Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đầu mùa mưa, sạt lở bủa vây các tỉnh ĐBSCL

Chỉ trong 10 ngày qua (từ 14 đến 24-5), trên địa bàn ĐBSCL xảy ra gần 10 vụ sạt lở nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Mùa mưa chỉ mới bắt đầu nhưng các tỉnh trong vùng liên tục công bố tình huống khẩn cấp sụp lún, sạt lở bờ sông.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng24/05/2025

Liên tục công bố tình huống khẩn cấp sạt lở

Ngày 23-5, UBND tỉnh Trà Vinh quyết định công bố tình huống khẩn cấp sự cố sụp, lún công trình kè bảo vệ đoạn xung yếu bờ biển ở thị xã Duyên Hải và tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở khu vực cửa sông Trà Cú, huyện Trà Cú.

011.jpg
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, ĐBSCL có gần 700 điểm sạt lở bờ sông trên chiều dài gần 600 km. Ảnh: Một vụ sạt lở bờ sông tại TP Cần Thơ

Tại thị xã Duyên Hải, sụt lún mái kè, hành lang kè và diện tích bị mất đá và cát bên dưới tường chắn sóng khoảng 773m², gây nguy hiểm cho tuyến kè. Nếu không khắc phục ngay, khu vực sụt lún sẽ mở rộng, phát sinh thêm, gây sụp đổ tường chắn sóng, khi đó nước biển tràn vào gây thiệt hại lớn. Nguyên nhân là do công trình kè bảo vệ đoạn xung yếu được đưa vào sử dụng từ năm 2008, thường xuyên chịu tác động mạnh, va đập trực tiếp của triều cường, nước biển dâng cao kết hợp với gió mạnh, sóng lớn.

Trong khi đó, tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở khu vực cửa sông Trà Cú, huyện Trà Cú làm sạt lở bờ sông dài khoảng 20m, ăn sâu vào bờ khoảng 6m đoạn cuối tuyến kè sông Hậu khu vực cửa sông Trà Cú. Ngoài ra, khoảng 10m khóa kè trên bị sụp lún, sạt trượt tấm đan tấn kè, cát trong thân kè trôi ra sông, ảnh hưởng đến 45 hộ dân (281 nhân khẩu), 1 miếu thờ và ảnh hưởng sản xuất trong khu vực, có nguy cơ thiệt hại nhà ở của dân và 7,2 ha đất canh tác. Nguyên nhân sạt lở là do triều cường kết hợp với sóng lớn đã làm sạt lở bờ sông và sụp lún bờ kè khu vực huyện Trà Cú.

UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo các địa phương liên quan cắm biển báo, cảnh báo các khu vực bị sụt lún, sạt lở; thông báo rộng rãi để người dân biết, chủ động trong sinh hoạt, sản xuất và đề phòng nguy cơ rủi ro có thể xảy ra, đảm bảo an toàn. Đồng thời, bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ diễn biến sụp, lún; chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện sẵn sàng ứng phó để chủ động xử lý khi diễn biến sự cố sụp lún, sạt lở tiếp tục uy hiếp. Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với địa phương theo dõi diễn biến, sẵn sàng phương án ứng phó, thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình, đề xuất UBND tỉnh xử lý kịp thời…

sat lo o an hoa - chay thanh.jpg
Vụ sạt lở ở xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang đã gây ảnh hưởng đến tuyến giao thông nông thôn

Ngày 24-5, Sở NN-MT tỉnh An Giang đã ghi nhận 3 vụ sạt lở bờ sông, kênh rạch trong 5 ngày qua. Trong đó, có 2 vụ sạt lở xảy ra tại huyện Chợ Mới và 1 vụ xảy ra tại huyện Châu Thành. Theo đó, vụ sạt lở cặp bờ rạch Ông Chưởng thuộc xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, xuất hiện một đoạn nứt khoảng 20m. Trong khu vực vết nứt có một căn nhà xây dựng kiên cố nhưng có nguy cơ đổ sụp xuống rạch Ông Chưởng. Khu vực này nằm trong cảnh báo nguy hiểm sạt lở của Sở NN-MT tỉnh An Giang.

Tại xã An Thạnh Trung, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, cũng bất ngờ xảy ra sụt lún tuyến đường Vàm Cái Hố với chiều dài khoảng 30m, ăn vào nửa tim đường, phần sụt lún nằm sâu khoảng 0,8m.

4.jpg
Theo thống kê gần nhất của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, An Giang hiện có 82 điểm sạt lở bờ sông

Xã An Hoà, huyện Châu Thành đã xảy ra sạt lở tuyến đường nhựa nông thôn với chiều dài khoảng 50m, ăn sâu vào gần hết mặt đường (4-5m tuỳ đoạn), sát chân móng nhà dân. Tuyến đường bị sạt lở hiện còn mặt nhựa khoảng 0,7m là đến chân nhà của các hộ dân sinh sống bên trong mép đường, có độ chênh lệch thấp hơn 1m so với khu vực xung quanh. Đây cũng là đoạn đường vừa được xây kè chống sạt lở, nhưng lại xảy ra sạt lở. Những trụ cọc, lưới rọ kè bị cả vạt đất kéo sạt ra lòng sông.

24-6 sat lo tai an hoa - chau thanh.jpg
Sạt lở đã làm ảnh hưởng đến tuyến đường giao thông nông thôn ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang

Tại TP Cần Thơ, trong 10 ngày qua, xảy ra 2 vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng. Gần nhất là vụ sạt lở xảy ra trên sông Ô Môn thuộc xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, làm căn nhà của ông Nguyễn Hoàng D. bị sụp xuống sông hoàn toàn, thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. Tuyến giao thông nông thôn 2m dọc sông Ô Môn cũng bị sụp lún từ mé sông vào đất liền 2,5m, dài 35m.

10.jpg
Vụ sạt lở ở Thới Lai đã cuốn một căn nhà xuống sông Ô Môn

Trước đó, tại phường Long Hưng, quận Ô Môn, đã ghi nhận vụ sụt lún đường giao thông nông thôn với chiều dài khoảng 50m làm mất nước sinh hoạt, chia cắt đường giao thông đi lại của người dân. Vụ việc đã khiến cho người dân ở quanh khu vực bất ngờ, hốt hoảng và tâm lý bất an. Đoạn đường sụt lún có chiều rộng khoảng 4m, dài gần 50m, đoạn đường này vừa được nâng cấp từ lộ nông thôn 3m cách đây không lâu.

12.jpg
Gắn bản cảnh báo nguy hiểm ở khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở tại TP Cần Thơ

Biến động mạnh về hình thái bờ sông

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, hiện ĐBSCL có 743 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển trên chiều dài 794 km. Trong đó, sạt lở bờ sông có 686 điểm trên chiều dài 591 km. Trong đó, cao nhất là Cà Mau với 138 điểm, An Giang 82 điểm, Đồng Tháp có 66 điểm điểm sạt lở.

1.jpg
Một vụ sạt lở tại An Giang đã gây ảnh hưởng đến giao thông nông thôn

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cũng chỉ ra, bờ sông và bờ biển ĐBSCL hiện nay đang trong giai đoạn biến động mạnh về hình thái, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, xã hội và môi trường. Để bảo vệ bờ sông, bờ biển hiệu quả cần xem xét kết hợp nhiều giải pháp khác nhau, trong đó các giải pháp công trình cứng, giải pháp mềm, giải pháp kết hợp và giải pháp quản lý.

Đẩy mạnh thực hiện quy hoạch lại khu dân cư dọc theo tuyến bờ sông bờ biển bị sạt lở, trên cơ sở so sánh chi phí di dời và xây dựng công trình để quyết định cho phù hợp. Đối với xử lý sạt lở bờ sông cần thiết lập quy hoạch chỉnh trang tổng thể các sông lớn, sông rạch chính để đảm bảo lợi ích tổng hợp của các ngành kinh tế có liên quan. Các giải pháp công trình cứng và giải pháp nuôi bãi cần có những dự án nghiên cứu thử nghiệm để quan trắc theo dõi và đánh giá hiệu quả.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/dau-mua-mua-sat-lo-bua-vay-cac-tinh-dbscl-post796576.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm