Ông Nguyễn Văn Minh, thôn 1, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (Đắk Nông) cho biết, gia đình có gần 1,5ha hồ tiêu, ngay sau thu hoạch ông thực hiện vệ sinh, dùng vôi bột hòa loãng để phun, xịt lên toàn bộ vườn.

Đây cũng là giai đoạn ông đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đối với từng trụ hồ tiêu trên vườn. Đối với một số cây bệnh, chết ông dùng vôi rải nhiều vào gốc, cắt và gom cành lại chôn, hoặc đốt để phòng ngừa sự lây lan mầm bệnh.

Sau khi thực hiện các công đoạn vệ sinh vườn như trên, ông bón phân cho hồ tiêu bằng hỗn hợp đạm cá đã được ủ từ trước, tưới nước đều đặn nhằm giúp cây nhanh phục hồi.
Thời gian này, gia đình ông Phạm Thuận, thôn 7, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đang tập trung chăm sóc vườn hồ tiêu sau thu hoạch. Với gần 10ha hồ tiêu được canh tác theo quy trình đạt chứng nhận hữu cơ nên việc chăm sóc sau thu hoạch tốn rất nhiều công sức.

Gia đình ông thực hiện việc vệ sinh vườn, cắt tỉa bớt cành, xạc cỏ, tưới nước, bón phân. Ông Thuận cắt bớt những cành dây lươn, cành sâu bệnh, cành tăm, mọc sát mặt đất.
Theo ông Thuận việc này giúp cho cây tập trung nuôi những cành ngang cho trái, làm cho cây thông thoáng, ngăn ngừa mầm bệnh và tạo điều kiện thuận lợi cho cây phân hóa mầm hoa.

Ông Thuận khẳng định: “Chăm sóc tốt cho vườn hồ tiêu sau thu hoạch sẽ góp phần quyết định vào sức khỏe vườn cây tạo tiền đề cho giai đoạn ra hoa, đậu quả, phòng các bệnh nguy hiểm như chết nhanh, chết chậm”.
Theo lãnh đạo Chi cục Phát triển nông nghiệp Đắk Nông, chăm sóc hồ tiêu sau thu hoạch có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sức đề kháng của cây, nhất là trong điều kiện thời tiết có nhiều thay đổi như hiện nay.
Nhà nông đẩy mạnh áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngay từ đầu vụ nhằm cắt đứt nguồn sâu bệnh lây lan qua vụ sau.
Thời kỳ này, về nguyên tắc chung, nhà nông cần để cho cây tiêu khô hạn và có thời gian ngủ, nghỉ, phân hóa mầm hoa. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà nông dân bỏ bê việc chăm sóc, không nên phơi gốc, rễ tiêu làm cho cây càng mất sức, dễ bị nấm bệnh tấn công về sau.
Người dân cũng cần sử dụng các vật liệu che chắn, tủ gốc để chống khô hạn hiệu quả; cần giữ độ ẩm vừa phải, cung cấp đủ lượng dinh dưỡng tại chỗ, kịp thời cho cây.

Các loại phân bón nên được nhà nông cân đối về chủng loại, hàm lượng, trong đó lưu ý sử dụng nhiều phân sinh học, vi sinh vì cây dễ hấp thu trong điều kiện khô hạn.
Làm được điều này, khi vào vụ ra hoa, đậu quả mới, cây tiêu đã sẵn sàng cho khả năng kháng bệnh, nhất là vào mùa mưa, nuôi trái tốt hơn.
Diện tích hồ tiêu Đắk Nông đứng đầu khu vực Tây Nguyên và cả nước với 34.000ha. Năng suất bình quân hồ tiêu của tỉnh đạt khoảng 2,4 tấn/ha, tổng sản lượng hàng năm đạt khoảng 70.000 tấn.
Ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông cho biết, qua theo dõi của ngành chức năng, những năm gần đây, kỹ thuật chăm sóc vườn cây hồ tiêu của nhà nông ngày càng vững vàng. Điều đáng mừng là xu hướng sản xuất bền vững, canh tác theo hướng hữu cơ, thuận tự nhiên ngày càng được bà con nhân rộng.
Đắk Nông hiện trên 2.200ha hồ tiêu đạt các tiêu chuẩn quốc tế như Flo, Rainforest; 600ha đạt chứng nhận hữu cơ; 300ha hồ tiêu đạt chứng nhận VietGAP.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững gắn với các chuỗi liên kết, ngành hàng giữa nhà nông, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp gia vị lớn trên thế giới nhằm nâng cao chất lượng, giá trị.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dien-tich-ho-tieu-lon-nhat-nuoc-dak-nong-lam-gi-sau-vu-thu-hoach-247361.html
Bình luận (0)