Nhiều sản phẩm được thương mại hóa từ chuyển giao ứng dụng các đề tài khoa học công nghệ |
Sát thực với người dân
Hiện nay, diện tích trồng atiso đỏ trên địa bàn thị xã Phong Điền khoảng 50ha với sản lượng ước đạt 700 - 1.000 tấn/năm. Tuy nhiên, diện tích này vẫn phân tán, nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch ở các phường, xã: Phong An, Phong Mỹ, Phong Xuân, Phương Chương, Phong Thu. Xác định đây là cây có lợi thế để thị xã phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế phối hợp với các đơn vị khoa học, Công ty TNHH MTV SXTM&DV Hichagol thực hiện dự án KH&CN cấp tỉnh "Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây atiso đỏ tại Phong Điền, Huế" vào cuối năm 2022.
Sau khoảng 2 năm triển khai, dự án đã quy hoạch được vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP, giúp tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị tiêu thụ trong và ngoài thành phố, định hướng cho xuất khẩu. Lợi ích lớn nhất, thiết thực nhất của dự án đó là đã góp phần vào sự phát triển chung trong công nghệ chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghệ sản xuất thực phẩm có lợi cho sức khỏe từ nguồn cây dược liệu đặc hữu, cung cấp cho người tiêu dùng đa dạng sản phẩm từ atiso đỏ, như: Trà túi lọc, mứt sấy dẻo, siro cô đặc, nước giải khát đóng chai... Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ của dự án còn giúp người trồng tăng hiệu suất canh tác, giải quyết lao động nhàn rỗi và tăng thu nhập ổn định. Hiệu quả kinh tế trên quy mô 5ha atiso đỏ trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có tỷ lệ vượt trội hơn 17% so với đối chứng (người dân trồng truyền thống). Lợi nhuận từ khoảng 900kg các sản phẩm: Trà túi lọc, mứt sấy dẻo, siro cô đặc, nước giải khát được Công ty Hichagol thống kê đạt gần 230 triệu đồng.
Thành phố hiện có 12 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia thuộc các Chương trình đang được triển khai, trong đó, có 3 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi (NTMN). Năm qua, ngành KH&CN tổ chức hội nghị tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện 8 nhiệm vụ KH&CN; kiểm tra nội nghiệp 18 đề tài/dự án; kiểm tra thực địa 12 đề tài/dự án; hội nghị nghiệm thu 20 đề tài/dự án và tham mưu báo cáo kết quả thực hiện, đồng thời đề xuất phương án ứng dụng. Trong đó, đã nghiệm thu kết quả thực hiện một số nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố và ứng dụng thực tiễn, như: "Xây dựng mô hình phát triển một số cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên dựa vào cộng đồng dân cư xã Phong Mỹ, Phong Điền, Huế", "Ứng dụng KHCN sản xuất cây sen tại Huế theo chuỗi liên kết", "Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý "Huế" cho sản phẩm Hoàng mai của Huế", "Sản xuất và sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn cho một số đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế tại Huế"...
Theo Sở KH&CN, năm 2025, có 35 nhiệm vụ KHCN được gửi về và đang được tổng hợp hồ sơ để họp hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KHCN cấp thành phố năm 2025. Sau khi xác định danh mục, được phê duyệt nhiệm vụ KHCN cấp thành phố, ngành chức năng sẽ tuyển chọn đơn vị, cá nhân thực hiện nhiệm vụ.
Đa dạng hóa nghiên cứu, ứng dụng
Qua đánh giá của các đơn vị liên quan, các dự án thuộc Chương trình NTMN đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt cho vùng núi, ven biển, vùng đồng bào dân tộc ít người, từ đó giúp nhiều địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống thấp và giảm nghèo bền vững. Đơn cử dự án "Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình trồng hoa lily, hoa cúc và hoa đồng tiền tại Huế" đã xây dựng thành công mô hình trồng hoa thương phẩm, điều khiển ra hoa cho hoa lily, cúc, đồng tiền phù hợp với điều kiện ở A Lưới. Các mô hình trồng đều đạt 95-97% cây sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh.
Để phục vụ tốt trong công tác quản lý chính quyền số, xã hội số..., đề tài KH&CN cấp thành phố "Nghiên cứu ứng dụng dịch vụ nông thôn thông minh để xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh với đặc thù của Huế" đã thí điểm đáp ứng được một số yêu cầu thực tế. Sau thời gian thực hiện, đề tài đã chuyển giao các giải pháp phần mềm và thiết bị cần thiết cho UBND 2 xã Quảng Thọ (Quảng Điền), Vinh Hưng (Phú Lộc) và người dân để vận hành vào thực tế. Sự kết hợp phù hợp trên nền tảng web và ứng dụng di động, các ứng dụng công nghệ số... được đại bộ phận cán bộ xã, người dân tiếp nhận và vận hành dễ dàng, đồng thời cải thiện được mức độ đáp ứng của xã so với bộ tiêu chí xã thông minh.
Ngoài thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, các địa phương đã chủ động triển khai các dự án ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất và đời sống, hoặc vận động tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia các dự án KH&CN cấp tỉnh, cấp Trung ương, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn sản xuất, đời sống. Các nhiệm vụ tập trung vào ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, áp dụng chế phẩm sinh học, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo hướng VietGAP, thử nghiệm trồng cây dược liệu; ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để phát hiện các sai sót trong lập hồ sơ khám, chữa bệnh, giám định bảo hiểm y tế…
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/khoa-hoc-cong-nghe/dat-hang-de-tai-khoa-hoc-cong-nghe-152131.html
Bình luận (0)