Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Doanh nghiệp kêu quy định chặt, ngay Amazon hay Tesla cũng khó IPO ở Việt Nam

Để đáp ứng nhu cầu vốn, IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp. Nhưng ngay cả Tesla của Elon Musk hay "ông lớn" Amazon nếu khởi nghiệp ở Việt Nam cũng khó có cơ hội niêm yết, kêu gọi vốn.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ31/03/2025

ipo - Ảnh 1.

Nhiều kỳ lân công nghệ (những công ty khởi nghiệp tư nhân có giá trị hơn 1 tỉ USD) tiềm năng của Việt Nam cũng khó IPO do quy định chặt chẽ - Ảnh: AI

Cả thập niên qua, chưa có một doanh nghiệp công nghệ thực sự nào IPO thành công ở Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần xem vì sao doanh nghiệp lại "ngại" IPO, niêm yết vậy. Nên xem xét cơ chế thoáng hơn hoặc có giải pháp để áp dụng riêng với nhóm công nghệ.

Chỉ có 16 cổ phiếu công nghệ trên sàn

Một báo cáo mới đây từ SSI Asset Management (SSIAM) chỉ ra Việt Nam hiện là thị trường có số lượng và giá trị IPO thấp nhất trong khu vực. Nếu như Indonesia có 41 thương vụ IPO năm 2024, Malaysia có 55 thì ở Việt Nam là 1.

Thương vụ IPO hiếm hoi ở Việt Nam do Công ty chứng khoán DNSE thực hiện, huy động được khoảng 37 triệu USD. Nhưng DNSE bản chất là công ty chứng khoán, chỉ là theo mô hình công nghệ.

Trước đó, vào năm 2021, một công ty công nghệ do người Việt sáng lập đã IPO nhưng lại chọn Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo (Nhật Bản). Còn VNG, một kỳ lân công nghệ của Việt Nam, chọn chào bán lần đầu ra công chúng ở Mỹ, nhưng năm ngoái đã rút lại hồ sơ.

Nhìn vào cơ cấu doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, chỉ có 16 công ty công nghệ, chiếm khoảng 1% trên hơn 1.600 đơn vị niêm yết. So sánh với các nước trong khu vực, con số của Việt Nam vô cùng khập khiễng khi Trung Quốc có 997 cổ phiếu công nghệ trên sàn, Nhật 903, Hàn Quốc 648, Ấn Độ 332, Malaysia 125...

ThS Đoàn Ngọc Khanh, chánh văn phòng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số, cho biết cơ cấu trên thị trường chứng khoán Việt Nam khá đơn điệu, cũ kỹ khi tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, hàng tiêu dùng...

Đây cũng là lý do khiến VN-Index khó tăng trưởng sau gần hai thập niên. Khi nguồn cung hàng hóa chất lượng cao khan hiếm, thiếu vắng các "làn gió" mới từ khu vực công nghệ, kinh tế số sẽ khiến thị trường kém hấp dẫn với các "tay to" trong giới đầu tư quốc tế, bà Khanh đánh giá.

Do quy định quá chặt?

Có nhiều lý do khiến thị trường Việt Nam vắng thương vụ IPO, đặc biệt từ lĩnh vực công nghệ. Nhà sáng lập một start-up trong lĩnh vực lập trình giao tiếp nói với Tuổi Trẻ, không IPO dù rất cần vốn. 

"Chúng tôi vẫn đang tăng trưởng doanh thu 3 năm liên tiếp, mở rộng sang Mỹ, Ấn Độ... Hiện chưa thể có lãi do chi phí đầu tư quá lớn", vị này nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Ngọc Anh - tổng giám đốc SSIAM - cho biết theo quy định hiện hành, muốn IPO bắt buộc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.

Một chuyên gia kinh tế đánh giá Tesla của Elon Musk nếu khởi nghiệp ở Việt Nam sẽ không thể IPO và kêu gọi vốn để phát triển, thành doanh nghiệp hàng đầu thế giới. 

Vì Tesla IPO năm 2010 và liên tục lỗ, thậm chí 2017 lỗ tới hơn 2 tỉ USD. 10 năm sau, 2020 là năm đầu tiên hãng này ghi nhận lợi nhuận.

Bà Ngọc Anh chỉ ra IPO tại Việt Nam vẫn gặp rào cản lớn do các quy định niêm yết chưa linh hoạt, không phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Họ thường cần lượng vốn lớn giai đoạn đầu nhằm đổi mới công nghệ, mở rộng người dùng, xây dựng hạ tầng vận hành... nên thường lỗ tạm thời.

Trung Quốc và Ấn Độ đã đi đầu trong việc nới lỏng điều kiện lợi nhuận khi IPO. Trung Quốc cho phép công ty công nghệ chưa có lợi nhuận hoặc lỗ lũy kế niêm yết trên STAR Market hoặc ChiNext. Tại Ấn Độ, Innovators Growth Platform áp dụng linh hoạt hơn với công ty công nghệ muốn niêm yết.

Ông Dương Quốc Anh, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết doanh nghiệp công nghệ sẽ không thể vay vốn lớn từ ngân hàng vì không có nhiều tài sản thế chấp: "Các doanh nghiệp có thể huy động trên UpCom nhưng quy mô nhỏ và không hút được các nhà đầu tư, quỹ đầu tư tài chính quốc tế. 

Một số trường hợp còn chuyển hướng đăng ký kinh doanh và IPO tại thị trường nước ngoài, làm thất thoát nguồn lực tài chính của đất nước".

Thực tế, nhiều doanh nghiệp công nghệ được thành lập ở Việt Nam đều đặt mục tiêu phải IPO ở thị trường lớn như Mỹ hay Singapore. Trong đó, Singapore được ví như "thiên đường" cho hình thức SPAC (thành lập một công ty vỏ bọc để huy động vốn thông qua IPO).

Ông Nguyễn Hoàng Giang - chủ tịch DNSE - nhấn mạnh đã đến lúc cần nghiêm túc xem vì sao doanh nghiệp lại ngại IPO, niêm yết vậy. Nếu tại tiêu chí ngày càng khắt khe, siết chặt thì nên có cơ chế thoáng hơn. "Việt Nam thúc đẩy kinh tế số, kinh tế sáng tạo. Vậy cũng phải có cơ chế chấp nhận doanh nghiệp công nghệ, sáng tạo thường dị biệt", ông Giang nói.

Tuy nhiên, một số quan điểm cho rằng vẫn cần nâng cao chất lượng các thương vụ IPO, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Các quy định chặt chẽ nhằm quản lý việc niêm yết và IPO của các công ty cổ phần là cần thiết.

Để giải bài toán này, ông Dương Quốc Anh đề xuất Việt Nam nghiên cứu xây dựng một sàn chứng khoán riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ. Sàn này sẽ có các điều kiện ưu đãi cho nhà đầu tư theo mô hình của một số quốc gia thành công trên thế giới.

Xu hướng sụt giảm IPO, vì sao?

Theo báo cáo về IPO của Deloitte 2023, tại Việt Nam, xu hướng sụt giảm IPO được cho bởi chi phối với thị trường vốn, đặc biệt thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa gỡ được nhiều nút thắt.

Theo TS Hồ Sỹ Hòa - giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư Chứng khoán DNSE, các cơ quan quản lý chủ trương minh bạch các thông tin tài chính, áp dụng nhiều tiêu chuẩn quốc tế như chuẩn mực báo cáo tài chính (IFRS), điều này cũng tác động trong ngắn hạn giảm số lượng lên sàn của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc chuẩn mực hóa tài chính và minh bạch sẽ góp phần tác động tích cực trong dài hạn với thị trường chứng khoán.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP.HCM, cũng chỉ ra bản thân nhiều doanh nghiệp ngại lên sàn. Trong đó, việc chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp tư nhân hay công ty TNHH sang công ty cổ phần và công ty cổ phần đại chúng sẽ phải có những yêu cầu chặt chẽ hơn về mô hình hoạt động và phương thức quản lý, công bố thông tin, kiểm toán độc lập...

Chưa kể, theo ông Huân, quy trình để tiến hành IPO cũng tốn kém và mất thời gian.

Khó lớn vì rào cản huy động vốn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều nhà lãnh đạo của các công ty công nghệ lớn tại Việt Nam đều cho rằng đang có một số công ty công nghệ Việt có tiềm năng phát triển lên tầm thế giới, nhưng lại "không thể lớn" do gặp rào cản về huy động vốn để phát triển quy mô.

Luật Chứng khoán năm 2019 yêu cầu doanh nghiệp muốn IPO trên sàn HOSE hoặc HNX phải có lãi hai năm liên tiếp và không lỗ lũy kế khiến hầu hết start-up công nghệ không thực hiện được do quá trình đầu tư vốn lớn cho nghiên cứu phát triển (R&D) nên sẽ rất khó xóa hết lỗ lũy kế khi IPO.

Lãnh đạo một công ty công nghệ ví von: ngay cả tên tuổi hàng đầu thế giới như Amazon cũng không thể IPO được nếu khởi nghiệp tại Việt Nam vì lỗ sáu năm sau IPO. Sàn NASDAQ không yêu cầu có lãi và phải xóa lỗ lũy kế, nhờ đó Amazon có cơ hội tiên phong dẫn dắt cuộc cách mạng thương mại điện tử và điện toán đám mây. "Việt Nam nếu muốn có những Amazon thì nên có những góc nhìn phù hợp hơn với đặc thù của các công ty công nghệ", vị chuyên gia đề xuất.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề
Trở lại chủ đề
BÌNH KHÁNH - ĐỨC THIỆN

Nguồn: https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-keu-quy-dinh-chat-ngay-amazon-hay-tesla-cung-kho-ipo-o-viet-nam-20250330224547624.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm