Phù hợp công tác tuyển sinh
Bộ GD&ĐT đã “chốt” điểm sàn nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2025. Theo đó, điểm sàn các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học là 19 điểm. Riêng các ngành Giáo dục Thể chất, Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật là 18 điểm, còn ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng là 16,5 điểm.
Tán thành mức điểm sàn nêu trên, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phân tích, chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm khoảng 40.000 sinh viên, trong khi số thí sinh đăng ký xét tuyển có thể gấp 10 lần. Ngoài ra, những năm trước, số thí sinh trúng tuyển vào các ngành sư phạm thường có tỷ lệ nhập học trên 95%.
Đặc biệt, hiện Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2026). Luật đề cập đến nhiều chính sách ưu việt dành cho đội ngũ nhà giáo nên nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, trong đó có phụ huynh và thí sinh. Do đó, nhóm ngành đào tạo giáo viên được dự báo sẽ thu hút nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển.
Từ những phân tích nêu trên, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho rằng, nếu hạ thấp điểm sàn (dưới ngưỡng Bộ GD&ĐT công bố) có thể sẽ đi ngược với tinh thần chung là: Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Do vậy, việc Bộ GD&ĐT quyết định giữ mức điểm sàn: 19 điểm với trình độ đại học, 18 điểm với các ngành Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật và 16,5 điểm với giáo dục mầm non (trình độ cao đẳng) là phù hợp công tác tuyển sinh các cơ sở đào tạo.
Đồng quan điểm, PGS.TS Mai Xuân Trường - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cho hay, hiện nguồn tuyển của trường chủ yếu là thí sinh từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhiều năm trở lại đây, điểm trúng tuyển của trường thường rất cao.
“Năm nay, chúng tôi dự kiến không có ngành nào của trường có điểm sàn dưới 19. Thực tế, điểm sàn này vẫn thấp hơn điểm chuẩn những năm trước khoảng 5 - 6 điểm”, PGS.TS Mai Xuân Trường chia sẻ và tán thành với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên mà Bộ GD&ĐT đã công bố. Mức điểm này giúp các trường tuyển sinh ngành sư phạm được thuận lợi.
Mấy năm qua, dù Bộ GD&ĐT yêu cầu mức điểm sàn trình độ đại học với nhóm ngành đào tạo giáo viên là 19 điểm nhưng thực tế Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) thường xét điểm chuẩn từ 23 điểm trở lên. TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, một số ngành liên quan đến năng khiếu như: Giáo dục Mầm non, Giáo dục thể chất hay Sư phạm Âm nhạc thường có tỷ lệ chọi dưới 10 thí sinh, còn lại trên hai con số. Điều đó cho thấy, sức hút ngành sư phạm rất lớn.
Trong bối cảnh hiện nay, Đảng, Nhà nước dành nhiều quan tâm, chăm lo cho đội ngũ nhà giáo, nhất là Luật Nhà giáo mới được ban hành nên ngành sư phạm càng được thí sinh quan tâm. Vì thế, TS Võ Văn Minh cho rằng, mức điểm sàn năm nay không ảnh hưởng lớn đến công tác tuyển sinh. Xét trên mặt bằng chung của cả nước, mức điểm sàn năm nay với nhóm ngành đào tạo giáo viên là phù hợp, thuận lợi cho các trường xét tuyển.
“Giả sử nếu giảm điểm sàn thấp hơn, chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến xã hội. Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước dành nhiều quan tâm đến nhà giáo, nhưng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào lại giảm dẫn đến những tác động không tốt đến ngành Giáo dục và khó thuyết phục với xã hội”, TS Võ Văn Minh nêu quan điểm.

Nguồn tuyển sư phạm còn nhiều “dư địa”
Đồng thuận với các ý kiến nêu trên, TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, để giữ vững chất lượng đào tạo sư phạm, việc ổn định mức điểm sàn các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học như năm 2024 là cần thiết và phù hợp với thực tiễn khách quan. Trên cơ sở đó, các trường sẽ xây dựng mức điểm sàn riêng cho từng ngành.
Dự kiến, mức điểm sàn của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh dao động từ 19 - 23 điểm (tùy từng ngành). Dự đoán điểm trúng tuyển năm nay vào các ngành sư phạm của trường thấp nhất cũng phải trên 23 điểm và cao nhất là trên 28 điểm.
Mặc dù các năm trước, điểm sàn ngành sư phạm trình độ đại học là 19 điểm, nhưng PGS.TS Đoàn Đức Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn cho hay, điểm chuẩn thấp nhất vào trường là 23 điểm, có ngành lên đến 28 điểm. Thực tế, điểm trúng tuyển luôn cao hơn điểm sàn rất nhiều. Mặt khác, qua các dữ liệu cho thấy, nguồn tuyển của nhóm ngành đào tạo giáo viên còn khá nhiều “dư địa” so với chỉ tiêu đặt ra.
Cùng đó, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi dành cho giáo viên, ngành sư phạm như: Miễn học phí, trợ cấp cho sinh viên sư phạm. Tới đây (1/1/2026), Luật Nhà giáo có hiệu lực với hàng loạt chính sách đột phá dành cho giáo viên. Vì thế, sức hút ngành sư phạm sẽ càng lớn. Theo đó, công tác tuyển sinh nhóm ngành đào tạo giáo viên sẽ có nhiều thuận lợi. Do vậy, PGS.TS Đoàn Đức Tùng đồng tình với mức điểm sàn từ 16,5 - 19 điểm (tùy từng ngành, trình độ).
Từ phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT và qua thực tiễn cho thấy, tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên trong những năm qua ngày một tốt hơn. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhìn nhận, cùng với Luật Nhà giáo mới được Quốc hội ban hành, các chế độ chính sách thu hút người giỏi vào ngành sư phạm ngày càng phát huy hiệu quả. Hiện, các chế độ, chính sách dành cho nhà giáo, giáo sinh được thực hiện trơn tru hơn so với những năm đầu, do đó thu hút đông đảo học sinh vào học ngành sư phạm.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, trên cơ sở điểm sàn của Bộ GD&ĐT đã công bố, các trường có thể xây dựng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cao hơn và điểm chuẩn sẽ cao hơn điểm sàn. Với điểm sàn năm nay, vừa bảo đảm đủ nguồn tuyển, vừa giữ được chất lượng cho nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/diem-san-nhom-nganh-dao-tao-giao-vien-nam-2025-bao-dam-du-nguon-tuyen-chat-luong-post741067.html
Bình luận (0)