Đại biểu Dương Khắc Mai tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết với tất cả cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn nêu trong Tờ trình của Chính phủ căn cứ vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Nghị quyết số 06 ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 27 ngày 09/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương và các văn bản liên quan.

Về cơ sở pháp lý, khoản 3 Điều 59 của Hiến pháp năm 2013 đã có quy định rất cụ thể, về cơ sở thực tiễn, tôi cho rằng việc chăm lo, giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp. Đây là yêu cầu bức thiết hiện nay đang đặt ra đối với chúng ta trong đề án “thực hiện ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030” cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030.
Theo Báo cáo của Chính phủ, từ năm 2021 đến nay, cả nước có khoảng 657 dự án nhà ở xã hội, quy mô 597.152 căn và hiện nay có 103 dự án hoàn thành với 66.755 căn, 140 dự án đang khởi công với khoảng 124.352 căn và 414 dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô khoảng 406.045 căn. Từ năm 2021 đến nay, mới đạt 66.755 căn, chiếm tỷ lệ khoảng hơn 15%. Như vậy, về chỉ tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025 không đạt được như kế hoạch đặt ra. Nếu tính từ nay đến năm 2030, thời gian chỉ còn 5 năm, với một số lượng rất lớn các căn hộ cần phải gấp rút hoàn thành, tính ra khoảng trên 150.000 căn/năm mới đạt được.
Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta đang thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Chúng ta có 63 tỉnh, thành phố và dự kiến 11 đơn vị giữ nguyên như cũ, 52 đơn vị còn lại hợp nhất, sáp nhập và số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức ở các tỉnh sẽ di chuyển đến các đơn vị mới để thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt, số công chức trẻ phần lớn ở trong các cơ quan nhà nước của chúng ta, điều kiện để có tiền mua nhà, mua đất rất khó.
Trước yêu cầu này, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, việc ban hành nghị quyết về cơ chế đặc thù này là rất kịp thời, cấp bách và để tháo gỡ những vấn đề khó khăn, bất cập, hạn chế. Như vậy, việc có một cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội, đối tượng trong dự thảo Nghị quyết mở rộng hơn, tức là cán bộ, công chức, viên chức nơi sáp nhập tỉnh.
Đại biểu Dương Khắc Mai cũng tán thành với việc thành lập quỹ nhà ở quốc gia để thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập Quỹ Nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuê, mua theo đề xuất của Chính phủ và Quỹ Nhà ở quốc gia là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Tuy nhiên, trong quản lý, sử dụng quỹ cần phải có một quy định chặt chẽ để việc huy động quản lý, sử dụng đúng với mục đích và đúng hiệu quả nhằm phục vụ cho nhiệm vụ quan trọng này.
Về thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang nhân dân mà không sử dụng vốn đầu tư công, hiện nay về thời gian và thủ tục được thực hiện như Báo cáo của Chính phủ thống kê khoảng 300 ngày, tức là một năm có 360 ngày nhưng riêng thủ tục thực hiện đã chiếm gần hết năm, thời gian này khá dài theo trình tự thủ tục; do đó, đề xuất của Chính phủ về rút ngắn thời gian này là cần thiết.
Đại biểu Dương Khắc Mai thống nhất việc giao UBND cấp tỉnh giao chủ đầu tư hoặc chấp thuận chủ đầu tư, đồng thời giao cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, sau khi được UBND thống nhất bằng văn bản danh mục dự án, vị trí khu đất để đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang. Nội dung này trong giám sát về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội vừa rồi, báo cáo có rất nhiều vấn đề liên quan đến tất cả các lĩnh vực về thị trường bất động sản, trong đó có nội dung nhà ở xã hội.
Đại biểu tán thành trình tự, thủ tục giao cho Chính phủ quy định chi tiết để cho bảo đảm linh hoạt. Bây giờ, nếu căn cứ theo luật thì không phải đưa ra cơ chế chính sách đặc thù đặc biệt, việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục như thế nào, rút ngắn như thế nào. Bên cạnh đó, nhất trí việc thời gian tổ chức thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư, đồng thời, giao cho chủ đầu tư không thông qua đấu thầu, đề xuất tại trình tự thủ tục của Chính phủ dự kiến tối đa 35 ngày, cắt giảm được khoảng 200 ngày và tương đương với 70% thời gian, để việc thực hiện đảm bảo nhanh và đáp ứng yêu cầu. Tất cả lý do liên quan đến yêu cầu hiện nay là rất cấp thiết của nhà ở xã hội, như chúng ta biết có an cư mới, lạc nghiệp, nếu chúng ta không có chính sách tốt, chính sách có mà không triển khai, cứ để năm này kéo dài sang năm khác.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dbqh-dak-nong-duong-khac-mai-tan-thanh-ve-co-che-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-nha-o-xa-hoi-253565.html
Bình luận (0)