Kiểm tra việc thực hiện dự án “Thiết lập phương pháp đo thực địa để mô hình hóa tính toán, dự báo phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa ở Việt Nam giai đoạn 2024 - 2027”.
Gia đình chị Nguyễn Thị Ngân, thôn Duyên Phú hiện cấy 2,1 mẫu giống lúa TBR225, trong đó có 1,5 mẫu ruộng mượn của bà con trong xã. Năm 2020, khi gia đình chị Ngân chuyển sang áp dụng canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính, hiệu quả sản xuất đã nâng lên rõ rệt. Chị Ngân chia sẻ: Hiệu quả được thể hiện rõ nhất khi vụ mùa năm 2024, mặc dù bị ảnh hưởng bởi bão số 3 nhưng gia đình tôi không bị thiệt hại do cây lúa cứng, khỏe, bông to, dài, tỷ lệ hạt mẩy cao, năng suất đạt 2,2 - 2,3 tạ/ sào. Cùng với đó, việc sản xuất theo phương pháp khô ẩm xen kẽ đã giúp giảm chi phí sản xuất do công tác phun thuốc bảo vệ thực vật giảm từ 1 - 2 lần, công tác điều tiết nước giảm 4 lần/ vụ so với phương pháp sản xuất lúa truyền thống, chất lượng gạo cũng được nâng lên rõ rệt.
Vụ xuân năm 2025, xã Phú Lương gieo cấy gần 300ha lúa, trong đó có 35 - 40% diện tích canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính. Ông Nguyễn Trọng Thành, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Là xã nội đồng, độc canh cây lúa, trong những năm qua, với nhiều cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện và sự cần cù của nông dân đã làm thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp của người dân xã Phú Lương. Năm 2016, HTX bắt đầu triển khai canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính trên diện tích gần 70ha với hơn 600 hộ tham gia cùng một số yêu cầu khắt khe về giống, điều tiết nước, cấy thưa...; tuy nhiên, việc đo giảm phát thải khí nhà kính mới chỉ được thực hiện bằng phương pháp thủ công do các chuyên gia của Viện Môi trường nông nghiệp Việt Nam, các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện.
Đến cuối năm 2024, HTX tiếp tục phối hợp với Viện Môi trường nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Đất ngập nước quốc tế - Đại học Copenhagen (Đan Mạch) thực hiện dự án “Thiết lập phương pháp đo thực địa để mô hình hóa tính toán, dự báo phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa ở Việt Nam giai đoạn 2024 - 2027” tại gia đình chị Nguyễn Thị Thảo, thôn Duyên Tục trên diện tích 2.000m2. Dự án nhằm đo đạc và phân tích sự trao đổi khí nhà kính gồm CO2, CH4, N2O giữa bề mặt đất và khí quyển, từ đó đánh giá tác động của các thực hành canh tác đến môi trường trong suốt hai năm. Thí nghiệm được tiến hành trên cả hai vụ lúa (vụ vuân, vụ mùa) và vụ đông (đất bỏ trống); trên cơ sở đó ước tính tổng phát thải khí nhà kính mỗi vụ, 1 năm và các giai đoạn khác nhau của quá trình canh tác. Chị Thảo tâm sự: Từ hiệu quả những vụ trước nên gia đình tôi rất yên tâm khi quyết định tham gia dự án. Gia đình tôi kỳ vọng dự án sẽ tiếp tục thành công, kết quả của thí nghiệm sẽ giúp xây dựng được một hướng dẫn cụ thể giúp nông dân tối ưu hóa năng suất, chất lượng cây trồng, nước tưới và phân bón, duy trì và cải thiện chất hữu cơ trong đất và giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Đồng thời, mô hình cũng có thể được mở rộng, vừa bảo đảm được các mục tiêu về môi trường vừa tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa.
So với trước đây, dự án “Thiết lập phương pháp đo thực địa để mô hình hóa tính toán, dự báo phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa ở Việt Nam giai đoạn 2024 - 2027” được thực hiện hoàn toàn bằng hệ thống máy móc tự động gồm: một container chứa thiết bị phân tích khí, 6 buồng đo khí tự động được đặt trên ruộng lúa gần container và trạm khí tượng. Toàn bộ dữ liệu từ các phép đo sẽ được ghi lại và lưu trữ trên một máy ghi dữ liệu, bảo đảm việc theo dõi và phân tích chính xác và liên tục. Ông Nguyễn Trọng Thành, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết thêm: Giảm phát thải khí nhà kính gắn với tăng trưởng xanh là chủ trương đúng đắn của Chính phủ nhằm tạo động lực mới cho ngành lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Đây cũng chính là cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp nhằm cơ cấu lại ngành sản xuất lúa gạo trong giai đoạn hội nhập thế giới, khi sản xuất các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính là một xu thế tất yếu. Thời gian tới, HTX tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để nông dân trên địa bàn xã chủ động thay đổi nhận thức, thói quen canh tác, sản xuất theo hướng bền vững.
Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính giúp giảm chi phí sản xuất.
Minh Hương
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/4/221041/hieu-qua-canh-tac-lua-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-o-phu-luong
Bình luận (0)