Đề xuất này được Bộ Y tế xây dựng trong dự thảo Luật Dân số, trong bối cảnh dân số Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có tình trạng giảm sinh ở mức kỷ lục, và tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh vẫn diễn ra trầm trọng.
Năm 2024, mức sinh trung bình toàn quốc chỉ còn 1,91 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử nhân khẩu học của Việt Nam và được dự báo là sẽ tiếp tục xuống thấp trong các năm tiếp theo. Nếu mức sinh tiếp tục giảm, đến năm 2039 Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng, năm 2042 quy mô dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh và sau năm 2054 dân số sẽ bắt đầu tăng trưởng âm.
Mức sinh khác biệt giữa các đối tượng theo trình độ học vấn và mức sống, mức sinh cao hơn ở nhóm phụ nữ nghèo và có trình độ học vấn thấp; mức sinh thấp hơn ở nhóm phụ nữ có thu nhập cao hơn và trình độ học vấn cao hơn.
Cùng với đó, tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức cao đáng báo động, lên tới 111,4 bé trai/100 bé gái. Nếu không có biện pháp can thiệp mạnh, đến năm 2034, Việt Nam sẽ dư thừa khoảng 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn và con số này có thể chạm mốc 2,5 triệu vào năm 2059.
"Sự chênh lệch giới tính này được cảnh báo sẽ gây ra hệ lụy lâu dài. Một bộ phận nam giới khó lập gia đình, kéo theo tình trạng buôn bán phụ nữ, mại dâm, bạo lực giới và tội phạm xuyên quốc gia", Bộ Y tế đánh giá.
Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Y tế đề xuất nhiều biện pháp cụ thể với tổng ngân sách dự kiến hơn 5.365 tỷ đồng. Cụ thể, các chính sách mang tính đột phá nhằm duy trì mức sinh thay thế như nghỉ thêm một tháng ngoài thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, nghỉ thêm 5 ngày làm việc ngoài thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con. Chi hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật khi phụ nữ sinh con, sinh đủ 2 con, sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. Hỗ trợ chi phí ăn đối với trẻ em học mầm non; miễn, giảm chi phí khám thai định kỳ...
Trong đó, chi hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật khi phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi là 650 tỷ đồng. Hỗ trợ phụ nữ sinh con thứ 2 nghỉ thêm một tháng (ngoài thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản), dự kiến 1.312 tỷ đồng. Miễn, giảm chi phí khám thai định kỳ khoảng 24,3 tỷ đồng.
Riêng chính sách hỗ trợ tài chính cho các bố mẹ sinh hai con gái, Bộ Y tế dự kiến khoảng 151,8 tỷ đồng. Biện pháp này nhằm khuyến khích và kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Bộ cũng hỗ trợ tiền tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sơ sinh... với tổng kinh phí hàng nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ Y tế, việc hỗ trợ kể trên sẽ giúp phụ nữ có thêm thời gian nghỉ chăm con; nam giới hỗ trợ gia đình; giảm chi phí trong quá trình mang thai, sinh con; khuyển khích sinh đủ hai con, đặc biệt là sinh đủ hai con trước 35 tuổi.
Thực tế, giảm sinh không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà của hàng loạt các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Các quốc gia này đang đưa ra nhiều "vũ khí" khuyến sinh, song thực tế chưa nước nào thực hiện thành công, theo bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Truyền thông - Giáo dục, Tổng Cục Dân số, nay là Cục Dân số (Bộ Y tế).
Ông Phương cho hay để tăng mức sinh, giúp dân số phát triển bền vững, hai vấn đề cấp thiết đó là cần phải có chính sách hỗ trợ thực tế và thay đổi nhận thức xã hội.
"Về chính sách, cần phải có hỗ trợ tài chính, phúc lợi cho các gia đình sinh con, như trợ cấp sinh con, đặc biệt là sinh con thứ hai, giảm thuế cho gia đình có con nhỏ. Hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ vay mua nhà ưu đãi cho gia đình có con nhỏ", ông nói.
Đặc biệt, cần phải thay đổi nhận thức xã hội để khuyến khích sinh con, xóa bỏ tâm lý sợ sinh con. Thay đổi tư duy vai trò của nam giới, để việc nuôi dạy con cái là trách nhiệm của cả hai vợ chồng, không thể "khoán trắng" cho người vợ, giảm áp lực cho phụ nữ.
Ngoài ra, cần định hướng giới trẻ về giá trị của gia đình và việc sinh con, để họ nhận thức "việc sinh con là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi". Theo đó, cần giáo dục giới tính, kỹ năng làm cha mẹ từ phổ thông để giới trẻ tư duy cũng như hành trang sẵn sàng bước vào hôn nhân.
H.A (theo VnE)Nguồn: https://baohaiphongplus.vn/de-xuat-chi-650-ty-dong-ho-tro-phu-nu-sinh-du-2-con-truoc-35-tuoi-416438.html
Bình luận (0)