Đền Xám (còn gọi là đình Xám, đình Hát) ở thôn Lạc Đạo, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực (Nam Định), cách thành phố Nam Định khoảng 10km. Đền là nơi thờ Phụ dực quốc chính Thượng tướng quân Trần Minh Công (tên thật là Trần Lãm) - người đã góp công lớn giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước.
Đền Xám là công trình kiến trúc thể hiện tài năng, công sức sáng tạo của người dân lao động, là chứng tích lịch sử mang dấu ấn dân tộc, có niên đại trải dài qua các triều đại phong kiến từ vương triều Mạc, thế kỷ XVI, triều Hậu Lê thế kỷ XVII, XVIII đến triều Nguyễn từ thế kỷ XIX.
Tổng thể khu di tích gồm: Đền chính xây hình chữ “Công”; hai bên là 2 nhà giải vũ xây theo phong cách “quá giang kèo cầu”; tiền đường của Đền gồm 5 gian với 6 bộ vì dựng theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ bẩy”; gánh đỡ bộ mái tiền đường là 12 cột quân, trong đó 6 cột cái đặt trên chân tảng đá, trên các đầu bẩy, xà, con rường chạm khắc rồng, lá lật.
Điểm nổi bật trong nghệ thuật điêu khắc của di tích là ở các ô cửa tiền đường với các hình tượng dân gian như: rồng chầu, phượng, nghê xen kẽ họa tiết: đao mác, lá hỏa, vân áng và các muông thú: khỉ, nai, chim, rắn… tạo thành các bức phù điêu hoàn chỉnh, mang giá trị nghệ thuật cao.
Nối tiếp tiền đường là trung đường và chính tẩm 3 gian, bộ vì kiểu “thượng mê hạ cốn” với nhiều mảng chạm nổi, bong kênh uốn lượn hình vân mây, hoa lá cách điệu được điểm xuyết ở các góc, đầu xà theo phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII.
![]() |
Bộ cánh cửa tòa tiền đường Đền Xám được chạm khắc tinh xảo. |
Qua nghiên cứu của ngành chuyên môn cho thấy, ở công trình chính Đền Xám, các mảng chạm thủng trên y môn cửa hậu cung với những đề tài chạm rồng, lân được thể hiện với nhiều đặc trưng của phong cách nghệ thuật trên kiến trúc gỗ giai đoạn cuối thế kỷ XVI, đó là những mảng chạm còn lại không nhiều của nghệ thuật chạm khắc gỗ thời Mạc.
Bên cạnh đó, là dấu vết đậm đặc của nghệ thuật kiến trúc giai đoạn giữa thế kỷ XVII tìm thấy cả ở tòa tiền đường và hậu cung. Những mảng chạm rồng, thú trên cửa, hình rồng, đao mác chạm trên cột gian giữa và hai gian bên tiền đường tiêu biểu cho phong cách chạm khắc thế kỷ XVII, thể hiện trên kiến trúc gỗ truyền thống điển hình vùng Nam Định.
Bên cạnh giá trị về nghệ thuật kiến trúc, trong hai ngày 17-19/8 âm lịch hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức trang trọng lễ hội truyền thống tưởng nhớ công đức của Tướng quân Trần Lãm, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia. Trong những ngày diễn ra lễ hội, sôi nổi nhất là các đêm diễn văn nghệ và các cuộc thi bơi chải, hát múa dân gian.
Theo người dân địa phương, nét đẹp văn hóa dân gian qua các hoạt động múa hát tại sân Đền Xám đã có từ hàng trăm năm trước, mang đậm hơi thở cuộc sống nông thôn. Chính vì thế, Đền Xám còn được người dân gọi là Đình Hát. Nhiều năm qua, người dân nơi đây vẫn lưu giữ được 10 khúc hát và 10 bài ca trù cổ với các làn điệu “cung, thương, dốc, trăng, vũ” truyền thống và các điệu múa dân gian: tứ tiên, tứ linh vũ, bồ đề tam túc vũ…
Ngoài 2 đêm hát nhập tịch (vào đám) và lạc hành (giã đám), cuộc thi hát tại sân Đền Xám diễn ra các tiết mục hát chèo, hát văn, hát cầu văn, ca trù… do các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, quần chúng trong và ngoài tỉnh biểu diễn, thu hút đông đảo người dân yêu văn nghệ tham dự.
Đồng chí Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định cho biết: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 152/QĐ-TTg, ngày 17/1/2025, xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật Đền Xám là Di tích quốc gia đặc biệt mang lại niềm vui, sự vinh dự lớn đối với tỉnh Nam Định, cũng là sự ghi nhận xứng đáng công lao mà người dân nơi đây bao đời gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị đặc sắc, tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học và kiến trúc nghệ thuật.
Đồng chí Trần Lê Đoài cũng cho biết, thời gian qua, tỉnh Nam Định đã xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, quy hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Nam Định. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước xây dựng văn hóa, con người Nam Định; thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển.
Theo đồng chí Lưu Quang Tuyển, Bí thư Huyện ủy Nam Trực (Nam Định), để làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích Đền Xám, trong thời gian tới, chính quyền và nhân dân địa phương sẽ tổ chức quản lý và bảo vệ di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Quyết định của tỉnh về việc phân cấp quản lý di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó là xây dựng nội quy, quy chế bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham quan, học tập nghiên cứu tại di tích, để Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Xám thực sự trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, hun đúc ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp, văn minh cho các thế hệ.
Nguồn: https://nhandan.vn/di-tich-quoc-gia-dac-biet-den-xam-nam-dinh-noi-hoi-tu-nghe-thuat-kien-truc-van-hoa-truyen-thong-post878131.html
Bình luận (0)