Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Doanh nghiệp mong Nghị quyết 57 sớm đi vào cuộc sống

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Nghị quyết 57 được kỳ vọng là cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan nghiên cứu nhà nước, càng triển khai sớm càng đem lại hiệu quả cao.

Báo Nông nghiệp Việt NamBáo Nông nghiệp Việt Nam26/03/2025

Hiện nay Vinaseed sở hữu nhiều bộ giống lúa chất lượng cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện nay Vinaseed sở hữu nhiều bộ giống lúa chất lượng cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Là doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) được Bộ KH-CN công nhận, Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đặt kỳ vọng vào Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị với mục tiêu thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp với các đơn vị nghiên cứu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn Nghị quyết 57 sớm được triển khai vào thực tiễn.

Khoa học công nghệ là động lực trực tiếp

GS Trần Đình Long, thành viên HĐQT, chuyên gia cố vấn cao cấp của Vinaseed chia sẻ, vị thế của Công ty hiện nằm ở thị phần giống cây trồng với một số đối tượng như lúa, ngô, cây thực phẩm, hoa màu. Từ khi cổ phần hóa vào năm 2004 đến nay, Công ty đã có những bước tiến rất vững chắc, ngay năm 2005 đã làm ăn có lãi và trong 10 năm trở lại đây trở thành doanh nghiệp tốp đầu về ngành giống cây trồng ở Việt Nam.

Những thành tựu mà Vinaseed có được xuất phát từ nhiều yếu tố nhưng trong đó yếu tố chính là Công ty xem KHCN là động lực trực tiếp để phát triển. Theo GS Trần Đình Long, đối với doanh nghiệp nông nghiệp, có 3 khâu chính là đầu vào với giống, sau đó là quy trình canh tác và cuối cùng là công nghệ sau thu hoạch.

Hiện nay, giống đóng vai trò rất quan trọng và ở Vinaseed, giống cũng là vấn đề cốt lõi. Khi sở hữu bộ giống tốt, doanh nghiệp có thể đảm bảo được chất lượng sản phẩm và ngày càng mở rộng thị phần.

Với hệ thống cơ sở trải dài khắp cả nước, Vinaseed có những trung tâm nghiên cứu để tự hoạt động, chọn tạo ra những giống mới và tổ chức sản xuất những giống tốt ở quy mô lớn.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển, hiện nay Vinaseed tập trung sản xuất theo chuỗi, không dừng lại ở làm ra hạt giống mà còn sản xuất, chế biến ra sản phẩm cuối để phục vụ kinh doanh, xuất khẩu, từ đó xây dựng được thương hiệu cho Công ty và cho quốc gia.

Điều này cho thấy vấn đề cốt lõi ở đây là Công ty đã ứng dụng được KHCN, ngoài mua bản quyền thì tự nghiên cứu, hợp tác với các viện nghiên cứu để cho ra được những bộ giống mới, đột phá hơn, lợi thế hơn.

GS Trần Đình Long, thành viên HĐQT, chuyên gia cố vấn cao cấp của Vinaseed. Ảnh: PAN group.

GS Trần Đình Long, thành viên HĐQT, chuyên gia cố vấn cao cấp của Vinaseed. Ảnh: PAN group.

"Có những giống Vinaseed tự làm từ đầu đến cuối, nhưng cũng có giống trong giai đoạn phân lập dòng thì phải hợp tác với các viện nghiên cứu", GS Trần Đình Long thông tin.

Theo đó, việc lấy khoa học làm động lực phát triển trực tiếp giúp Vinaseed thu hút được các nhà khoa học tham gia ở vai trò cố vấn, sau đó là hợp tác với các chuyên gia đầu ngành về giống cây trồng để hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

Sau khi có Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, những cơ chế liên doanh, liên kết với các viện, các tổ chức quốc tế sẽ cởi mở hơn, thuận lợi hơn. Nếu trước kia, việc hợp tác gặp rất nhiều vướng mắc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cơ chế tài chính, đất đai, tài sản, phòng thì nghiệm để sản xuất giống thì Nghị quyết 57 có thể giải quyết được.

Mặc dù vậy, ông Trần Đình Long cho rằng, đây chỉ là những thay đổi bước đầu. Để Nghị quyết 57 thực sự đi vào thực tiễn, cần thêm những bước cụ thể hóa bằng hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật mới. Khi đó, Vinaseed sẽ phát huy được hết năng lực về KHCN trong nghiên cứu giống cây trồng giữa doanh nghiệp và cơ quan nghiên cứu.

Trước bối cảnh này, Vinaseed sẽ vận dụng được những cơ chế, chính sách mới từ Nghị quyết 57 mang lại, củng cố lại một trung tâm giống cây trồng mạnh của Công ty để sẵn sàng phối hợp với các viện nghiên cứu nhà nước nhằm tháo gỡ những hạn chế về giống cây trồng hiện nay.

Hoạt động nghiên cứu và phát triển góp phần vào sự phát triển bền vững của Tập đoàn PAN và các công ty thành viên như Vinaseed. Ảnh: PAN Group.

Hoạt động nghiên cứu và phát triển góp phần vào sự phát triển bền vững của Tập đoàn PAN và các công ty thành viên như Vinaseed. Ảnh: PAN Group.

Hạn chế về nghiên cứu cơ bản

Đề cập đến những hạn chế trong nghiên cứu giống hiện nay, GS Trần Đình Long khẳng định, đầu tiên phải kể đến hạn chế về nghiên cứu cơ bản. Trong ngành giống, nghiên cứu cơ bản hầu như ít được đầu tư mà chủ yếu là nhập khẩu và sử dụng các biện pháp lai tạo truyền thống. Ngoài ra, có một phần nhỏ ứng dụng công nghệ quy tụ gen, di truyền phân tử để sản xuất giống.

Trong khi đó công nghệ cao nhất là chỉnh sửa gen hay dùng AI để đánh giá tính trạng chưa xuất hiện nhiều. Nguyên nhân của điều này được cho là nghiên cứu cơ bản không đem lại hiệu quả kinh tế ngay nên các doanh nghiệp không đầu tư mà chủ yếu thực hiện ở các viện nghiên cứu nhà nước.

Hạn chế thứ hai của ngành giống Việt Nam đó là công nghiệp hạt giống, kỹ thuật hạt giống còn lạc hậu. Có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào dây chuyền công nghệ, nhà máy để sản xuất giống theo quy mô công nghiệp, trong đó có Vinaseed với 3 nhà máy ở Ba Vì (Hà Nội), Hà Nam và Đồng Tháp. Điều này đặt ra yêu cầu trong chiến lược phát triển của ngành giống Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050 phải đẩy mạnh công nghiệp hạt giống.

Một hạn chế nữa trong định hướng nghiên cứu giống là liên quan đến tính trạng đặc biệt của giống. Ví dụ các loại giống rau, hoa quả cao cấp hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang phải nhập khẩu rất nhiều, trị giá hàng trăm triệu USD mỗi năm. Nếu đầu tư vào nghiên cứu, chúng ta có thể làm chủ công nghệ về mảng giống này thay vì chỉ nhập khẩu, gia công như hiện tại.

Ngoài ra, cũng cần đầu tư nghiên cứu ra những giống lúa mới có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu để phù hợp với những thay đổi về thời tiết trong tương lai. Song song đó là những giống lúa có đặc tính về dinh dưỡng hay dược tính thay vì chỉ quan tâm đến thương phẩm như hiện nay.

"Để cải tạo đất, chúng ta có thể nghiên cứu đưa tính trạng có nốt sần trong rễ của một số loài lúa hoang dã vào giống sản xuất giúp tích trữ được đạm tự nhiên sau mỗi chu kỳ canh tác", chuyên gia cố vấn cao cấp của Vinaseed chia sẻ.

Động lực từ Nghị quyết 57

Theo GS Trần Đình Long, Nghị quyết 57 chỉ rất rõ về sự thay đổi về thể chế, cụ thể là chế độ, chính sách, tài chính, đất đai... Điều này đem lại sự khích lệ rất lớn cho cả hệ thống nghiên cứu của nhà nước và các doanh nghiệp.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn khi Nghị quyết 57 đi vào thực tiễn. Ảnh: PAN Group.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn khi Nghị quyết 57 đi vào thực tiễn. Ảnh: PAN Group.

Với một doanh nghiệp nông nghiệp, việc đầu tư đòi hỏi chi phí lớn nhưng rủi ro trong nghiên cứu, sản xuất lại lớn. Do đó, nếu có một cơ chế cởi mở, khuyến khích như Nghị quyết 57 sẽ giúp tháo gỡ các nút thắt, giúp doanh nghiệp hoạt động mạnh mẽ hơn.

Ở phía hệ thống viện nghiên cứu, hàng ngàn nhà khoa học cũng đang thiếu động lực để phát triển với nhiều nguyên nhân, điển hình như thu nhập còn thấp, khó khăn trong liên kết với doanh nghiệp.

“Nếu Nghị quyết 57 được cụ thể hóa, đi vào thực tiễn, các doanh nghiệp lẫn cơ sở nghiên cứu sẽ có căn cứ để đẩy mạnh hợp tác, cả 2 bên đều có động lực. Khi đó, giá trị từ nghiên cứu cơ bản của các viện sẽ kết hợp với khả năng sản xuất theo chuỗi của doanh nghiệp để sản xuất ra những sản phẩm có giá trị cao trên quy mô lớn”, ông nói.

Bên cạnh đó, khi được tạo điều kiện, cơ chế đặt hàng của doanh nghiệp sẽ thúc đẩy công tác nghiên cứu sát với thực tiễn, cho ra đời những sản phẩm thích hợp với yêu cầu của thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.

"Việc tăng tỷ lệ chi cho nghiên cứu khoa học từ 0,82% ngân sách lên 3% đến năm 2030, kinh phí chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) được đặt mục tiêu đạt 2% GDP sẽ tạo thêm những cơ hội cho hợp tác nghiên cứu.

Nhưng điều quan trọng là phải đầu tư đúng, nghiên cứu vào những hạng mục cần thiết, sát với thực tiễn để đem lại hiệu quả rõ rệt cho quá trình hợp tác”, GS Trần Đình Long nhấn mạnh.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/doanh-nghiep-mong-nghi-quyet-57-som-di-vao-cuoc-song-d744862.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Ngắm dàn tiêm kích, trực thăng bay tập luyện trên bầu trời TPHCM
Nữ chiến sĩ biệt động luyện tập diễu binh cho ngày kỷ niệm 50 năm thống
Toàn cảnh Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2025: Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới
Phi đội trực thăng mang cờ Tổ quốc bay qua dinh Độc Lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm