngoại của các nước vùng biển Baltic không chỉ phù hợp với lập trường của NATO, mà còn có giá trị địa - chiến lược lớn đối với NATO khi nằm ở sườn phía Tây của NATO và tiếp giáp Nga - quốc gia mà NATO đang coi là “đối thủ”. Tuy nhiên, giá trị địa - chiến lược của các quốc gia này đối với những quốc gia khác, nhất là Nga, không được đánh giá cao. Ngược lại, cũng là thành viên của NATO và có vị trí địa lý tương tự các quốc gia vùng biển Baltic, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại có giá trị địa - chiến lược quan trọng đối với cả NATO và Nga, khi thực thi chính sách đối ngoại cân bằng giữa NATO và Nga. 

Trong ba yếu tố trên, sức mạnh tổng hợp quốc gia, nhất là vị trí địa lý, có thể xem là điều kiện cần, trong khi chính sách đối ngoại có thể coi là điều kiện đủ để một quốc gia có giá trị địa - chiến lược đối với các quốc gia khác. Chính sách đối ngoại cũng được xem là công cụ quan trọng nhất để củng cố, phát huy giá trị địa - chiến lược nhằm phục vụ mục tiêu an ninh và mục tiêu phát triển của quốc gia. 

Giá trị địa - chiến lược của một quốc gia phụ thuộc vào đánh giá của các nước khác trong quá trình xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia. Khi các nước này thay đổi mục tiêu chiến lược, phương thức thực hiện mục tiêu chiến lược, nhất là việc sử dụng các nguồn lực,… thì đánh giá của họ về giá trị địa - chiến lược của quốc gia đó cũng thay đổi. Ngoài ra, trong bối cảnh sức mạnh tổng hợp của quốc gia đó ngày càng gia tăng, đánh giá của các nước này về giá trị địa - chiến lược của quốc gia đó cũng thay đổi. Do vậy, sự tiến bộ của khoa học - công nghệ, nhất là trong lĩnh vực quân sự; sự vận động của cục diện thế giới và khu vực; sự thay đổi của sức mạnh tổng hợp quốc gia, là những nhân tố chính làm thay đổi giá trị địa - chiến lược của một quốc gia. 

Về sự tiến bộ của khoa học - công nghệ: Có thể thấy, lịch sử phát triển của các học thuyết “Trái tim lục địa”, “Vành đai đất vùng ven” hay “Sức mạnh biển” đều liên quan trực tiếp đến sự tiến bộ của khoa học - công nghệ, nhất là trong lĩnh vực quân sự. Công nghệ cao phát triển đã tạo ra các thế hệ vũ khí điều khiển chính xác, hay còn được gọi là “vũ khí thông minh”, làm thay đổi phương thức tiến hành chiến tranh, khai sinh loại hình chiến tranh công nghệ cao. Trong đó, không gian tác chiến mở rộng sang tất cả các môi trường trên bộ, trên không, trên biển, trên vũ trụ và không gian mạng. Điều này đã khiến quan niệm về giá trị địa - chiến lược trong hoạch định và triển khai chiến lược chiến tranh của quốc gia này đối với quốc gia khác có sự thay đổi.

Ở khía cạnh khác, sự tiến bộ của khoa học - công nghệ cũng làm thay đổi giá trị của các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đơn cử như, dầu mỏ được cho là không còn giữ vị trí quan trọng như trước đây, trong khi đất hiếm, lithium, palladium, vonfram,… là những kim loại cần thiết cho chế tạo những sản phẩm công nghệ cao đang có giá trị ngày càng lớn. Theo đó, giá trị địa - chiến lược của khu vực Trung Đông hiện nay đã khác so với những năm 70 và những năm 80 của thế kỷ XX. Tương tự, giá trị địa - chiến lược của các nước, như Singapore, Panama cũng thay đổi khi nhân loại giảm dần sự phụ thuộc vào vận tải đường biển. Diễn đàn Kinh tế thế giới cho rằng, các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) và 5G đang làm thay đổi bản đồ địa - chính trị thế giới(15).

Về sự vận động của cục diện thế giới và khu vực: Sự vận động của cục diện thế giới và khu vực khiến cho tính toán chiến lược của các quốc gia thay đổi, dẫn đến giá trị của các quốc gia khác trong chiến lược của các quốc gia cũng thay đổi. Sau Chiến tranh lạnh, cục diện khu vực châu Âu thay đổi làm cho giá trị địa - chiến lược của các quốc gia Đông Âu trong tính toán chiến lược của NATO cũng có sự thay đổi. Cũng như vậy, khi Liên Xô sụp đổ (năm 1991), giá trị của các nước Trung Á ngày càng được coi trọng, do nằm giữa Nga (quốc gia đang nỗ lực phục hồi vị thế siêu cường), Trung Quốc (quốc gia đang “trỗi dậy” mạnh mẽ) và Ấn Độ (quốc gia bắt đầu “chuyển mình”). Khi quan hệ giữa Nga và NATO căng thẳng, giá trị địa - chiến lược của các nước vùng biển Baltic trong chiến lược của NATO gia tăng. Ngược lại, giá trị địa - chiến lược của Ukraine trong chính sách đối ngoại của Mỹ dường như suy giảm, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức trở lại tiếp quản chính quyền Mỹ kể từ ngày 20-1-2025 và thực hiện cuộc điện đàm kéo dài 1,5 tiếng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, thảo luận về giải pháp cho cuộc xung đột Nga - Ukraine(16). Lịch sử thế giới cho thấy, các nước lớn và sự tương tác giữa các nước lớn luôn đóng vai trò chi phối, thậm chí mang tính quyết định đến xu thế phát triển của chính trị thế giới và sự định hình trật tự quốc tế. Đối với các nước nhỏ, quan hệ với nước lớn và xử lý những vấn đề liên quan luôn là việc hệ trọng. 

Về sự thay đổi của sức mạnh tổng hợp quốc gia: Sức mạnh tổng hợp quốc gia vừa là yếu tố cấu thành giá trị địa - chiến lược của quốc gia, vừa là nhân tố làm thay đổi giá trị đó. Thành tố quan trọng nhất của sức mạnh tổng hợp quốc gia là “sức mạnh cứng” (sức mạnh quân sự, kinh tế) dựa trên cơ sở sự ổn định chính trị - xã hội. Khi quá trình hoạch định và triển khai chiến lược đối ngoại của phần lớn các nước còn bị ảnh hưởng bởi chu kỳ bầu cử hay những tính toán trước mắt của giới lãnh đạo, “sức mạnh mềm” chưa thực sự được quan tâm do khó mang đến hiệu quả nhanh và rõ ràng. Theo giới chuyên gia, có hai loại kịch bản về sự thay đổi của sức mạnh tổng hợp quốc gia. Kịch bản thứ nhất, khi sức mạnh tổng hợp của một quốc gia gia tăng, giá trị địa - chiến lược của quốc gia đó cũng sẽ gia tăng trong tính toán của các nước muốn “sử dụng” quốc gia này cho mục tiêu khu vực của họ. Kịch bản thứ hai, khi sức mạnh tổng hợp của một quốc gia suy giảm, có nguy cơ rơi vào bất ổn hoặc sụp đổ, tầm quan trọng của quốc gia đó nhiều khả năng vẫn gia tăng trong tính toán chiến lược của các nước liên quan, nhưng đối với chính quốc gia này, giá trị địa - chiến lược đã sụp đổ.

Như vậy có thể thấy, sự tiến bộ của khoa học - công nghệ và sự vận động của cục diện quốc tế, khu vực mang tính khách quan, trong khi sự thay đổi sức mạnh tổng hợp quốc gia mang tính chủ quan. Để gia tăng giá trị địa - chiến lược, các quốc gia cần xây dựng và sử dụng sức mạnh tổng hợp quốc gia phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học - công nghệ, cũng như xu hướng vận động của cục diện thế giới, khu vực. 

Giá trị địa - chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh mới

Nếu coi hệ thống mạng lưới đối tác và số lượng hiệp định thương mại tự do (FTA) là tiêu chí xem xét giá trị địa - chiến lược của một quốc gia, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có giá trị địa - chiến lược cao so với các nước có sức mạnh tổng hợp quốc gia và trình độ phát triển tương tự. Các nước lớn luôn coi trọng vị trí, vai trò của Việt Nam trong chính sách và chiến lược đối ngoại, bởi các yếu tố: 

Thứ nhất, Việt Nam có vị trí địa - chiến lược quan trọng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương: phía đông là Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông; phía tây giáp với Lào và Campuchia; phía bắc giáp Trung Quốc; phía nam vừa giáp Biển Đông, vừa có phần thuộc Vịnh Thái Lan. Do đó, Việt Nam vừa là cầu nối giữa khu vực Đông Bắc Á với Đông Nam Á, nằm trên trục đường giao thông quan trọng của các tuyến hàng hải, thương mại nhộn nhịp nhất châu Á, vừa “trấn giữ” tuyến kinh tế - thương mại hàng hải chiến lược giữa Vịnh Thái Lan và Biển Đông; đồng thời, Việt Nam là “cửa ngõ” đi vào châu Á từ Thái Bình Dương.

Thứ hai, sức mạnh tổng hợp quốc gia, bao gồm sức mạnh vật chất và tinh thần, sức mạnh của truyền thống và hiện đại, sức mạnh cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại bắt nguồn từ sức mạnh của con người Việt Nam không ngừng được nâng cao, thế và lực của đất nước được nâng lên một tầm cao mới. Chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững và tăng cường, ngày càng phát huy tính ưu việt; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng được giữ vững và phát huy. Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng khá cao, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới. Tiềm lực quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường...

Thứ ba, là quốc gia yêu chuộng hòa bình, trọng nghĩa, trọng tình, trọng lẽ phải trong các mối quan hệ hợp tác quốc tế, Việt Nam luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam kiên định chính sách quốc phòng “bốn không”(17); không “chọn bên” mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng.

Việt Nam vừa là cầu nối giữa khu vực Đông Bắc Á với Đông Nam Á, nằm trên trục đường giao thông quan trọng của các tuyến hàng hải, thương mại nhộn nhịp nhất châu Á (Trong ảnh: Bà Rịa - Vũng Tàu - điểm đến của những siêu du thuyền quốc tế)_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Trên cơ sở phân tích những nhân tố làm thay đổi giá trị địa - chiến lược của một quốc gia, có thể thấy, từ nay đến năm 2030, năm 2045, sự phát triển của tình hình quốc tế và khu vực có thể tác động đa chiều đến giá trị địa - chiến lược của Việt Nam trên một số khía cạnh.

Một là, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, không gian mạng (chiến tranh mạng), không gian vũ trụ (chiến tranh vũ trụ),… ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tính toán chiến lược của các nước, nhất là các nước lớn. Tuy nhiên, tầm quan trọng của không gian biển và đất liền không suy giảm. Các tuyến đường biển, cáp quang biển, những con đường tiếp cận tới mục tiêu sâu trong lục địa,… vẫn được các nước lớn hết sức chú trọng trong tính toán chiến lược quốc gia. Đối với Việt Nam, công nghệ tàu cao tốc, hàng không siêu thanh, điện gió, hydro xanh, công nghệ vũ khí chống tiếp cận,… có thể làm gia tăng giá trị kết nối, “cửa ngõ” của Việt Nam.

Hai là, hầu hết các dự báo về tình hình cục diện thế giới và khu vực trong thời gian tới đều cho rằng, cạnh tranh sẽ là đặc điểm nổi trội trong quan hệ giữa các nước lớn; xu hướng phân tuyến, phân mảnh giữa một bên là Mỹ, phương Tây và bên kia là Trung Quốc, Nga sẽ ngày càng rõ nét. Điều này sẽ góp phần nâng tầm giá trị địa - chiến lược của các nước trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam. Bên cạnh đó, sự gia tăng xu hướng liên kết tiểu đa phương, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng ở khu vực để tránh tác động tiêu cực của căng thẳng địa - chính trị và tìm kiếm cơ hội đầu tư có lợi hơn, bền vững hơn,… cũng góp phần nâng cao giá trị địa - chiến lược của Việt Nam trong 5 - 10 năm tới.

Ba là, sự bền vững và khả năng chống chịu của các cơ chế hợp tác mà Việt Nam là thành viên tiếp tục trở thành điểm cộng đối với giá trị địa - chiến lược của Việt Nam. Mặc dù còn đối mặt với không ít thách thức, nhưng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được dự báo tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nước, nhất là các nước lớn. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu thúc đẩy, đang nhận được sự quan tâm của nhiều nước ở cả trong và ngoài khu vực. Đây là những ví dụ điển hình về xu hướng phát triển từ các cơ chế hợp tác có thể mang lại những tác động thuận đối với giá trị địa - chiến lược của Việt Nam.

Nhìn chung, sự thay đổi của cục diện thế giới và khu vực là nhân tố tác động mạnh nhất tới giá trị địa - chiến lược của Việt Nam từ nay đến năm 2030, năm 2045. Tuy nhiên, tác động của các nhân tố cần được xem xét trong sự tương tác với bối cảnh trong nước. Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với mục tiêu tăng trưởng hai con số, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Để hiện thực hóa được khát vọng phát triển đất nước, góp phần gia tăng giá trị địa - chiến lược quốc gia trong kỷ nguyên phát triển mới, về tổng thể, Việt Nam cần:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia. Bên cạnh “sức mạnh cứng”, đặc biệt coi trọng khơi dậy, phát huy “sức mạnh mềm”, tạo thành sức mạnh tổng hợp quốc gia để hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Chú trọng các lĩnh vực, khu vực địa lý liên quan đến gia tăng kết nối, như kinh tế biển, cảng biển, đường bộ, đường sắt kết nối biển với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia,… để phấn đấu trở thành một trung tâm logistic của khu vực, một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực và toàn cầu. Nâng cao tiềm lực quốc gia trên không gian mạng và không gian vũ trụ, nhất là những thành tố liên quan đến địa lý, như hệ thống cáp quang, hệ thống trung tâm dữ liệu,…

Thứ hai, nâng cao năng lực tự chủ, triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Độc lập, tự chủ là yếu tố quan trọng tạo nên giá trị địa - chiến lược. Độc lập, tự chủ là cơ sở, điều kiện, tiền đề để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Ngược lại, hội nhập quốc tế góp phần tăng cường khả năng giữ vững độc lập, tự chủ của quốc gia - dân tộc. Trong khi đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng vào khu vực và thế giới, để duy trì và nâng cao khả năng giữ vững độc lập, tự chủ, cần đẩy mạnh đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại với nhiều đối tác nhằm thúc đẩy, huy động nguồn lực và sự ủng hộ của các nước trên thế giới vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, xây dựng và triển khai chiến lược phát triển, chiến lược đối ngoại phù hợp với xu hướng, xu thế lớn của thời đại. Đây là một trong những phương thức kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong bối cảnh mới. Nhiều nghiên cứu trong nước và ngoài nước cho thấy, từ nay đến năm 2030, năm 2045, các xu thế, xu hướng lớn, bao gồm: hòa bình, hợp tác và phát triển, toàn cầu hóa, dân chủ hóa, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tiếp tục là những xu thế, xu hướng nổi trội với sự tham gia của phần lớn các quốc gia. Việc tận dụng hiệu quả các xu thế, xu hướng sẽ góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia cũng như vai trò, vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới.

Thứ tư, chủ động, tích cực hơn trong những công việc chung của cộng đồng khu vực và quốc tế, sẵn sàng đóng góp các nguồn lực, bao gồm cả nhân lực và tài lực vào các nỗ lực ứng phó với những thách thức chung, vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững trên thế giới. Đây cũng là một trong những cách thức trực tiếp triển khai thông điệp “đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm” của Việt Nam. Trong xử lý các vấn đề đối ngoại, bên cạnh việc nghiêm chỉnh tuân thủ cần sẵn sàng bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và những giá trị được đông đảo các nước trong cộng đồng quốc tế công nhận.

Thứ năm, trong ứng xử với các nước lớn, cần vận dụng phương thức vừa hợp tác, vừa đấu tranh một cách linh hoạt, có đối sách phù hợp với từng nước lớn, quan hệ với nước này không làm ảnh hưởng tới quan hệ với nước khác. Thường xuyên nắm chắc tình hình có liên quan đến độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia, nhất là động thái của các nước lớn để có đối sách phù hợp trong quá trình quan hệ hợp tác. Tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng - an ninh với các nước lớn. Nhận thức rõ vị thế và sức mạnh của Việt Nam trong thế giới đương đại, định vị Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong mối quan hệ hợp tác - cạnh tranh giữa các nước lớn, trong sự vận động của địa - chính trị và trật tự quốc tế, khu vực, từ đó nhận thức được khả năng và những giới hạn có thể hành động. Đặc biệt, không để đất nước bị cuốn vào vòng xoáy của “trò chơi” cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn, kiên trì chính sách quốc phòng “bốn không”, giữ cân bằng ảnh hưởng và lợi ích của các nước lớn trong quan hệ với Việt Nam.

Thứ sáu, xây dựng và triển khai chiến lược phát triển cũng như tận dụng hiệu quả giá trị địa - chiến lược của đất nước trong bối cảnh mới. Theo đó, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ giá trị địa - chiến lược của đất nước đối với từng nước lớn, nhất là Trung Quốc và Mỹ, hoạch định và triển khai các chính sách tranh thủ tối đa những giá trị đó cho mục tiêu bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; đồng thời, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. 

Giá trị địa - chiến lược của Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình hoạch định và triển khai chiến lược khu vực của các nước, nhất là các nước lớn. Từ nay đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, trong sự vận động, biến đổi không ngừng của khu vực và thế giới, những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đối với giá trị địa - chiến lược của Việt Nam luôn xuất hiện cùng nhau, đan xen nhau. Việc nhận diện rõ những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức có vai trò, ý nghĩa quan trọng, là cơ sở xây dựng những chiến lược đúng đắn ở tầm vĩ mô và đề xuất giải pháp cụ thể, mang tính hệ thống, khả thi để vượt qua khó khăn, thử thách, tranh thủ tối đa cơ hội nâng tầm giá trị địa - chiến lược quốc gia phục vụ công cuộc phát triển đất nước nhanh, bền vững, tự tin bước vào kỷ nguyên phát triển mới./.
-----------------------------
(1) Strategiecs Team: “Geostrategy in 21st Century” (Tạm dịch:  Địa - chiến lược trong thế kỷ XXI”, Strategiecs Think Tank, ngày 23-6-2021, https://strategiecs.com/en/analyses/geostrategy-in-21st-century
(2) Xem: Friedrich Ratzel: Politische Geographie (Political Geography) (Tạm dịch: Địa lý chính trị), R. Oldenbourg, 1897

(3) Xem: Halford Mackinder: The Geographical Pivot of History (Tạm dịch: Lịch sử trục quay địa lý), Royal Geographical Society, 1904 
(4) Xem: Nicholas Spykman: America’s Strategy in World Politics: The United States and the Balance of Power (Tạm dịch: Chiến lược của Mỹ trong hệ thống chính trị thế giới: Mỹ và cán cân quyền lực), Harcourt, Brace and Company, 1942
(5) Xem: Alfred Thayer Mahan: The Influence of Sea Power upon History, 1660 - 1783 (Tạm dịch: Ảnh hưởng của sức mạnh biển đến lịch sử, 1660 - 1783), Little, Brown and Company, 1890
(6) Xem: Zbigniew Brzezinski: The Grand Chessboard: American Primacy and Its Geostrategic Imperatives (Tạm dịch: Bàn cờ lớn - Sơ lược về Mỹ và các mệnh lệnh địa - chiến lược), Basic Books, 1997
(7) Xem: “Geostrategic adjective” (Tạm dịch: Tính từ địa - chiến lược), Oxford University Press, 2012, https://www.oed.com/dictionary/geostrategic_adj?tl=true
(8) Merriam - Webster: “Definition of geostrategy” (Tạm dịch: Định nghĩa về địa - chiến lược), https://www.merriam-webster.com/dictionary/geostrategy
(9) Grygiel, J. J.: Great powers and geopolitical change (Tạm dịch: Các cường quốc và sự thay đổi địa - chính trị), Baltimore: The John Hopkins University Press, 2006
(10) Trần Khánh: Địa chiến lược Việt Nam tầm nhìn 2030: Những vấn đề lý luận, thực tiễn và thích ứng chính sách, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr. 87 - 88
(11) Trần Khánh: “Bàn về các thành tố cấu thành địa - chiến lược quốc gia”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 12-5-2023, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/ban-ve-cac-thanh-to-cau-thanh-dia-chien-luoc-quoc-gia
(12) Toshi Yoshihara: “Chinese Views of Taiwan’s Geostrategic Value” (Tạm dịch: Quan điểm của Trung Quốc về giá trị địa - chiến lược của Đài Loan (Trung Quốc)), The Sasakawa Peace Foundation, ngày 12-4-2023, https://www.spf.org/spf-china-observer/en/document-detail045.html
(13) Albin Aronsson: “The Geostrategic Value of Greece and Sweden in the Current Struggle between Russia and NATO” (Tạm dịch: Giá trị địa - chiến lược của Hy Lạp và Thụy Điển trong cuộc cạnh tranh giữa Nga và NATO hiện nay), Atlantic Council, ngày 19-12-2015, https://www.atlanticcouncil.org/blogs/natosource/the-geostrategic-value-of-greece-and-sweden-in-the-current-struggle-between-russia-and-nato/
(14) Sức mạnh tổng hợp quốc gia bao gồm các sức mạnh về kinh tế, quân sự, văn hóa, ảnh hưởng quốc tế… Theo nghĩa rộng, sức mạnh tổng hợp quốc gia bao gồm cả giá trị địa lý
(15) Xem: “7 views on how technology will shape geopolitics” (Tạm dịch: 7 quan điểm về cách công nghệ sẽ định hình địa - chính trị), The World Economic Forum, ngày 10-9-2024, https://www.weforum.org/stories/2021/04/seven-business-leaders-on-how-technology-will-shape-geopolitics/
(16) Xem: Patrick Reevell: “What the Trump-Putin call means for Ukraine: Analysis” (Tạm dịch: Phân tích cuộc gọi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin mang ý nghĩa gì đối với Ukraine), ABC News, ngày 14-2-2025, https://abcnews.go.com/International/trump-putin-call-means-ukraine-analysis/story?id=118788646
(17) 1- Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; 2- Không tham gia liên minh quân sự; 3- Không liên kết với nước này để chống nước kia; 4- Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/1079702/dia---chien-luoc-va-gia-tri-dia---chien-luoc-cua-viet-nam-trong-boi-canh-moi.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm