
Linh hoạt
Theo Sở Công thương, việc áp dụng thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp trên địa bàn Hải Dương như điện tử, dệt may, da giày. Mức thuế xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ sẽ cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh từ 10 - 20%. Điều này sẽ khiến hàng hóa của Việt Nam giảm sự cạnh tranh do giá cao.
Phần lớn giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ của Hải Dương đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chủ yếu là các nhà máy của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đặt tại Hải Dương.
Ông Đinh Trịnh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP May II Hải Dương cho biết, doanh nghiệp đã ký các đơn hàng, đủ việc làm đến hết tháng 8/2025. Mỹ là một trong những thị trường truyền thống của doanh nghiệp. Thị trường này chiếm khoảng 30%. Việc Mỹ áp dụng thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam sẽ gây ra những ảnh hưởng tới doanh nghiệp.
"Giải pháp trước mắt được doanh nghiệp đưa ra là sẽ tăng cường xuất khẩu vào các thị trường còn lại như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức… để giảm thiểu những tác động từ thuế đối ứng của Mỹ. Về lâu dài, Công ty CP May II Hải Dương sẽ mở rộng thị trường, tiếp cận những thị trường mới. Tuy nhiên, việc chuyển đổi thị trường cũng phải mất từ 2 - 3 năm. Doanh nghiệp đã và đang tiến tới thị trường châu Âu, thử sức với những đơn hàng khó”, ông Dũng nói.
Công ty CP May II Hải Dương tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị chuyên dùng nhằm tăng năng năng suất, giảm chi phí quản lý. Công ty buộc phải chuyển dịch từ phương thức gia công (CMT) sang các phương thức sản xuất cao hơn như mua nguyên liệu bán thành phẩm (FOB) nhằm nâng cao lợi nhuận. Trước đây, sản phẩm sản xuất theo phương thức FOB của công ty chỉ chiếm khoảng 15%. Trong năm 2025, công ty phấn đấu sẽ tăng lên 35%, những năm tiếp theo phấn đấu chiếm 50%.
Công ty TNHH Shints BVT là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc chuyên về may mặc quần áo thể thao, hàng bảo hộ, áo khoác, găng tay xuất khẩu... Doanh nghiệp hiện duy trì hoạt động ổn định cả 3 nhà máy tại TP Hải Dương, huyện Thanh Miện và huyện Phú Lương (Thái Nguyên), với khoảng 6.000 lao động.
Theo ông An Quốc Định, Giám đốc Công ty TNHH Shints BVT, để chủ động các phương án bảo đảm xuất khẩu ổn định, doanh nghiệp đã sớm chuyển hướng thị trường từ Mỹ sang Liên minh châu Âu (EU), Đông Bắc Á, Canada… Hiện nay, lượng hàng xuất khẩu đi Mỹ của công ty chỉ dưới 10% nên cũng không bị tác động nhiều từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Có lượng lớn sản phẩm xuất khẩu đi thị trường Mỹ, Công ty TNHH May mặc Makalot Việt Nam đã sớm khởi động các phương án dự phòng. Theo bà Nguyễn Thị Nguyên, Trưởng Phòng Hành chính nhân sự công ty, doanh nghiệp đã linh hoạt chuyển hướng sang các thị trường EU, ASEAN, Đông Bắc Á… Ngoài đàm phán với các đối tác truyền thống, doanh nghiệp tăng cường tìm kiếm thêm khách hàng mới tại những thị trường này. Trước mắt, doanh nghiệp cùng các đối tác trong chuỗi cung ứng thảo luận các phương án hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bối cảnh mới cần sự tăng cường hợp tác hơn nữa giữa doanh nghiệp và đối tác, đại diện Công ty TNHH Nhôm Đông Á xác định thuế quan Mỹ là rủi ro đến từ bên ngoài, sự chia sẻ lúc này rất cần thiết. Thuế nhập khẩu sẽ được cộng vào giá hàng hóa doanh nghiệp bán trên thị trường Mỹ. Khả năng tăng giá được cả nhà sản xuất, phân phối, bán lẻ cùng phải tính toán lại trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Doanh nghiệp rất cần sự chia sẻ của đối tác Mỹ.
Kết hợp nhiều giải pháp

Việc chủ động xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt, đồng bộ và thực tế là yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Mục tiêu không chỉ nhằm giảm thiểu tác động tức thời, mà còn nâng cao năng lực thích ứng và chuyển đổi mô hình phát triển trong trung và dài hạn.
Để ứng phó với mức thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào trường Mỹ, các doanh nghiệp của Hải Dương cần đa dạng hóa thị trường, tiếp cận những thị trường mới, khai thác tối đa lợi thế các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), các hiệp định thương mại song phương, đa phương.
Chủ động hơn trong việc tiếp cận thị trường khác như EU (EVFTA); Nhật - Hàn Quốc - Australia - Canada (CPTPP), ASEAN, Trung Đông, châu Phi..., đặc biệt trong nhóm ngành: dệt may, giày dép, linh kiện cơ khí, nông sản chế biến.
Các doanh nghiệp tìm giải pháp, chuyển hướng thị trường, giảm chi phí, duy trì sản xuất. Khuyến khích doanh nghiệp chuyển dịch mô hình từ “làm theo đơn hàng” sang “thiết kế - sở hữu thương hiệu” để có vị thế đàm phán tốt hơn khi vào thị trường mới; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực tiêu chuẩn hóa, tiếp cận nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới và chuỗi logistics đa quốc gia.
Chính phủ và tỉnh cần ưu tiên chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm có thiết kế riêng, sở hữu trí tuệ, hoặc tích hợp giá trị gia tăng cao (kỹ thuật, sáng tạo, công nghệ). Thúc đẩy mô hình liên kết cụm ngành công nghiệp hỗ trợ, giảm dần nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, hình thành hệ sinh thái sản xuất khép kín nội tỉnh và trong nước. Hỗ trợ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các ngành mũi nhọn: dệt may, da giày, cơ khí, điện tử nhẹ.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Hải Dương sang thị trường Mỹ đạt 2,68 tỷ USD, chiếm khoảng 25,9% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Các sản phẩm xuất khẩu tập trung vào 6 nhóm ngành chính: may mặc, da giày, linh kiện - thiết bị điện tử, dây điện - thiết bị điện, thép - nhôm định hình, một số mặt hàng khác như kim cương, đồ chơi...
Nguồn: https://baohaiduong.vn/doanh-nghiep-o-hai-duong-ung-pho-chinh-sach-thue-quan-cua-my-409019.html
Bình luận (0)