15:34, 07/04/2025
BHG - Nhận diện rõ “điểm nghẽn” cản trở quá trình duy trì và nâng cao chất lượng Nông thôn mới (NTM), tỉnh đã, đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo danh hiệu đạt chuẩn NTM phản ánh đúng thực chất, không chỉ là một dấu mốc tự hào mà còn là động lực phát triển bền vững.
Nhận diện “điểm nghẽn”
Năm 2017, Nậm Ty là xã thứ 2 của huyện Hoàng Su Phì đạt chuẩn NTM; ghi dấu mốc tự hào, phản ánh sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong công cuộc phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nuôi cá Tầm mở ra cơ hội phát triển kinh tế mới cho người dân xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì). |
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Nậm Ty, Nguyễn Thế Soạn: Niềm vui đạt chuẩn NTM chưa kéo dài bao lâu thì khó khăn xuất hiện. Việc chuyển từ vùng III – khu vực đặc biệt khó khăn lên vùng I khiến nhiều chính sách quan trọng như: Bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục, thu hút cán bộ công tác tại vùng khó khăn hay tín dụng ưu đãi cho hộ sản xuất kinh doanh đều bị cắt giảm hoặc không còn được thụ hưởng. Trong khi đó, kết quả xây dựng NTM chưa thực sự bền vững, nhu cầu đầu tư để duy trì và nâng cao các tiêu chí ngày càng lớn nhưng nguồn vốn hỗ trợ lại hạn chế. Điều này khiến việc giữ vững các tiêu chí trở thành bài toán nan giải. Đến nay, trong tổng số 19 tiêu chí NTM, xã chỉ còn duy trì được 9 tiêu chí.
Không chỉ riêng Nậm Ty, nhiều xã trên địa bàn tỉnh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhiều lãnh đạo xã thẳng thắn thừa nhận: Việc chạy theo thành tích khi xây dựng NTM là có thật. Vì áp lực “cán đích”, địa phương phải “ứng trước thành tích, trả dần tiêu chí”. Nhưng rồi, giai đoạn 2021 – 2025, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM có sự thay đổi so với giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, 9 chỉ tiêu được bổ sung và yêu cầu cao hơn về chất lượng đạt chuẩn. Điển hình như tiêu chí nghèo đa chiều (dưới 13%), tiêu chí thu nhập (năm 2024 là 45 triệu đồng). Điều này khiến các địa phương vốn đã “nợ” tiêu chí lại càng khó khăn hơn trong việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM.
Cuối năm 2020, xã Hồ Thầu được công nhận đạt chuẩn NTM. Thời điểm này, toàn bộ các tuyến đường nhánh hộ của thôn Chiến Thắng chưa được bê tông hóa. Đây cũng là một trong những nội dung còn “nợ” trong quá trình xét duyệt xã đạt chuẩn NTM. Theo quy định, để đảm bảo tiêu chí giao thông, tối thiểu 75% tuyến đường nhánh hộ phải được cứng hóa, bê tông hóa. Tuy nhiên, suốt 4 năm qua kể từ ngày xã đạt chuẩn NTM, việc “trả nợ” vẫn là một bài toán khó. Để thuận tiện cho việc đi lại, 14/47 hộ dân tự bỏ kinh phí đổ bê tông đường nhánh nhưng tổng chiều dài cũng chưa đầy 0,5 km trên tổng số 2,5 km cần hoàn thiện; còn chiều rộng chỉ hơn 80 cm, không đạt chuẩn theo yêu cầu. Anh Bàn Tà Chiều, Trưởng thôn Chiến Thắng trăn trở: “Thu nhập bình quân đầu người của thôn chỉ đạt con số rất khiêm tốn 17 triệu đồng/năm nên khó có thể huy động nguồn lực xã hội hóa trong dân để đầu tư cơ sở hạ tầng. Ngay cả chuyện cái ăn, cái mặc, lo cho con cái học hành còn chật vật thì việc bỏ ra hàng chục triệu đồng để đổ bê tông đường nhánh hộ là điều không dễ dàng”.
Thực tế, có những tiêu chí như thu nhập, hộ nghèo hay môi trường chỉ mang tính thời điểm. Khi xét duyệt, các địa phương có thể huy động nhiều nguồn lực để thực hiện các công trình, hỗ trợ người dân tăng thu nhập, giảm nghèo để đạt tiêu chí. Nhưng về lâu dài, khi “bầu sữa” ngân sách bị cắt giảm, thiếu cơ chế bền vững, thu nhập của người dân không ổn định, hộ nghèo có thể tái nghèo, công trình hạ tầng xuống cấp do ảnh hưởng bởi thiên tai hay thiếu kinh phí bảo trì. Theo rà soát của cơ quan chuyên môn, để hoàn thành 178 tiêu chí chưa đạt nhằm giữ chuẩn cho 46/51 xã NTM, địa phương cần khoảng 553,72 tỷ đồng. Nhưng hiện nay, vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trung bình chỉ đạt khoảng 2,7 tỷ đồng/xã cho cả giai đoạn 2021 – 2025 trong khi ngân sách địa phương eo hẹp, nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình khác chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn: Sau khi đạt chuẩn NTM, không ít địa phương có dấu hiệu chững lại, thỏa mãn với kết quả đạt được, thiếu chiến lược duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí một cách bền vững. Bên cạnh đó, công tác rà soát, đánh giá các tiêu chí theo bộ tiêu chí mới không được thực hiện thường xuyên, dẫn đến việc xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí chưa sát với thực tế. Điều này khiến việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của địa phương.
Quyết tâm cao, nỗ lực lớn
Chị Phàn Mùi Nhính, xã Nậm Ty chia sẻ: Ngày xã mới đạt chuẩn NTM, đường sá được bê tông hóa, trường học, nhà văn hóa khang trang, ai nấy đều phấn khởi. Thế nhưng, mấy năm gần đây, hạ tầng xuống cấp mà không có kinh phí sửa chữa. Chương trình hỗ trợ không còn, nhiều mô hình kinh tế cũng dần kém hiệu quả. Nếu không có sự quan tâm, đầu tư kịp thời, NTM e rằng sẽ trở lại như xưa.
Đồng bào Tày xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) gìn giữ tinh hoa văn hóa qua làn điệu Then, tiếng đàn Tính. |
Trên cơ sở đánh giá khách quan thực trạng, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, sát với thực tiễn nhằm khắc phục những bất cập trong xây dựng NTM. Trước thực trạng nhiều tiêu chí như giao thông, điện, cơ sở vật chất văn hóa, hạ tầng thương mại... tại các xã đạt chuẩn NTM có dấu hiệu xuống cấp do thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng; UBND tỉnh yêu cầu các huyện bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách sự nghiệp địa phương để hỗ trợ các xã duy trì tiêu chí, tránh nguy cơ rớt chuẩn, đảm bảo sự công bằng giữa các địa bàn.
Để tối ưu hóa nguồn lực, tỉnh tiếp tục thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác, đảm bảo sử dụng ngân sách nhà nước đúng mục đích, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh chính sách tín dụng, thu hút đầu tư vào khu vực nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân. Đặc biệt, đối với các xã vùng III đã được công nhận đạt chuẩn NTM, cơ quan chuyên môn đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất T.Ư xem xét cơ chế đặc thù để các xã này tiếp tục được hưởng chế độ chính sách như trước khi chưa đạt chuẩn NTM. Qua đó, giúp các xã duy trì thành quả đã đạt được, tạo nền tảng phát triển bền vững.
Cùng với giải pháp trên, tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, thay đổi tư duy của cán bộ, người dân trong xây dựng NTM theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Phát huy vai trò chủ thể của người dân, tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo chương trình xây dựng NTM thực chất, đi vào chiều sâu. Khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn đa giá trị gắn với bảo vệ môi trường, chuyển đổi số và đảm bảo an ninh trật tự. Triển khai song hành giữa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Phát huy vai trò đầu tàu của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trong tổ chức sản xuất, định hướng thị trường, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển theo hướng bền vững.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long cho biết: Hiện nay, UBND tỉnh chưa thực hiện thu hồi quyết định đạt chuẩn NTM đối với các xã bị tụt giảm tiêu chí theo bộ tiêu chí mới. Thay vào đó, các sở, ngành tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ cơ sở khắc phục các tiêu chí bị tụt giảm; UBND cấp huyện tập trung lồng ghép nguồn vốn để đảm bảo đến hết năm 2025, tất cả các xã đạt chuẩn NTM đều hoàn thành 19/19 tiêu chí theo quy định. Sau thời gian trên, nếu các xã không khắc phục được các tiêu chí tụt giảm, UBND tỉnh sẽ xem xét thu hồi quyết định xã đạt chuẩn NTM.
Nhằm tránh tình trạng “nợ” tiêu chí kéo dài, hiện nay, các địa phương đang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân, từng bước tháo gỡ khó khăn để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM theo hướng thực chất, bền vững. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Lý Chòi Nhàn cho biết: Việc giữ gìn vệ sinh môi trường, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng nếp sống văn minh, tham gia bảo vệ an ninh trật tự... là những nội dung có thể phát huy sức dân mà không phụ thuộc nhiều vào ngân sách. Bởi vậy, chúng tôi chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện nhiệm vụ của từng gia đình, thôn, xã. Khi ý thức cộng đồng được nâng cao, các tiêu chí như văn hóa, môi trường, an ninh trật tự sẽ được duy trì bền vững. Đối với những tiêu chí cần nguồn lực đầu tư, chúng tôi tập trung huy động và lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ để hoàn thiện tiêu chí chưa đạt sau rà soát. Đặc biệt, những tiêu chí liên quan đến đời sống người dân như thu nhập, giáo dục, môi trường đang được ưu tiên khắc phục.
NTM không phải là cuộc đua đường ngắn để về đích bằng mọi giá mà là hành trình dài cần nền móng vững chắc. Giá trị thực sự của danh hiệu đạt chuẩn nằm ở chất lượng cuộc sống được nâng cao, người dân được hưởng lợi lâu dài. Nếu chỉ chạy theo danh hiệu, chúng ta có thể chạm đích nhưng lại nhanh chóng hụt hơi. Kỳ vọng, với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, cách làm thực chất và sự đồng thuận của toàn xã hội, NTM không chỉ dừng lại ở danh hiệu mà trở thành nền tảng bền vững, đưa nông thôn tiến gần đích đến phồn vinh, hạnh phúc và đáng sống.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202504/dat-chuan-nong-thon-moi-thach-thuc-sau-vinh-quang-ky-cuoi-khong-de-nong-thon-moi-het-moi-86f09fa/
Bình luận (0)