Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đáp ứng nhu cầu tạo việc làm, tăng thu nhập

Các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ luôn tập trung thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách (TDCS) xã hội (Chỉ thị số 40). Qua đó, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi trong các mô hình sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ19/05/2025



Hộ dân phường Thường Thạnh, quận Cái Răng vay vốn ưu đãi trồng đu đủ, tăng thu nhập.

Ðến nay, huyện Thới Lai chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên 10,38 tỉ đồng, bổ sung nguồn vốn TDCS, tập trung chương trình giải quyết việc làm (GQVL), ưu tiên các sản phẩm OCOP, mô hình, dự án thu hút nhiều lao động. Ðến cuối tháng 4-2025, doanh số cho vay chương trình GQVL gần 29,8 tỉ đồng, với 515 lao động vay; dư nợ trên 213 tỉ đồng, với 4.851 lao động còn dư nợ. Huyện chú trọng hỗ trợ vốn phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả như trồng ổi ruột hồng (xã Thới Tân), na Thái (xã Trường Thắng), nhãn (xã Ðịnh Môn), nuôi lươn, ếch (xã Thới Tân, xã Xuân Thắng)… Năm 2018, sau khi tham quan các mô hình trồng sầu riêng, tham gia học nghề trồng cây ăn trái, anh Mai Ðồng Khởi, ấp Ðịnh Khánh B, xã Ðịnh Môn cải tạo 9 công đất vườn, trồng trên 170 cây sầu riêng Monthong. Bốn năm sau, sầu riêng ra trái, anh Khởi thu hoạch 2 vụ, thu nhập trên 1 tỉ đồng. Với số vốn vay 50 triệu đồng, anh Khởi bổ sung để mướn và cải tạo 20 công đất vườn, trồng 400 cây sầu riêng Monthong. Anh Khởi chia sẻ: “Tôi đang áp dụng kỹ thuật để sầu riêng ra trái nghịch mùa, sẽ tăng năng suất, lợi nhuận các vụ sau. Ðồng thời, lắp đặt hệ thống tưới tự động để giảm chi phí sản xuất và công lao động”.


Ông Huỳnh Việt Tiến, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH quận Cái Răng, cho biết, tổng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách quận chuyển sang NHCSXH quận đến nay trên 12,55 tỉ đồng, chủ yếu hỗ trợ hộ dân vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Doanh số cho vay chương trình GQVL đến cuối tháng 4-2025 trên 34,28 tỉ đồng, với 663 lao động vay; dư nợ trên 257,5 tỉ đồng, với 5.261 lao động còn dư nợ.

Năm 2023, anh Nguyễn Vũ Phương ở khu vực Thạnh Phú, phường Thường Thạnh, đầu tư cải tạo vườn, trồng 700 cây đu đủ Ðài Loan. Sau 8 tháng, đu đủ thu hoạch từ 300-400 kg/tuần, giá bán từ 4.000-12.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Anh Phương cho biết: “Ðu đủ dễ trồng và mau thu hoạch, giá bán ổn định. Tôi vay 50 triệu đồng để mua phân bón, vật tư và thiết bị phục vụ sản xuất. Thu nhập từ đu đủ giúp tôi có thêm vốn đầu tư trồng 100 cây sầu riêng Musang King hơn 1,5 năm. Tôi đang học hỏi, nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc sầu riêng đạt năng suất, thu nhập cao”.

Sau thời gian học nghề, chị Phạm Hà Anh Thư ở khu vực 3, phường Hưng Thạnh, mở tiệm làm đẹp tại nhà. Tay nghề chị khéo léo, tính tình hòa nhã, hiếu khách nên tiệm thu hút nhiều khách hàng. Ðược vay 50 triệu đồng, chị Thư nâng cấp nhà, mua sắm thiết bị để mở rộng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu làm đẹp của khách hàng. Chị Thư bộc bạch: “Nhờ được hỗ trợ vốn vay tôi mới có cửa tiệm khang trang này. Tôi rất vui vì được làm nghề yêu thích và có thu nhập để chi tiêu hằng ngày”.     

Ðến cuối tháng 3-2025, thành phố chuyển vốn ngân sách trên 929 tỉ đồng ủy thác sang NHCSXH để cho vay các chương trình TDCS chỉ định, chủ yếu đáp ứng nhu cầu vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, xây dựng các mô hình hiệu quả, gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chi nhánh NHCSXH thành phố phối hợp thực hiện Quyết định số 22/2023/QÐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù; cho vay hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Nghị quyết số 11/2023/NQ-HÐND… Các quận, huyện nỗ lực duy trì và nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả, như nuôi lươn, ếch, ba ba, ong; trồng hoa kiểng, nhãn, sầu riêng, măng tây, sen; làm bánh dân gian, bánh tráng, khô cá tra; đan đát, may gia công…

Thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 40, Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về nâng cao hiệu quả TDCS xã hội trong giai đoạn mới, phấn đấu nguồn vốn ủy thác tại địa phương tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước tối thiểu 20% và đến năm 2030 chiếm 30% tổng nguồn vốn. Ðồng thời, lồng ghép hoạt động TDCS với chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, dạy nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích hộ dân xây dựng các mô hình sản xuất, chuỗi liên kết, tổ hợp tác, phát huy hiệu quả sử dụng vốn vay, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên khấm khá.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Nguồn: https://baocantho.com.vn/dap-ung-nhu-cau-tao-viec-lam-tang-thu-nhap-a186580.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm