Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Doanh nghiệp Nhà nước phải hòa vào quá trình chuyển đổi số của cả nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh doanh nghiệp Nhà nước phải hòa chung vào quá trình chuyển đổi số của cả nước, trong đó có phong trào Bình dân học vụ số.

VTC NewsVTC News15/04/2025

Vừa phát triển cho chính mình, vừa phát triển cho đất nước

Phát biểu kết luận Hội nghị Thủ tướng làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng sáng 15/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: DNNN phải phát triển, tăng trưởng, ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, trên cơ sở thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng năng năng suất lao động; vừa phát triển cho chính mình, vừa góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, góp phần thực hiện 2 mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 và 2045) đã đề ra.

Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong phát triển đất nước và với từng doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp phải tiên phong trong chuyển đổi số vì có nguồn lực, điều kiện, con người, tham gia dẫn dắt trong chuyển đổi số của đất nước, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số.

Đồng thời, doanh nghiệp phải tăng trưởng cao ở mức 2 con số, tăng trưởng nhanh, bền vững để góp phần tăng trưởng GDP cả nước từ 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng 2 con số những năm tới, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nhấn mạnh: Doanh nghiệp Nhà nước phải hòa vào quá trình chuyển đổi số của cả nước. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng nhấn mạnh: Doanh nghiệp Nhà nước phải hòa vào quá trình chuyển đổi số của cả nước. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Về giải pháp chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp phải hoàn thiện quy trình, quy định, chuẩn hóa theo chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa tài liệu, hồ sơ để thúc đẩy, phát triển, sử dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển hạ tầng số và góp phần phát triển hạ tầng số của cả nước; phát triển các sản phẩm số của doanh nghiệp trong các lĩnh vực hoạt động, phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp; phát triển số nhanh, mạnh, hiệu quả nhưng phải quản lý được, bảo đảm an ninh, an toàn số, góp phần vào an ninh, an toàn số quốc gia; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số, góp phần phát triển công dân số vì con người là vốn quý nhất để sử dụng trí tuệ nhân tạo và phải thắng trí tuệ nhân tạo.

"Tất cả các nhiệm vụ này phải hòa chung vào quá trình chuyển đổi số của cả nước, trong đó có phong trào Bình dân học vụ số", Thủ tướng lưu ý.

Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng nêu rõ, các doanh nghiệp phải chú ý làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Thủ tướng đánh giá xuất khẩu hiện đang khó khăn nhưng không đến mức khó khăn như những khó khăn chúng ta đã vượt qua; không phải bây giờ thị trường xuất khẩu mới bị thu hẹp mà đã bị thu hẹp từ lúc đại dịch COVID-19, xung đột, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Các doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tập trung khai thác thị trường nội địa và năng động, sáng tạo tìm kiếm các thị trường mới trên thế giới như Trung Đông, Trung Á, Halal, Mỹ Latinh, châu Phi…và củng cố các thị trường truyền thống, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Cùng với đó, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức; đổi mới hoạt động, quản trị thông minh, giảm chi phí quản lý.

Bộ ngành cắt giảm ít nhất 30% thủ tục để hỗ trợ DN

Với các bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đề xuất, tháo gỡ ngay các vướng mắc thể chế, đặc biệt là liên quan luật quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo nguyên tắc "cái gì biết mới quản, không biết thì không quản", tăng cường phân cấp, phân quyền. Rà soát, loại bỏ toàn bộ các thủ tục hành chính rườm rà cho doanh nghiệp; cắt giảm ít nhất 30% thủ tục, chi phí và thời gian tuân thủ.

Cùng với đó, phát triển hạ tầng chiến lược để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; đào tạo nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp; góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; mạnh dạn giao việc cho doanh nghiệp.

Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng lưu ý phải ổn định tỷ giá, nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất, có các gói tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực và khoanh nợ, giãn hoãn nợ khi doanh nghiệp khó khăn. Chính sách tài khóa cần tập trung giải ngân đầu tư công; miễn giảm, giãn hoãn thuế, lệ phí, tiền thuê đất; hoàn thuế VAT nhanh chóng, thuận tiện.

Bộ Khoa học và Công nghệ phải cắt giảm thủ tục hành chính về khoa học công nghệ.

Thủ tướng nhấn mạnh: Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc trông đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi, yêu cầu phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền.

Chuyển đổi số là yếu tố sống còn của doanh nghiệp

Tại Hội nghị, lãnh đạo nhiều DNNN khẳng định chuyển đổi số là yếu tố sống còn của doanh nghiệp trong tình hình mới.

Các doanh nghiệp dự Hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Các doanh nghiệp dự Hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc VNPT cho biết, với vai trò là doanh nghiệp tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, với năng lực và thực tế đã triển khai của đơn vị và hàng trăm nghìn khách hàng, VNPT mong muốn được cùng với Chính phủ đưa các giải pháp chuyển đổi số vào thực tế. Đây là đòn bẩy để chúng ta gia tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả vận hành và mở rộng dư địa tăng trưởng cho từng doanh nghiệp, từng ngành nghề.

Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng khẳng định đã triển khai chương trình chuyển đổi số từ nhiều năm nay.

"Hiện nay, tất cả các trạm biến áp từ 110 kV và 220 kV đã chuyển sang không người trực hoàn toàn, đạt trên 97%. Năm nay, sẽ hoàn thành 100% trạm biến áp 220 kV và 110 kV không người trực hoàn toàn. Thời gian tới, sẽ chuyển dần sang áp dụng AI trong công nghệ chẩn đoán, phục vụ sửa chữa bảo dưỡng nhà máy điện và lưới điện", ông An nói.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long, hiện nay, DNNN hoạt động tại nhiều lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, tài chính…đã đạt được một số thành công trong chuyển đổi số và đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, nhiều DNNN năng suất lao động, hiệu quả sản xuất còn thấp, chuyển đổi số manh mún.

"Bộ KH&CN sẽ tổ chức đánh giá mức độ chuyển đổi số của DNNN vào cuối năm", ông Long thông tin và khẳng định Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước trong việc ứng dụng và thương mại hóa trong đổi mới.

Thành Lâm

Nguồn: https://vtcnews.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-phai-hoa-vao-qua-trinh-chuyen-doi-so-cua-ca-nuoc-ar937777.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm