Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

"Không để đến 30 nữa, phải vào ngay Đà Nẵng trong ngày 29/3/1975"

(Dân trí) - Khi nhận được thông tin tướng địch bỏ chạy, Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà đã họp và đi đến quyết định "không để đến ngày 30 nữa, phải vào ngay Đà Nẵng trong ngày 29/3/1975".

Báo Dân tríBáo Dân trí28/03/2025

1.webp

Những ngày tháng 3, người dân Đà Nẵng lại bồi hồi nhớ lại thời khắc lịch sử hào hùng, khi lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa Thị chính Đà Nẵng nằm trên đường Bạch Đằng vào ngày 29/3/1975, đánh dấu thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Lá cờ ấy giờ đây được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Đà Nẵng. Lá cờ hình chữ nhật, ngôi sao màu vàng, nền cờ nửa trên màu đỏ, nửa dưới màu xanh dương.

"5 nhất" cùng 3 phương án giải phóng Đà Nẵng

Chia sẻ tại chương trình của Bảo tàng Đà Nẵng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Kiều Đa, một trong những chỉ huy trưởng của biệt đội cánh Đông Đà Nẵng, ngày 24/3/1975, thị xã Tam Kỳ (nay là thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) được giải phóng, thành phố Huế cũng được giải phóng sau đó ít ngày, hai đầu của thành phố Đà Nẵng lúc này đã được quân ta chặn đứng.

Ngày 26/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh và Đảng ủy Mặt trận Quảng Đà do Trung tướng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh và Thượng tướng Chu Huy Mân, làm Chính ủy để trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy quân, dân giải phóng Đà Nẵng.

2.webp

Bộ Tư lệnh quân khu V và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đà hạ quyết tâm giải phóng thành phố Đà Nẵng năm 1975 (Ảnh chụp lại: Hoài Sơn).

Ông Đa nhớ lại, Trung tướng Lê Trọng Tấn có xin Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho thời gian 7 ngày để giải phóng Đà Nẵng. Tuy nhiên, Đại tướng chỉ cho thời gian 3 ngày để hoàn thành nhiệm vụ này. Các cấp chỉ huy cũng đề ra "5 nhất": Kịp thời nhất, bất ngờ nhất, táo bạo nhất, nhanh chóng nhất và chắc thắng nhất.

"Chỉ đạo trên cho thấy tầm chiến lược, trí tuệ lực lượng vũ trang của chúng ta, nhận định tình hình một cách quyết đoán, táo bạo, khoa học", ông Đa nhận định.

Theo ông Đa, Đặc khu ủy Quảng Đà trước đó có đưa ra 3 phương án giải phóng Đà Nẵng. Phương án thứ nhất, xem tình hình sau giải phóng Huế, giải phóng Tam Kỳ, nếu địch rệu rã, có xu hướng bỏ chạy, sử dụng lực lượng vũ trang địa phương nổi dậy, không chờ quân chủ lực vào.

Phương án hai, nếu quân chủ lực của ta đến kịp, cùng lực lượng vũ trang địa phương tấn công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng.

Phương án ba, nếu địch co cụm lại, quyết tử, buộc ta phải dùng binh lực lớn tấn công, chuẩn bị cho quần chúng, khi có thời cơ phải kịp thời phối hợp hành động.

3.webp

Máy truyền tin dùng liên lạc trong chiến dịch giải phóng Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Theo hồi ký của ông Trần Thận (đã mất), nguyên Khu ủy viên Khu V, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, được Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận) biên tập trong cuốn sách "Đà Nẵng Xuân 1975", dù đề ra ba phương án nhưng phương án nào cũng phải làm cho địch tan rã tại chỗ; không để địch đưa dân đi và phải bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân, có kế hoạch tiếp tế, cứu trợ.

Về vấn đề tiếp tế, cứu trợ dân, ông Thận viết, điều này không đáng lo, vì có kho gạo dự trữ của địch, vụ lúa tháng 3 sắp thu hoạch và khi vào thành phố sẽ có kế hoạch giãn dân, giảm bớt lượng người.

"Phải vào ngay Đà Nẵng trong ngày 29/3/1975"

Ấn phẩm Lịch sử thành phố Đà Nẵng của Nhà xuất bản Đà Nẵng thuật lại, để chuẩn bị giải phóng Đà Nẵng, Đặc khu ủy mở rộng đã nhiều lần bàn bạc kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận.

Sau khi quân địch tại Đà Nẵng lâm vào thế cô lập và bị quân ta chia cắt ở hai đầu, tình hình thành phố từ ngày 26/3/1975 ngập chìm trong "cơn lốc tuyệt vọng", mặc dù Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu báo cho Trung tướng quân lực Ngô Quang Trưởng kêu gào "tử thủ Đà Nẵng".

4.webp

Đoàn xe tăng tiến vào giải phóng thành phố Đà Nẵng ngày 29/3/1975 (Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng).

19h ngày 27/3/1975, Nguyễn Văn Thiệu còn lệnh cho Ngô Quang Trưởng phải điều sư đoàn thủy quân lục chiến vào trấn giữ Cam Ranh. Quân ngụy quyền ở Đà Nẵng càng rơi vào thế tuyệt vọng, tuyến phòng thủ ven thành phố đang tan vỡ từng mảng.

Về phía ta, sau chiến thắng Huế, ngày 28/3/1975, các lực lượng vũ trang đã hình thành các mũi tiến công vào Đà Nẵng. Quân chủ lực có nhiệm vụ tấn công khống chế sân bay, cảng biển, bao vây không cho địch tháo chạy.

5h ngày 28/3/1975, pháo binh ta nổ súng bắn vào Bà Rén, Vĩnh Điện... (nay thuộc tỉnh Quảng Nam) và 8h bắn khống chế sân bay và hải cảng Đà Nẵng, mở đầu cho chiến dịch giải phóng thành phố. Các lực lượng bộ binh và thiết giáp bắt đầu tấn công vùng ven thành phố.

Các cửa ngõ vào Đà Nẵng đã được khai thông. Tin thất trận từ các nơi "bay" về Bộ Tư lệnh của Ngô Quang Trưởng. Dân di tản tràn vào thành phố, rối loạn không thể kiểm soát.

Trong khi đó những chuyến bay Boing 727, máy bay lên thẳng chở cố vấn, nhân viên Mỹ di tản vào Sài Gòn liên tục cất cánh. Lệnh "bắn bỏ", "tử thủ" của Ngô Quang Trưởng đã không còn tác dụng.

Chiều 28/3/1975, Ngô Quang Trưởng cùng Bộ Tư lệnh của hắn đã bí mật chuồn ra hạm đội 7, bỏ chạy.

Mờ sáng 29/3/1975, khi nhận được thông tin Ngô Quang Trưởng đã bỏ chạy, Thường vụ Đặc khu ủy đã họp và đi đến quyết định "không để đến ngày 30 nữa, phải vào ngay Đà Nẵng trong ngày 29/3/1975".

Tiếp đó, Thường vụ Đặc khu ủy và Ban chỉ đạo tiền phương Quảng Đà quyết định tổng khởi nghĩa, giải phóng thành phố Đà Nẵng ngay ngày 29/3.

Những lá cờ giải phóng kiêu hãnh tung bay

Sáng 29/3/1975, các lực lượng bộ đội chủ lực được lệnh bỏ qua các mục tiêu bên ngoài, bằng mọi cách cơ động, tiến nhanh vào thành phố. Bên trong, lực lượng của chúng ta cũng bắt đầu chiếm các cứ điểm quan trọng.

Biệt động thành phố và đại đội 1 của Trung đoàn 96 tiếp quản Tòa Thị chính Đà Nẵng, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kiêu hãnh tung bay trên nóc tòa nhà này.

5.webp

Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cắm trên Tòa Thị chính Đà Nẵng ngày 29/3/1975 (Ảnh: Hoài Sơn).

Tại Quận I (nay là quận Hải Châu), sáng 29/3/1975, lực lượng tự vệ thành phố đã tấn công nhà lao, giải phóng hơn 700 tù nhân. Lực lượng cũng vận động công nhân Nhà máy đèn Liên Trì (Quận I) bảo vệ máy móc, lôi kéo lính gác bỏ ngũ. Chiều 29/3/1975, lá cờ Mặt trận đã được treo trước cổng nhà máy.

Tại phường Khuê Trung (nay thuộc quận Cẩm Lệ) lực lượng bán vũ trang, quần chúng nhân dân đã chủ động chiếm trụ sở hội đồng xã, chi cục cảnh sát, hỗ trợ đắc lực đánh chiếm căn cứ Quân đoàn 1 ngụy quyền và Tòa Thị chính Đà Nẵng.

6.webp

Sao Vàng được bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh may, chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

14h ngày 29/3/1975, lá cờ cách mạng đã tung bay trên cột cờ Bộ chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy quyền, thay cho lá cờ thêu dòng chữ "Bến Hải hưng binh, tiên phong diệt cộng". Sau đó, các khu vực khác tại thành phố cũng chiếm các trụ sở quan trọng.

Phối hợp với lực lượng nổi dậy của quần chúng, chiều 29/3/1975, bộ đội chủ lực đã vượt qua cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi), tiến vào chiếm lĩnh căn cứ Sơn Trà. Quân chủ lực từ các ngả tiến về Đà Nẵng không gặp sự kháng cự nào đáng kể.

Đến 15h ngày 29/3/1975, tiếng súng cơ bản chấm dứt. Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Tòa Thị chính Đà Nẵng và các cơ quan ngụy quyền khác.

7.webp

UBND cách mạng Quảng Nam - Đà Nẵng kêu gọi các sĩ quan, binh lính, nhân viên chính quyền Sài Gòn ra trình diện, ngày 30/3/1975 (Ảnh: Hoài Sơn).

Tối 29/3, Bí thư Khu ủy Khu V Võ Chí Công cùng các lãnh đạo Khu ủy Khu V đã vào đến Đà Nẵng. Thành phố lớn thứ hai miền Nam, trung tâm ngụy quyền miền Trung đã hoàn toàn sụp đổ. Chiến dịch giải phóng thành phố Đà Nẵng thắng lợi.

Theo ông Hồ Duy Lệ, nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, chiều 29/3/1975, bộ đội tiến vào Đà Nẵng nhưng trước đó trên đường phố người dân đã chuẩn bị cờ may sẵn, khi quân giải phóng vào, ra đường vẫy cờ chào mừng.

Ông Lệ cho biết, ông đã từng đi ngang qua trụ sở Tòa Thị chính (nay là Bảo tàng Đà Nẵng) nhiều lần. Nhưng ngày 26/3, trong thời khắc được đứng chào cờ tại Tòa Thị chính trong buổi lễ của Bảo tàng Đà Nẵng, ông thật sự xúc động nhớ lại ký ức của 50 năm về trước.

Dantri.com.vn

Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/khong-de-den-30-nua-phai-vao-ngay-da-nang-trong-ngay-2931975-20250326222803802.htm




Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hơn 1.000 phụ nữ mặc áo dài diễu hành, xếp hình bản đồ Việt Nam tại Hồ Gươm
Ngắm dàn tiêm kích, trực thăng bay tập luyện trên bầu trời TPHCM
Nữ chiến sĩ biệt động luyện tập diễu binh cho ngày kỷ niệm 50 năm thống
Toàn cảnh Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2025: Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm