Trang bìa báo Chiến Thắng Xuân Nhâm Tý 1972. (Ảnh tư liệu báo chí)
Sức chiến đấu của báo chí
Sau sự kiện Đồng khởi 1960, báo chí tỉnh đón nhận thêm sứ mệnh quan trọng mới. Quyết định đổi tên tờ báo thành “Chiến Thắng”, Tỉnh ủy đã chỉ đạo nội dung cần tập trung phát động quần chúng nổi dậy mạnh mẽ và rộng khắp hơn nữa, phải nêu được phong trào diệt ác, phá kiềm, trăm mưu, ngàn kế để lấy đồn bót của giặc, giải phóng các xã, giết giặc, lấy súng tự trang bị, tuyên truyền mạnh mẽ về súng ngựa trời. Đặc biệt, báo phải có bài viết vạch rõ bọn Mỹ - Diệm đang thất bại nặng nề trước sự nổi dậy của đồng bào ta nên chúng nhất định sẽ phản kích dã man, cần chuẩn bị tinh thần, tư tưởng cho quân dân ta đánh phản kích, tiếp tục nổi dậy mạnh mẽ hơn nữa.
Ban biên tập đã làm việc khẩn trương. Báo Chiến Thắng số 1 ra ngày 20-3-1960, khổ như tập học sinh, đánh máy, in sáp. Măng-sét chữ Chiến Thắng màu đỏ in nghiêng thể hiện khí thế tiến lên mạnh mẽ. Báo Chiến Thắng số 1 vừa phát hành xong, quân dân Bình Khánh, Phước Hiệp, Định Thủy và cả tỉnh tiếp nhận, hoan nghênh nhiệt liệt.
Tháng 5-1960, Tỉnh ủy chuyển qua cù lao Bảo, tòa soạn báo cũng đi theo Tỉnh ủy để đóng tại ấp Bình Khương, xã Châu Bình và cù lao Lá (nay thuộc xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri). Báo lúc này đã được in ronéo, khổ nguyên tờ giấy sáp, phát hành cả ngàn tờ mỗi kỳ. Đến ngày 28-12-1960, nhân sự kiện Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh ra mắt, báo lần đầu tiên được in chữ chì, chạy tít lớn tường thuật sự kiện. Tờ báo từ đó thay đổi diện mạo, đẹp hơn, không thua bất kỳ ấn phẩm văn học nào.
Báo xuất bản từ 8 - 12 trang, phát hành mỗi tháng từ 1 - 2 kỳ, các ngày lễ lớn, mừng chiến thắng lớn thì ra số đặc biệt, tăng trang. Các số báo xuân đều được in nhiều màu, là giai phẩm. Trang đầu và cuối tờ báo thường là các bài xã luận, tin tức quan trọng. Các trang trong thì đăng các bài bình luận, mẩu chuyện, phóng sự, tường thuật, tùy bút, thơ, văn, truyện vui, câu đối, câu đố và có cả tranh minh họa. Số lượng phát hành Báo Chiến Thắng mỗi số dao động từ 2 - 5 ngàn tờ, in ấn tại nhà in của Ban Tuyên huấn đóng tại rừng Thừa Đức và rừng Thạnh Phú, phát hành theo hệ thống đường giao bưu đến các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Thông thường từ ra báo xuất bản đến tay bạn đọc vào khoảng 3 - 7 ngày.
Nội dung báo phản ánh khá toàn diện và sinh động cuộc đấu tranh giải phóng quê hương của nhân dân tỉnh dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy. Báo thường xuyên có các bài viết về tấm gương kiên trung của cán bộ đảng viên, đăng những lá thư của nhân dân tỉnh viết gửi những người con tập kết ra Bắc, ghi lại những cuộc đấu tranh của nhân dân phá ấp chiến lược. Báo còn tố cáo tội ác của Mỹ, ngụy. Các bài viết gửi về trên được phát trên Đài Phát thanh giải phóng, Đài Hà Nội, được dịch ra nhiều thứ tiếng khiến dư luận quốc tế quan tâm. Báo có chuyên mục thường xuyên nêu bật những kiểu diệt giặc đoạt đồn táo bạo của nhân dân ta, tường thuật các trận đánh mà phóng viên ta theo chân bộ đội cùng ra chiến trường như cuộc chống càn Phượng Hoàng TG 1 ở Thạnh Phú, trận diệt tiểu đoàn “Ó đỏ” ở Ba Tri…
Trong tình hình chiến tranh ác liệt, những bài bình luận, xã luận của Báo Chiến Thắng đã phân tích tình hình, chỉ ra những chỗ yếu của kẻ thù, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đội ngũ người làm báo ngày càng lớn mạnh
Thời gian này, Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm tạo điều kiện cho báo chí hoạt động tốt; điều động nhiều cán bộ công tác ở các ngành, các huyện có trình độ văn hóa, có năng khiếu làm báo hoặc có tác phẩm đã được sử dụng trên báo về Tiểu ban Thông tấn báo chí (thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy) để làm việc. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh khi ấy trực tiếp viết bài đăng trên Báo Chiến Thắng. Cán bộ biên tập, phóng viên của Tiểu ban Thông tấn báo chí lúc đó được tham gia học tập nghị quyết, chủ trương của Trung ương, của Tỉnh ủy. Đồng thời, được cử đi học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của Trung ương Cục miền Nam.
Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện ủy, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện cung cấp thông tin về tình hình hoạt động cho Tiểu ban Thông tấn báo chí. Phóng viên đã đi xuống tận các xã, ấp, đến các đơn vị bộ đội, giao liên, thanh niên xung phong… và được tạo điều kiện để hoạt động nghiệp vụ thuận lợi.
Tại Văn phòng Tỉnh ủy lúc đó có phóng viên túc trực, được đọc báo cáo các nơi gửi về Tỉnh ủy để làm nhiệm vụ viết tin, bài cho Tiểu ban Thông tấn báo chí, thông tin quân báo, địch tình cũng được thông báo kịp thời để chủ động đối phó địch, bảo vệ lực lượng.
Ghi lại hồi ức trong bài viết “Tôi ở Báo Chiến Thắng”, nhà báo Tiền Phong (nguyên là phóng viên, biên tập viên của Báo Chiến Thắng) kể lại: Phóng viên đi chiến dịch, đi trọng điểm đều có nhiếp ảnh, minh ngữ cùng đi; cứ viết tin, bài xong là chuyển qua tổ minh ngữ căng dây điện dưới gốc cây, kê ma-níp trên thùng đạn Mỹ đánh morse điện về. Tôi được lọt vào đội đi chiến dịch này. Giờ nhớ lại đôi khi giựt mình vì bản thân lúc đi thuộc loại “chịu chơi” đi luôn vô mặt trận với bộ đội có “thực tế”.
Từ năm 1972 trở đi, hầu hết cán bộ, nhân viên Tiểu ban Thông tấn báo chí đều là đảng viên, được tham dự học tập đào tạo lý luận chính trị sơ cấp ở Trường Đảng tỉnh. Bên cạnh đó, Báo Chiến Thắng còn có lực lượng cộng tác viên mạnh, công tác ở các ngành, địa phương; là cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách phụ trách công tác báo chí. Các huyện đều có từ 1 - 2 người viết tin, bài cho tờ tin huyện và gửi cho Tiểu ban Thông tấn báo chí tỉnh. Phòng Chính trị Tỉnh đội, Phòng Chính trị Công an tỉnh có cán bộ chuyên viết tin, bài tuyên truyền cho ngành.
Trong suốt 15 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở tỉnh, Báo Chiến Thắng đã ghi dấu ấn sâu đậm trong tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân từ vùng giải phóng đến vùng địch tạm chiếm. Lúc đầu Báo Chiến Thắng với danh nghĩa công khai, ghi dưới măng-sét là cơ quan của Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh. Đến sau năm 1969, sau khi UBND cách mạng tỉnh được thành lập, báo lấy danh nghĩa là cơ quan tranh đấu của UBND cách mạng tỉnh, nhưng thực chất là tờ báo của Tỉnh ủy, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. |
Thanh Đồng (tổng hợp)
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/dau-an-manh-me-cua-bao-chien-thang-02042025-a144571.html
Bình luận (0)