Nỗi lo từ sự dung túng
Những ngày cuối tháng 3, trên chuyến xe từ TPHCM đi Phan Thiết, hành khách bị quấy rầy bởi sự ồn ào, quậy phá của hai đứa trẻ. Bé trai lớn chừng 6 tuổi, em gái nhỏ mới 3 tuổi, đi cùng ba mẹ là đôi vợ chồng còn trẻ. Trong khi đứa lớn một hai mè nheo đòi chơi điện thoại, thì người ba cứ im lặng, làm ngơ, không thèm trả lời con.
Người mẹ ngồi ghế sau nghe con rên rỉ đòi điện thoại suốt thì sốt ruột cằn nhằn chồng: “Anh lấy điện thoại đưa cho nó chơi đi, để nó ngồi yên…”. Sau một hồi im lặng mặc kệ vợ càu nhàu, anh chồng mới trả lời nhát gừng: “Điện thoại hết pin rồi”.
Bé trai không được chiều theo ý, liền lớn tiếng hát hò, tay đập vào thành cửa sổ bằng kính, chân đứng trên ghế, người chồm về ghế của hành khách khác. Bé gái thì bắt đầu gào khóc, nhõng nhẽo hàng giờ đồng hồ. 25 hành khách trên xe với phân nửa là người nước ngoài, lắc đầu ngao ngán, lặng lẽ chịu đựng suốt chuyến đi. Ai cũng cảm thấy bị làm phiền nhưng đành kiên nhẫn chịu đựng, vì dù sao đó cũng là trẻ con. Đáng trách ở đây ba mẹ hai đứa trẻ không hề khuyên bảo, dỗ dành mà mặc kệ hai đứa trẻ gào khóc, quậy phá, làm phiền người khác.
Dạy con… hiểu chuyện
Chị Mai Anh, nhà ở quận Tân Bình, TPHCM chia sẻ: “Nhà tôi có hai cháu, con gái 12 tuổi, con trai 8 tuổi, được vợ chồng tôi rèn dạy rất cẩn thận. Những kiến thức căn bản trong ứng xử với mọi người từ trong gia đình đến trường học, trong đời sống xã hội, các con cần biết cách hành xử, biết kiểm soát hành vi, nhu cầu của bản thân, để không làm phiền, ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Ở nơi công cộng, khi làm bất cứ việc gì, các con cũng phải cân nhắc, thận trọng trong giao tiếp, ứng xử phải có chừng mực”.
Trong cuộc sống thường nhật, chị Mai Anh sắp xếp giờ ăn, giờ học, giờ nghỉ ngơi, giờ vui chơi cho hai con khá khoa học. Anh chị thường dành nhiều thời gian có thể trong ngày để trò chuyện, trao đổi, lắng nghe tâm tư và giải đáp các thắc mắc của con trẻ, giúp con định hướng phát triển tư duy, cách sống để hình thành nhân cách tốt hơn qua thời gian. Một khi hiểu chuyện, tự khắc hành vi, cách ứng xử của con trẻ sẽ nề nếp, đúng đắn, các con biết việc nào nên làm và việc nào không nên, tránh được những lỗi lầm không đáng có.
Để xây dựng gia đình hạnh phúc, để bậc làm cha mẹ nuôi dạy con cái chăm ngoan hiếu thuận, giỏi giang, trong Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH-TT-DL ban hành, có đề cập đến nguyên tắc ứng xử của cha mẹ, ông bà, cần phải làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói, về ý chí rèn luyện, tu dưỡng, để là tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách, là điểm tựa tinh thần của các con.
Cha mẹ không nên chiều chuộng quá mức, hay làm ngơ cho lỗi lầm của con trẻ; cần giữ gìn và phát huy sự gắn bó, gần gũi về tình cảm; quan tâm dạy bảo con cháu khi con cháu còn nhỏ; trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp, gia phong. Chính tấm gương của ông bà, cha mẹ có tác động rất mạnh mẽ và sâu sắc đến nhận thức, hành vi, suy nghĩ, tình cảm, lối sống của con trẻ từ nhỏ đến khi trưởng thành.
Rèn dạy cho con trẻ hiểu chuyện, biết đúng sai, biết cách ứng xử trong gia đình và ở nơi công cộng sẽ giúp các con có được sự tự tin, một nền tảng kiến thức gia đình và xã hội vững chắc, dễ dàng đạt được những kết quả tốt trong giao tiếp, ứng xử, tạo thiện cảm và mối quan hệ tốt đẹp, thân thiện với mọi người xung quanh. Đây cũng là tiền đề góp phần hình thành và phát triển nhân cách, rèn luyện để dần thành thói quen tốt của hành vi, tư duy cuộc sống hiện tại và sau này của các con.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/day-tre-cach-ung-xu-noi-cong-cong-post788322.html
Bình luận (0)