Đang là mùa cây cối tốt tươi, trên phố dòng người hăm hở lao về phía trước, còn chúng tôi đi ngược lại, ngược tiếng còi xe, ngược ánh đèn, ngược bụi bặm. Chẳng ai nói với ai nhưng cả hai đều chìm đắm trong ký ức của mình.
Ở phố, ta vẫn có thể thoát khỏi sự ồn ào. Có khi còn thấy cô đơn, quạnh vắng hơn trước những xô bồ, náo nhiệt. Càng ngẫm ra, cuộc sống là những giao điểm, những lát cắt riêng của mỗi người với những tâm trạng khác nhau.

Ngày xưa, phố núi trong lòng tôi kỳ diệu lắm. Phố quanh co, không náo nhiệt, ít nhà cao tầng, chỉ có dãy nhà gỗ lợp ngói nhưng kiểu cách và sang trọng. Có thể vì khi ấy vật liệu xây dựng chưa có các mẫu mã bắt mắt, tiện lợi nên kiến trúc sâu đằm hơn.
Người thợ mộc không ỷ lại ở nước sơn mà đắm say vào từng nhát đục, đường cưa, tạo nên sự lắng đọng của thời gian. Gỗ và bàn tay tài hoa cùng thăng hoa thành những ô cửa sổ, lan can… dẫu nắng gió của cao nguyên nghiệt ngã đến chừng nào cũng chỉ làm sâu sắc thêm những đường nét ấy.
Ngày ấy, chúng tôi còn nhỏ. Đúng hơn đó là một may mắn vì chỉ là những đứa trẻ. Trẻ con có thể mở to đôi mắt ngây thơ mà thu vào tâm hồn mình tất thảy những ấn tượng này. Nhớ những lần theo chân cha mẹ và cả lúc ríu rít đôi ba đứa bên nhau lang thang trên phố như những chú chim. Một hòn sỏi vu vơ nào đó bị đôi chân tôi giẫm lên trên đường. Nhưng chính hòn sỏi ấy lại may mắn vì không bị bác thợ hồ kìm hãm khi ném vào đống vữa để đổ móng, đổ trần nhà.
Tụi trẻ chúng tôi thích ra phố để thả vào con đường, vào ô cửa những ước mơ của mình. Ôi con đường đất phía sau lưng ngày mưa sình lầy, ngày nắng thì bụi bặm! Ôi, cái cửa sổ ở nhà được bo bằng những cây gỗ, vết đẽo bằng dao vẫn còn sần sùi! Thích nhất là những lan can, chấn song được chạm khắc hình hài bí ẩn như thể đến từ những truyện cổ tích ở châu Âu. Sau này, tôi nhận ra, mình đã gửi vào đó những cuộc phiêu lưu bằng tâm tưởng.
Rồi đến một ngày, chuyến xe khách đưa chúng tôi xa quê. Con đường mới mở đã không cho hành khách cơ hội để ngắm nhìn phố núi khi xe chuyển bánh. Tôi lặng im và mãi mãi giữ trong lòng ấn tượng về một buổi trưa nào đấy, cứ ngỡ sẽ lại được cười đùa với mấy đứa bạn bằng sự hồn nhiên mà đâu biết mình phải lớn lên từ đó.
Rồi chúng tôi lại trở về con phố này bằng những cách khác nhau. Đôi mắt đã không còn hướng đến những dãy nhà lụp xụp nằm co ro bên những ngôi nhà cao nữa. Đường về làng trải nhựa nhưng người thân đã tứ tán. Người trẻ đến các thành phố lớn lập nghiệp, người già đi ở với con để trông cháu, họ lén gửi nỗi nhớ quê qua ô cửa sổ hướng về những ngọn núi xa.
Đôi lần về thăm phố, khi ngồi trong một quán cà phê, tôi bắt gặp ánh mắt của một người bạn vừa bước xuống xe. Ánh mắt ấy đã khác rất nhiều, tâm hồn ấy chứa đựng một tâm thế khác. Có thể, chỉ tôi còn thấy phố với chút gì ngày xưa…
Trận động đất nào đó ở phía bên kia bán cầu đã làm sụp đổ tòa nhà, dập nát những chiếc xe và hư hại không biết bao nhiêu tài sản. Một ngày, tôi thấy đất dưới chân như sụt xuống khi biết công ty đã phá sản, rất nhiều dự định dang dở. Tôi nhận ra bên hè phố, một dáng trầm ngâm của bạn. Bạn thành đạt hơn tôi.
Chúng tôi lại rủ nhau mua giày đi bộ, chiều chiều lang thang dưới hàng cây dẫu chỉ có thể ngắm hoàng hôn dần hiện ra phía cuối con đường. Cuộc đời ngắn thật, cứ đi bộ và tìm lại hòn sỏi vu vơ của ngày xưa mà thật khó. Hòn sỏi ấy có lẽ cũng như tôi, vất vưởng ở một ngõ phố nào dưới bàn chân của một đứa trẻ khác.
Hôm nay, tiễn bạn qua phố. Chiếc xe sang trọng chờ đón bạn ra sân bay để về phương Nam xa xôi với con cái. Bất giác nghĩ đến cánh chim nhỏ bé nào vừa vụt bay rồi chỉ còn lại cái chấm nhỏ phía cuối trời.
Đời người tưởng như dài rộng mà nhỏ hẹp. Tiễn một người qua phố mà như đánh mất một điều gì thật lớn lao trong tâm hồn mình. Rồi tôi lại vẽ phố xưa, vẫn nhà gỗ, chấn song, lan can, vẫn những đứa trẻ lang thang cùng hòn sỏi vu vơ ấy!
Nhớ tuổi thơ “cắt cỏ, chăn bò”
Cuộc đời “sẽ lại bắt đầu như một bài thơ”
Nguồn: https://baogialai.com.vn/tien-mot-nguoi-qua-pho-post317370.html
Bình luận (0)