Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

'Địa đạo' đã 'giải tỏa nỗi ấm ức' với phim chiến tranh Việt Nam như thế nào?

Với góc nhìn xoáy sâu vào tâm lý nhân vật, phim "Địa đạo" thành công khắc họa một cuộc sinh tồn của những người dân yêu nước hơn là cuộc chiến đánh để thắng của những người lính.

VietnamPlusVietnamPlus16/04/2025


Theo Tiến sỹ Mai Anh Tuấn (trường Đại học Văn hóa Hà Nội), bộ phim “Địa đạo: Mặt Trời trong bóng tối” đã cho thấy sự vượt trội so với nhiều tác phẩm khác cùng thể loại chiến tranh trước đây tại Việt Nam.

Thông qua cách mô tả sự khốc liệt của cuộc chiến qua khí tài, vật lực của Mỹ; cách khắc họa người lính Việt Nam như những con người bình thường, không thần thánh hóa và lối kể chuyện cởi mở hơn… đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã khỏa lấp sự mong chờ của khán giả về một tác phẩm chiến tranh xứng tầm.

Sự khác biệt của Địa đạo

- Thưa ông, là người theo dõi điện ảnh Việt Nam, ông đánh giá thế nào về sự giống và khác (về mặt câu chuyện, cách kể, thông điệp…) của "Địa đạo" với những bộ phim cùng thể loại trước đây, do Việt Nam thực hiện?

Tiến sỹ Mai Anh Tuấn: Phim "Địa đạo" có lẽ đã giải tỏa phần nào nỗi ấm ức lẫn định kiến của khán giả khi xem phim chiến tranh của Việt Nam.

Trước đây, vì nhiều lý do, trong đó đặc biệt vì lí do kĩ thuật, công nghệ làm phim yếu kém mà chúng ta có rất ít phim chiến tranh thật sự “hoành tráng,” nghĩa là có thể tạo ra sự mãn nhãn về những cảnh chiến trận khốc liệt, dữ dội. Khán giả khó lòng chấp nhận phim chiến tranh mà cảnh chiến đấu, ngay cả với những trận đánh/chiến dịch lớn đã được lịch sử vinh danh, chỉ lèo tèo vài ba cảnh diễn tả bom rơi đạn nổ.

d559d16e-31c5-4279-8b1f-ed4c6e5e5033.jpg

Tiến sỹ Mai Anh Tuấn. (Ảnh: Báo Công an Nhân dân)

Với "Địa đạo," khán giả tận mắt nhìn thấy các trận càn, các loại vũ khí của giặc, những cảnh cháy nổ chân thực và liên tục. Ê-kíp bộ phim đã rất công phu, nỗ lực để gia tăng hình ảnh, màu sắc, âm thanh của các cảnh đấu súng, dội bom, phóng lựu đạn…

Như vậy, vấn đề không phải là chúng ta không làm được phim chiến tranh mà cần những đạo diễn tâm huyết và am hiểu sâu về thể loại này, cũng cần sự đầu tư lớn về công nghệ và tài chính cho việc làm phim.

- So sánh với những tác phẩm được làm trong khoảng 10-15 năm gần đây về đề tài chiến tranh tại Việt Nam do người Việt thực hiện, ông thấy "Địa đạo" có khác biệt thế nào?

Tiến sỹ Mai Anh Tuấn: Nếu đặt "Địa đạo" cạnh những phim chiến tranh gần đây của Việt Nam như "Sống cùng lịch sử" (2014), "Người trở về" (2015), "Mùi cỏ cháy" (2011), "Bình minh đỏ" (2022), "Đào, phở và piano" (2024) thì có thể thấy "Địa đạo" đã vượt trội về kỹ thuật làm phim.

Mặt khác, "Địa đạo" cũng cho thấy cách kể chuyện, khắc họa khá riêng về hình ảnh người lính. Người lính, mà ở đây là đội du kích địa đạo, không được tô đậm quá mức về tính cách và phẩm chất anh hùng.

Họ sống và cầm cự chiến đấu trong tình thế khó khăn, hiểm nguy nhưng vẫn có thể đàn hát, trêu đùa, vẫn có những khoảnh khắc tình tứ, tình ái. Ngay cả chuyện hy sinh của lính địa đạo cũng đầy đau đớn, không phải là kiểu hy sinh tráng lệ như thường mô tả.

Tôi nghĩ "Địa đạo" nhìn người lính trong tình thế thời chiến thường ngày quá đỗi cam go, ở ranh giới sinh tử rất kề cận, và vì thế, họ không cần phải gồng mình để chứng tỏ mình anh hùng. Địa đạo Bình An Đông với họ, là một trận chiến để sinh tồn trước khi nói đến chiến công hay chiến thắng.

didastill-31-1734827734158189873228.jpg

Thái Hòa trong vai Bảy Theo. (Ảnh từ phim)

Không “thần thánh hóa” người lính

- Ghi nhận từ phản ứng khán giả sau khi xem phim, một trong những chi tiết gây phản ứng nhiều nhất là “cảnh nóng” và mục đích của những phân đoạn này trong bộ phim. Trong khi có một nhóm khán giả hưởng ứng và đánh giá cao dụng ý của đạo diễn, cũng có một nhóm khác cho rằng những chi tiết này là thừa, thậm chí phản cảm. Ông có lý giải như thế nào về phản ứng này của khán giả, thưa ông?

Tiến sỹ Mai Anh Tuấn: Trong các phim chiến tranh của điện ảnh cách mạng trước đây thì không hề có “cảnh nóng.” Các phim chiến tranh của Việt Nam gần đây cũng chỉ có cảnh tình yêu, tình ái, nhưng đến mức ân ái nóng bỏng như "Địa đạo" thì không. Theo tôi, có “cảnh nóng” hay không không quan trọng bằng cảnh phim đó có hay, có hợp lý với diễn biến chuyện phim không.

Trong "Địa đạo," tôi nghĩ cảnh nhân vật Út Khờ bị một đồng đội “chiếm đoạt” hay hơn và gây cho tôi nhiều cảm xúc hơn. Út Khờ ngây thơ, đến khi biết mình có thai thì cũng không chắc ai là cha đứa trẻ. Chiến tranh đẩy con người trong cuộc vào thế khó nhận diện đúng sai, chỉ cái chết, như cái chết của Út Khờ, mới khiến chúng ta cảm nhận tường tận con người nạn nhân, nỗi đau của cuộc chiến ấy là rõ ràng thế nào.

Còn “cảnh nóng” của Tư Đạp và Ba Hương, theo tôi, có thể có hoặc không, nghĩa là nó không làm tôi có quá nhiều cảm xúc, nghĩ ngợi. Đó vẫn là một cảnh chấp nhận được xét theo diễn biến mối quan hệ giữa Tư Đạp và Ba Hương, nhưng bộc lộ ân ái ngay dưới mưa bom bão đạn, giữa căn hầm rung lắc dữ dội, thì tôi nghĩ cũng hơi quá!


Cảnh phim này biểu đạt sức sống, lòng khát sống, và cả thái độ “mặc kệ” bom đạn của người du kích trẻ tuổi. Nhưng tôi thích nó thoảng qua hơn là có phần đặc tả như trong phim.

dia-dao1-1744545328667.jpg

Một cảnh chung giữa Ba Hương và Tư Đạp. (Ảnh từ phim)

- Trên thực tế, những chuyện được coi là tế nhị như thế này từng xuất hiện trong phim điện ảnh bối cảnh tương tự trước đây, chỉ là không được kể một cách trực diện. Chẳng hạn trong phim "Ngã ba Đồng Lộc" của Lưu Trọng Ninh cũng từng có chi tiết về cô thanh niên xung phong có bầu, bị kỷ luật, về hậu cứ chăn bò.

Dường như "Địa đạo" là phim hiếm hoi cung cấp thêm góc nhìn phía sau những câu chuyện như thế. Phải chăng “chuyện nam nữ” vốn là một hiện thực mà nhiều nhà làm phim, nhiều nhà văn đã né tránh hoặc chủ động chọn không đề cập tới? Ông có nhận định như thế nào?

Tiến sỹ Mai Anh Tuấn: "Ngã ba Đồng Lộc" (1997) đúng là phim khắc họa người lính ở những chi tiết, hành động đời thường của con người bình thường. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh không có ý thần thánh hóa họ.

Đến phim "Địa đạo," như tôi đã nói ở trên, tiếp tục xây dựng người lính du kích địa đạo trong trạng thái phải sinh tồn, phải căng sức chiến đấu. Cái chết và tổn thất diễn ra mỗi ngày. Bộ phim không coi “chuyện nam nữ” là điều cấm kỵ trong chiến tranh. Ngược lại, đạo diễn coi đó là điều bình thường của những con người bình thường, trước khi họ bị/được chúng ta biến thành huyền thoại.

Vì thế, "Địa đạo," tôi nghĩ, đã tiến đến một cách kể chuyện cởi mở và đa dạng hơn về chiến tranh. Thực tế, các phim về chiến tranh trên thế giới cũng đa dạng. Chỉ có như vậy thì hiện thực cuộc chiến, nơi mỗi người lính cũng đồng thời là một cá nhân đầy phức tạp, sẽ được khám phá, tái hiện sinh động hơn.

Hiện thực không chỉ là “ta thắng, địch thua”

- Về đoạn kết, một trong những chi tiết gây tranh cãi khác, nhiều khán giả cảm thấy lấn cấn với quyết định của nhân vật Ba Hương. Phải chăng trong khuôn khổ bộ phim, quyết định này chưa được diễn giải và hình thành một cách rõ nét, thưa ông?

Tiến sỹ Mai Anh Tuấn: Cái kết của phim, theo tôi, là một cách xử lý tinh tế và sáng tạo của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Ở đó, không có một kết quả chiến thắng rõ ràng, thậm chí, cũng không gây cảm giác đội quân du kích của Bảy Theo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khán giả chỉ nhìn thấy Tư Đạp và Ba Hương sống sót sau khi đã chiến đấu kiệt sức tàn hơi với trận càn tàn bạo của giặc.


Dừng lại ở đó, tôi nghĩ, chính là dừng ở một thời điểm lịch sử, lúc mà cuộc chiến chống Mỹ của nhân dân miền Nam còn quá cam go, ác liệt. Nên nhớ, bối cảnh của bộ phim là vào năm 1967.

Chúng ta thường có thói quen xem phim chiến tranh của Việt Nam là phải thấy ta thắng, địch thua. Nhưng chiến thắng trong chiến tranh chắc chắn không dễ dàng, càng không phải không có những đau đớn, mất mát. Bùi Thạc Chuyên lựa chọn một kết thúc mở, với Tư Đạp, Ba Hương sống sót, như ngụ ý rằng địa đạo vẫn tiếp tục sức mạnh phi thường của nó, và những người lính du kích, dù hy sinh phần lớn, vẫn không bao giờ buông súng cho đến khi hòa bình.

Nhân vật Ba Hương dường như đã quyết định cho tên lính Mỹ được sống. Anh ta bị thương nặng và cũng đã tận mắt thấy sức mạnh phi thường của con người trong địa đạo, nên việc kết liễu anh ta không có ý nghĩa gì. Đạo diễn để ngỏ khả năng tên lính này được sống, cũng là một cách để chúng ta thấy rõ hơn bản chất của những người du kích, họ không tham chiến tham giết, họ chỉ muốn sinh tồn bình thường.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)


Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/dia-dao-da-giai-toa-noi-am-uc-voi-phim-chien-tranh-viet-nam-nhu-the-nao-post1032095.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm