Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Địa phương ra đề thi được không nếu giao hiệu trưởng cấp bằng tốt nghiệp THPT?

Một trong những điểm được dư luận quan tâm trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục là chuyển thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp THPT từ giám đốc sở GD-ĐT cho hiệu trưởng. Từ đây có thể đặt ra việc thí điểm cho một số địa phương đủ điều kiện được tự chủ thi, ra đề thi tốt nghiệp THPT.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên14/05/2025

Nhằm tạo ra bước đột phá mới, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, việc phân cấp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết.

Theo đó, việc thí điểm cho phép một số địa phương đủ điều kiện được tự chủ thi, ra đề thi tốt nghiệp THPT không chỉ phù hợp với xu hướng quản trị hiện đại mà còn là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.

CHỦ TRƯƠNG VÀ ĐIỀU KIỆN THỰC TIỄN ĐỀU PHÙ HỢP

Ngày 14.11.2023, tại Trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực. Tại phiên họp, Phó thủ tướng lưu ý, đổi mới giáo dục là vấn đề rất lớn, phức tạp, có những mục tiêu đặt ra phải 5 - 10 năm mới đạt được. Bộ GD-ĐT nghiên cứu kỹ tất cả các phương án thi, bao gồm, thí điểm cho phép một số địa phương tự ra đề, tự tổ chức kỳ thi theo định hướng tiêu chí của Bộ. Đây là bước tiến trong phân cấp quản lý giáo dục, đồng thời phản ánh nhu cầu thực tiễn một số địa phương muốn đột phá, tiến kịp các nước tiên tiến trong khu vực.

Địa phương ra đề thi: Tự chủ thi tốt nghiệp THPT và những cơ hội mới - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM. TP này từng nhiều lần đề nghị được tự tổ chức thi tốt nghiệp THPT

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

TP.HCM từng là một trong những địa phương tiên phong đề xuất được tự chủ thi tốt nghiệp THPT. Điều này thể hiện khát vọng đổi mới, phù hợp với đặc điểm phát triển KT-XH và nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục của TP, tiến kịp các nước tiên tiến. Trong bối cảnh sáp nhập tỉnh, TP.HCM tương lai còn có Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu thì nguồn lực về con người, cơ sở vật chất và công nghệ càng dồi dào, thuận lợi để thực hiện mô hình thí điểm tự chủ ra đề.

Đặc biệt, chủ trương thí điểm mô hình xã hội chủ nghĩa tại một số địa phương có tiềm năng vượt trội đã tạo cơ sở chính trị và pháp lý để thực hiện các cải cách mạnh mẽ, trong đó có giáo dục và đào tạo. Việc đổi mới này sẽ đào tạo ra những con người mới phát triển toàn diện, đáp ứng các yêu cầu kỹ năng của thế kỷ 21, như kỹ năng phản biện, sáng tạo, giải quyết vấn đề, tự học và tự học suốt đời, hướng đến công dân toàn cầu.

NHỮNG LÝ DO CÓ THỂ PHÂN CẤP ĐỊA PHƯƠNG

Trước hết, đổi mới thi cử, đánh giá là đòn bẩy của giáo dục chất lượng cao. Đặc biệt, là việc tự chủ ra đề giúp các địa phương thiết kế đề thi sát thực tiễn, đánh giá đúng năng lực học sinh (HS), không chỉ đánh giá theo các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mà còn hướng đến chuẩn quốc tế như đánh giá PISA của OECD, SAT (Mỹ), A-Level (Anh quốc) hay Gaokao (Trung Quốc).

Kế đến, không thể đánh giá chung một thước đo, trong khi chất lượng giáo dục giữa các địa phương còn chênh lệch lớn. Áp dụng chung một đề thi trên toàn quốc trong khi điều kiện KT-XH, trình độ HS và năng lực tổ chức khác nhau là bất hợp lý, không khuyến khích các địa phương có điều kiện vượt lên trước. Cần tạo cơ chế để các địa phương phát triển mạnh được đi trước, làm mẫu để áp dụng cho nhiều tỉnh, TP khác. Có như vậy, giáo dục VN mới hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Thứ ba, thích ứng với chuyển đổi số và thi trên máy tính. Đây là chủ trương thi trên máy tính của Bộ GD-ĐT trong những năm tới, đòi hỏi ngân hàng đề và cấu trúc đề thi linh hoạt - điều này chỉ khả thi khi địa phương được giao nhiệm vụ thí điểm là những địa phương có đủ nguồn lực con người, thiết bị để tự ra đề thi và tổ chức thi trên máy tính.

Thứ tư, tiệm cận chuẩn đánh giá quốc tế. Tự chủ ra đề mở đường cho tích hợp các năng lực mới như tư duy phản biện, sáng tạo, kỹ năng liên môn, giải quyết vấn đề, học hỏi từ trí tuệ nhân tạo… giúp HS VN hội nhập tốt hơn với thế giới.

Cuối cùng, là đội ngũ giáo viên (GV) đã sẵn sàng. Những năm qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tập huấn cho GV THPT cốt cán trên toàn quốc về kỹ thuật xây dựng đề thi theo hướng đánh giá năng lực. GV ở các địa phương được tập huấn ra đề thi nên đã quen thuộc với định dạng đề thi tốt nghiệp THPT, tham gia xây dựng ngân hàng đề thi, nên có khả năng đảm nhận khâu ra đề thi tốt nghiệp nếu được giao nhiệm vụ.

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO ĐỊA PHƯƠNG

Việc giao cho địa phương nào đó tự ra đề thi, nếu được triển khai đúng cách sẽ mở ra cơ hội đổi mới giáo dục nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức.

Theo đó, địa phương sẽ có cơ hội khi tăng cường tự chủ. Địa phương được trao quyền tự chủ trong thi cử sẽ chủ động hơn trong quản lý giáo dục, phù hợp với đặc thù vùng miền. GV và cán bộ quản lý được nâng cao năng lực thông qua tham gia xây dựng đề, từ đó đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá. Đề thi có thể sáng tạo hơn, lồng ghép kiến thức địa phương, giúp HS gắn lý thuyết với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương và hội nhập toàn cầu.

Tuy nhiên, các địa phương tự ra đề dễ dẫn đến chênh lệch về độ khó giữa các địa phương, ảnh hưởng đến công bằng trong công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, cao đẳng. Các trường ĐH sẽ gặp khó khăn khi phải đánh giá nhiều bộ đề không đồng nhất. Nguy cơ tiêu cực như gian lận, lộ đề có thể xảy ra nếu quy trình tổ chức không chặt chẽ, đặc biệt ở nơi thiếu nhân lực và cơ sở vật chất, và có thể không công bằng của một số HS, khi phải thi đề có độ khó cao hơn so với đề thi chung quốc gia.

Địa phương ra đề thi được không nếu giao hiệu trưởng cấp bằng tốt nghiệp THPT ? - Ảnh 1.

Đổi mới thi cử, đánh giá là đòn bẩy của giáo dục chất lượng cao

ảnh: Đào Ngọc Thạch


GIẢI PHÁP ĐỂ TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ

Trước hết, luật Giáo dục quy định HS học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được cấp bằng THPT (không quy định thi chung quốc gia hay từng địa phương). Do đó, Bộ GD-ĐT cần ban hành chuẩn đầu ra, làm căn cứ cho việc thiết kế đề thi ở địa phương theo một khung năng lực chung toàn quốc.

Thứ hai, thí điểm có chọn lọc, ưu tiên các địa phương có nền tảng tổ chức thi, nhân lực và hạ tầng tốt.

Giám sát độc lập và hậu kiểm chặt chẽ, thiết lập cơ chế giám sát xuyên suốt, kiểm định kết quả thi minh bạch.

So sánh kết quả, điều chỉnh chính sách, thực hiện đối sánh kết quả thi giữa các địa phương để điều chỉnh, đảm bảo công bằng trong công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh.

Bộ GD-ĐT giữ vai trò điều phối, chia sẻ ngân hàng đề mẫu, đào tạo nhân lực và cung cấp nền tảng công nghệ.

Tự chủ ra đề thi không phải là buông lỏng quản lý, mà là sự phân quyền có kiểm soát, có giám sát để thúc đẩy sáng tạo, nâng chuẩn giáo dục. Nếu làm đúng cách, việc phân cấp tổ chức thi có thể trở thành điển hình cải cách - không chỉ trong giáo dục mà còn cho tư duy quản trị công hiện đại. Đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà là tín hiệu mạnh mẽ cho cải cách thật sự.

Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển

Trên thế giới, một số nước đã được phân cấp tổ chức thi, ra đề thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT cho từng tỉnh/bang.

Tại Canada, mỗi tỉnh/bang như Alberta hay British Columbia tự ra đề thi, đảm bảo sự phù hợp và linh hoạt, có kiểm định độc lập.

Ở Đức, các bang tổ chức thi tốt nghiệp riêng nhưng vẫn đảm bảo chuẩn chung, phục vụ xét tuyển ĐH toàn quốc.

Ở Mỹ, các bang tổ chức kỳ thi riêng, nhưng cùng hướng đến bộ chuẩn kỹ năng cốt lõi chung. Các bang có thể đối sánh chuẩn đánh giá với nhau hoặc đối sánh với chuẩn đánh giá của những nước có chất lượng giáo dục tốt.

Những mô hình này cho thấy phân cấp không làm giảm chất lượng, ngược lại còn tăng tính linh hoạt và phù hợp địa phương, miễn là có khung chung và kiểm định độc lập.

Nguồn: https://thanhnien.vn/dia-phuong-ra-de-thi-duoc-khong-neu-giao-hieu-truong-cap-bang-tot-nghiep-thpt-185250513215954165.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm