Sau hơn 10 năm, vở kịch “Bí mật vườn Lệ Chi”, kịch bản Hoàng Hữu Đản qua bản dựng của NSƯT Thành Lộc với sự tham gia của dàn diễn viên gồm Thành Lộc, Hữu Châu, Tú Trinh, Thanh Thủy, Hồng Ánh, Hoàng Trinh, Mỹ Duyên, Tuấn Khôi… sẽ trở lại với phiên bản mới mang tên Lệ Chi Viên! (Bí mật vườn Lệ Chi)”.
Lần trở lại này, vở diễn vẫn có sự góp mặt của một số diễn viên từng tham gia các bản dựng trước. Nghệ sĩ Thanh Thủy và Hoàng Trinh một lần nữa đảm nhận vai Thần phi Nguyễn Thị Anh và Nguyễn Thị Lộ. Nghệ sĩ Hồng Ánh vào vai Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao. NSƯT Đại Nghĩa đóng vai Tạ Thanh, nghệ sĩ Đình Toàn đảm nhận 2 vai là vua Thái Tông và Thánh Tông. Nghệ sĩ Quang Thảo đảm nhận vai Nguyễn Trãi lẫn biên tập và đạo diễn vở.
Để chuẩn bị cho vở diễn, đội ngũ sáng tạo gồm đạo diễn, tổ phục trang, và nhà sản xuất đã có chuyến đi thực tế đến Bắc Ninh - nơi tọa lạc của Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Đền thờ Nguyễn Trãi (Chí Linh, Hải Dương), Lệ Chi Viên (Gia Bình, Bắc Ninh), Quốc Tử Giám (Hà Nội), một số đình chùa phía Bắc và gặp các nhà trang phục lịch sử tại Huế để tìm hiểu, tham khảo phục dựng vở sao cho sát với lịch sử nhất.
Theo đạo diễn Quang Thảo, “Lệ Chi Viên! (Bí mật vườn Lệ Chi)” không chỉ là câu chuyện bi kịch cá nhân mà còn phản ánh hiện thực của một triều đại với nhiều mâu thuẫn, đấu đá mưu mô, sự suy tàn của đạo lý và lòng tin - những đề tài vẫn còn nguyên tính thời sự. Mục tiêu chính của nhà hát khi làm mới vở là để lan tỏa tinh thần yêu sử đến thế hệ trẻ.
![]() |
![]() |
Vở “Lệ Chi Viên! (Bí mật vườn Lệ Chi)” có sự góp mặt của một số diễn viên từng tham gia các bản dựng trước. Ảnh: Idecaf |
Chia sẻ cùng Báo Pháp luật Việt Nam sau buổi phúc khảo tại TP HCM, Quang Thảo bày tỏ: “Nếu nói không hài lòng thì có lẽ hơi bất công với bản thân một chút, vì chúng tôi đã làm tốt nhất trong khả năng, điều kiện chuẩn bị và thời gian này.
Với tư cách đạo diễn, tôi hài lòng với ê-kíp diễn viên, với trang phục, cảnh trí, nhưng về mặt diễn viên, trong suất đầu tiên vừa làm đạo diễn, lại vừa làm diễn viên, tôi có một chút phân tâm và lo lắng nên chưa trọn vẹn. Nhìn chung trên tổng thể, chúng tôi đã làm được 80% và phần còn lại chắc chắn sẽ hoàn thiện theo thời gian.
Với tôi, đây là bản dựng mà tới giờ này, tôi thấy mình đúng khi chọn “chìa khóa” để dựng bản này. Chìa khóa ở đây là việc một kịch bản chính sự khi dựng sẽ khó khăn, vì phải tuân theo sự thật lịch sử, nhưng để làm sao khán giả trẻ của thời đại này họ tiếp nhận, họ xem thì phải có tính giải trí, gồm trang phục, âm nhạc, ánh sáng, thủ pháp dựng để gần với khán giả”.
Trước việc vở sử dụng một số từ ngữ có phần hiện đại, đạo diễn nói, điều này có từ trong kịch bản, bản thân anh cũng ngạc nhiên khi tác giả Hoàng Hữu Đản viết từ năm 1962 nhưng dùng những từ ngữ rất gần với thời đại.
“Có một số vở kịch lịch sử dùng từ Hán Nôm, nhưng có một số từ khó hiểu, khi xem bạn có thể không thể hiểu hết ý nghĩa. Cứ mỗi lần không hiểu, cảm xúc người xem sẽ tụt dần và khó tiếp thu được. Vậy nên cách chúng tôi hướng đến, đó là: “Làm kịch xưa nhưng chọn cách kể gần hơn” (dùng từ ngữ, cách hành xử của nhân vật dễ hiểu hơn), vì đây không phải vở chính luận mang tính chất khoa giáo, đây vẫn là vở giải trí. Chúng tôi vẫn bán vé, vẫn mong muốn mọi người ủng hộ theo hướng giải trí, thì phải mềm mại chút”.
![]() |
Phản hồi phóng viên vấn đề trẻ hóa diễn viên để tiếp cận thêm nhiều đối tượng khán giả trẻ, Quang Thảo bộc bạch: “Có một quy luật của nghệ thuật là khi còn quá trẻ, bạn sẽ không đủ kinh nghiệm. Một diễn viên 18 tuổi khó có thể đóng một nhân vật lịch sử 18 tuổi vì không đủ độ từng trải, đủ kinh nghiệm diễn xuất, hóa thân lẫn đài tử. Đây là bài toán chung không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả nghệ thuật trên thế giới cũng khó có thể làm được. Nếu để nói trẻ hóa, có lẽ sẽ là một phần nào đó ở tuổi tác của diễn viên, còn lại phần đa chúng tôi sẽ trẻ hóa về ngôn từ, cách dàn dựng, tiếp cận, quảng bá”.
“Lệ Chi Viên! (Bí mật vườn Lệ Chi)” dự kiến công diễn vào ngày 1/5 tại TP HCM.
Vườn Lệ Chi là một trong những kỳ án nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Năm 1442, vua Lê Thái Tông khi mới 20 tuổi đi tuần miền Đông, có ghé thăm Lệ Chi Viên, vườn vải ở quê nhà của Nguyễn Trãi (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Tại đây, nhà vua đột ngột băng hà trong đêm.
Ngay sau đó, Nguyễn Trãi và vợ Nguyễn Thị Lộ bị khép vào tội “mưu sát vua”. Cả ba họ Nguyễn Trãi bị xử tru di. Hơn 20 năm sau (năm 1464), vua Lê Thánh Tông (con trai của Lê Thái Tông) sau khi lên ngôi đã xét lại vụ án và minh oan cho Nguyễn Trãi, khẳng định ông là người trung thần bị hại oan.
Sử sách chính thống từ đó đến nay đều ghi nhận ông là một trong những nạn nhân của “kỳ án Lệ Chi Viên”.
Nguồn: https://baophapluat.vn/san-khau-kich-no-luc-dua-lich-su-den-gan-khan-gia-tre-post545578.html
Bình luận (0)