Chỉ ra những yêu cầu, đòi hỏi mới với người giáo viên trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, PGS.TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đồng thời chia sẻ những thay đổi cần có với trường sư phạm để có được sản phẩm đầu ra là những giáo viên giỏi chuyên môn, nghiệp vụ và sẵn sàng thích nghi môi trường giáo dục số.
Vai trò giáo viên thay đổi
- Theo ông, trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI), vai trò của giáo viên thay đổi thế nào?
- Trong kỷ nguyên AI vai trò của giáo viên thay đổi rất nhiều, nhưng không hề giảm bớt mà thậm chí còn quan trọng và tinh tế hơn.
Thứ nhất, giáo viên chuyển từ người truyền thụ kiến thức sang hướng dẫn và đồng hành. Khi AI có khả năng cung cấp thông tin, giải thích khái niệm và thậm chí hỗ trợ cá nhân hóa việc học, giáo viên không còn là nguồn kiến thức duy nhất. Thay vào đó, thầy cô sẽ giúp học sinh khai thác hiệu quả các công cụ AI, định hướng cách tiếp cận và đánh giá thông tin đúng đắn.
Thứ hai, vai trò của người truyền cảm hứng và phát triển năng lực mềm trở nên nổi bật. AI có thể giỏi cung cấp kiến thức, nhưng giáo viên là người khơi dậy tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng giải quyết vấn đề và đặc biệt phẩm chất đạo đức, nhân cách. Đây là những yếu tố mà máy móc khó có thể thay thế.
Thứ ba, giáo viên là người thiết kế môi trường học tập và trải nghiệm sáng tạo. Với sự hỗ trợ của AI, việc giảng dạy có thể cá nhân hóa theo năng lực và tốc độ học tập của từng học sinh. Giáo viên sẽ thiết kế những hoạt động học tập đa dạng, kết hợp công nghệ để tăng tính tương tác, sáng tạo và hiệu quả.
Thứ tư, giáo viên cần làm chủ công nghệ và liên tục học tập. Trong kỷ nguyên AI, người thầy không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải biết cách ứng dụng các công cụ công nghệ để nâng cao chất lượng giảng dạy. Điều này đòi hỏi giáo viên luôn đổi mới, sáng tạo và sẵn sàng thích nghi với những xu hướng giáo dục tiên tiến.
Cuối cùng, giáo viên vẫn là người kết nối, lan tỏa giá trị nhân văn. Dù công nghệ có phát triển đến đâu, mối quan hệ thầy - trò, sự quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu của người thầy vẫn là yếu tố quyết định trong việc hình thành nhân cách và khơi dậy tiềm năng mỗi học sinh.
- Với những thay đổi như vậy, giáo viên cần những phẩm chất, năng lực nào để đảm nhiệm được yêu cầu mới, thưa ông?
- Để đáp ứng vai trò mới trong kỷ nguyên AI, giáo viên cần trang bị hệ thống phẩm chất và năng lực toàn diện, vừa sâu về chuyên môn, vững về công nghệ, vừa tinh tế về kỹ năng sư phạm và giá trị nhân văn.
Về phẩm chất: Đó là tư duy đổi mới, sáng tạo; tinh thần học tập suốt đời; khả năng thích ứng cao; tâm huyết và trách nhiệm; tính nhân văn và đạo đức nghề nghiệp…
Về năng lực chuyên môn và công nghệ: Năng lực chuyên môn sâu; khả năng ứng dụng công nghệ và AI; năng lực thiết kế môi trường học tập sáng tạo; kỹ năng phân tích dữ liệu…
Về năng lực sư phạm và phát triển người học: Khả năng hướng dẫn và cố vấn; kỹ năng truyền cảm hứng; Năng lực đánh giá và phản hồi; Khả năng cá nhân hóa giáo dục…
Về kỹ năng mềm: Kỹ năng giao tiếp và lắng nghe; khả năng làm việc nhóm và hợp tác; tư duy phản biện và giải quyết vấn đề…
Như vậy, người giáo viên trong kỷ nguyên AI rất đa năng, cần được bồi dưỡng và phát triển những phẩm chất, năng lực như trên để giáo viên đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục.

Thay đổi toàn diện
- Vậy các trường đào tạo giáo viên phải thay đổi ra sao để sản phẩm đầu ra đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong bối cảnh mới?
- Để đào tạo đội ngũ giáo viên có phẩm chất và năng lực phù hợp với kỷ nguyên số, các trường đại học sư phạm cần thay đổi toàn diện, từ triết lý giáo dục, chương trình đào tạo đến phương pháp giảng dạy, cách đánh giá và môi trường học tập.
Về triết lý và mục tiêu đào tạo giáo viên, cần chuyển từ đào tạo người truyền thụ kiến thức sang người hướng dẫn, tổ chức và truyền cảm hứng học tập; xây dựng hình mẫu giáo viên “số”: Có tư duy đổi mới, kỹ năng công nghệ, năng lực sáng tạo, khả năng học tập suốt đời và tinh thần hội nhập.
Về chương trình đào tạo phải tăng cường các học phần về công nghệ giáo dục, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), chuyển đổi số, kỹ năng dạy học trực tuyến và quản lý lớp học ảo. Đưa vào chương trình các môn học giúp giáo viên phát triển năng lực số như: Thiết kế học liệu điện tử, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, phân tích dữ liệu học tập; kết hợp các học phần rèn luyện kỹ năng mềm (khả năng thích nghi, sáng tạo, tư duy phản biện, làm việc nhóm và giao tiếp trong môi trường đa văn hóa).
Về phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá, cần ứng dụng mô hình học tập kết hợp (blended learning), học tập đảo ngược (flipped classroom) và học tập cá nhân hóa (personalized learning); sử dụng AI để phân tích dữ liệu học tập, phát hiện điểm mạnh - yếu của người học, từ đó cá nhân hóa lộ trình đào tạo. Thay thế các hình thức kiểm tra truyền thống bằng đánh giá năng lực thực tế thông qua dự án, sản phẩm học tập, bài kiểm tra ứng dụng công nghệ.
Đội ngũ giảng viên và chuyên gia đào tạo giáo viên cần bồi dưỡng thường xuyên giúp giảng viên nắm vững công nghệ mới, phương pháp dạy học hiện đại, kỹ năng sử dụng công cụ số trong giảng dạy và quản lý; khuyến khích giảng viên tham gia các chương trình trao đổi quốc tế, học tập kinh nghiệm từ các mô hình đào tạo giáo viên tiên tiến.
Về môi trường thực hành, thực tế, số hóa, cần thiết lập các phòng thí nghiệm sư phạm ảo, phòng học thông minh và hệ thống lớp học trực tuyến chuyên nghiệp; xây dựng trường thực hành sư phạm chất lượng cao với mô hình dạy học tiên tiến, giúp sinh viên sư phạm được rèn luyện trong môi trường công nghệ hiện đại.
Về hợp tác và kết nối với các bên liên quan, cần gắn kết với các trường phổ thông để xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tế, giúp sinh viên sư phạm thích ứng nhanh với môi trường làm việc; hợp tác với các tập đoàn công nghệ để phát triển chương trình đào tạo về ứng dụng công nghệ trong giáo dục.
Về hệ sinh thái học tập số cần xây dựng nền tảng học tập trực tuyến, thư viện số, kho học liệu mở và các công cụ hỗ trợ giảng dạy bằng AI; tạo môi trường học tập linh hoạt, giúp sinh viên truy cập tài nguyên mọi lúc, mọi nơi và phát triển năng lực học tập chủ động.
Với thay đổi này, các trường đại học sư phạm sẽ trở thành nơi đào tạo ra những giáo viên không chỉ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ mà còn thành thạo công nghệ, sáng tạo và sẵn sàng thích nghi với môi trường giáo dục số, góp phần thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục.

Phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ đồng bộ
- Hành trình chuyển mình, đổi mới đào tạo giáo viên, ngoài nỗ lực của trường sư phạm, theo ông còn cần những điều kiện gì khác?
- Bên cạnh nỗ lực tự thân của các trường đại học sư phạm, hành trình đổi mới đào tạo giáo viên trong kỷ nguyên số cần sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ đồng bộ từ nhiều phía.
Thứ nhất, với chính sách và cơ chế hỗ trợ từ phía Nhà nước, cần hoàn thiện chính sách phát triển đội ngũ giáo viên như thu hút người giỏi vào sư phạm, nâng cao đãi ngộ, tạo động lực để giáo viên phát triển chuyên môn và kỹ năng số. Hỗ trợ các trường sư phạm đầu tư hạ tầng công nghệ, phòng học thông minh, phòng thí nghiệm sư phạm ảo và xây dựng hệ sinh thái số phục vụ giảng dạy. Ban hành chuẩn năng lực giáo viên trong kỷ nguyên số làm cơ sở để các trường sư phạm xây dựng chương trình đào tạo phù hợp yêu cầu mới.
Thứ hai, sự tham gia của các trường phổ thông - nơi sử dụng sản phẩm đầu ra, cần tạo điều kiện để sinh viên sư phạm thực tập, thực hành trong môi trường dạy học số hóa, giúp họ sớm thích nghi với công nghệ và phương pháp dạy học mới. Các trường cũng cần tham gia góp ý để chương trình đào tạo giáo viên bám sát nhu cầu thực tế và xu hướng đổi mới giáo dục.
Thứ ba, đồng hành từ các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ. Cung cấp phần mềm, công cụ giảng dạy, hệ thống quản lý học tập (LMS), trí tuệ nhân tạo (AI) và các giải pháp số phục vụ đào tạo. Phối hợp tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng số, công nghệ giáo dục cho giảng viên và sinh viên sư phạm. Phát triển các mô hình giáo dục số, giải pháp công nghệ áp dụng trong giảng dạy và quản lý giáo dục.
Thứ tư, hợp tác quốc tế tạo cơ hội cho giảng viên và sinh viên tham gia các chương trình trao đổi quốc tế, học tập kinh nghiệm từ các nền giáo dục tiên tiến. Phát triển các chương trình đào tạo giáo viên song ngữ, đào tạo giáo viên dạy bằng tiếng Anh, đáp ứng xu hướng hội nhập giáo dục. Tham gia các mạng lưới học liệu mở, thư viện số quốc tế để tiếp cận với tri thức và công nghệ mới.
Thứ năm, với cộng đồng và phụ huynh cần thay đổi nhận thức cùng tham gia hỗ trợ nhà trường trong việc xây dựng môi trường giáo dục số, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận công nghệ, phát triển tư duy sáng tạo, tham gia giám sát và phản hồi, góp ý về chương trình đào tạo, chất lượng giảng dạy để nhà trường điều chỉnh, hoàn thiện hoạt động đào tạo giáo viên.
- Xin cảm ơn ông!
Trong kỷ nguyên AI, giáo viên vừa là nhà giáo dục, vừa là người hướng dẫn, nhà sáng tạo và người truyền cảm hứng. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi mỗi giáo viên phải không ngừng đổi mới và phát triển. - PGS.TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/dao-tao-giao-vien-nhung-yeu-cau-trong-ky-nguyen-moi-post739476.html
Bình luận (0)