Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Doanh nghiệp tư nhân cần đổi mới để tăng nội lực và khả năng thích ứng

Đồng hành cùng sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong thời đại 4.0, không thể bỏ qua vai trò của doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới. Liên quan đến nội dung này, bà Trang Đào, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Evonik Việt Nam, đã chia sẻ cùng PV Báo PNVN.

Báo Phụ nữ Việt NamBáo Phụ nữ Việt Nam14/04/2025

Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đang trở thành khu vực đông đảo nhất, đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế Việt Nam. Đánh giá về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra tầm nhìn chiến lược đến năm 2030, kinh tế tư nhân dự kiến đóng góp 70% GDP, với nhiều doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu, làm chủ công nghệ và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị quốc tế.

Đồng hành cùng sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong thời đại 4.0, không thể bỏ qua vai trò của doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới. Liên quan đến nội dung này, bà Trang Đào, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Evonik Việt Nam, đã trao đổi cùng PV Báo PNVN.

Doanh nghiệp tư nhân cần đổi mới để tăng nội lực và khả năng thích ứng- Ảnh 1.

Bà Trang Đào, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Evonik Việt Nam

+ Theo bà, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang tận dụng được những gì từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0? Những yếu tố nào giúp doanh nghiệp đi đầu trong xu hướng này?

Bà Trang Đào: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khởi nguồn từ hội chợ Hannover Messe tại Đức năm 2011 đã mở ra một kỷ nguyên mới với sự bùng nổ của Internet vạn vật (IoT), công nghệ in 3D, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ nano và vật liệu tiên tiến. Sau hơn 1 thập kỷ, những khái niệm này không còn xa lạ với các quốc gia phát triển như Mỹ, Trung Quốc hay Đức. Đối với Việt Nam, đây là cơ hội vàng để doanh nghiệp tư nhân không chỉ ứng dụng mà còn làm chủ công nghệ, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Thực tế, một số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã tiên phong trong việc tích hợp công nghệ hiện đại vào sản xuất, từ dây chuyền thông minh trong ngành ô tô, thiết bị y tế, điện tử đến nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, số lượng này vẫn còn hạn chế, chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư mạnh hoặc phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, các công ty nước ngoài tại Việt Nam lại đang dẫn đầu về khả năng làm chủ công nghệ. Để đi đầu trong xu hướng này, doanh nghiệp Việt cần tầm nhìn chiến lược, sự hỗ trợ từ chính sách và khả năng tiếp cận nguồn lực và công nghệ tiên tiến.

+ Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn tỏ ra khá chậm trong việc đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Theo bà, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là gì? Khó khăn chính của họ?

Bà Trang Đào: Thế giới đang chuyển động không ngừng, đặc biệt trong bối cảnh địa chính trị đầy biến động và cạnh tranh kinh tế gay gắt. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, hơn bao giờ hết, cần đổi mới để tăng nội lực và khả năng thích ứng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn chậm chân. Nguyên nhân chính nằm ở sự thiếu định hướng rõ ràng, thủ tục hành chính và đặc biệt là khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư công nghệ.

Để vượt qua thách thức này, doanh nghiệp cần sự dẫn dắt từ Chính phủ và các doanh nghiệp đầu ngành, cùng với những chính sách hỗ trợ thiết thực như đơn giản hóa thủ tục, ưu đãi thuế và tạo điều kiện tiếp cận vốn. Đây là những yếu tố sống còn để khơi dậy động lực đổi mới, giúp doanh nghiệp tư nhân không chỉ tồn tại mà còn vươn xa trên trường quốc tế.

Doanh nghiệp tư nhân cần đổi mới để tăng nội lực và khả năng thích ứng- Ảnh 2.

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang ứng dụng chuyển đổi số, đổi mới để tăng nội lực và khả năng thích ứng. Ảnh minh họa

+ Từ những chia sẻ trên, theo quan điểm của bà, chính sách của Chính phủ hiện nay có đủ mạnh để thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân ứng dụng công nghệ mạnh mẽ hơn? Bà có thể đưa ra một vài đề xuất về các chính sách hỗ trợ cần thiết từ Chính phủ hoặc các tổ chức tài chính để thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chuyển đổi số thành công?

Bà Trang Đào: Việt Nam gần đây đã có nhiều bước đi đáng ghi nhận, như đưa chuyển đổi số và phát triển công nghệ vào 7 chiến lược đột phá do Tổng Bí thư Tô Lâm đề xướng. Việc thành lập các cơ quan thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hợp tác quốc tế để tinh gọn hành chính và xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, để thực sự tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân, cần triển khai mạnh mẽ hơn các chính sách hỗ trợ thuế, giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn và thông suốt, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn và tham gia vào các dự án hợp tác công-tư (PPP).

Tôi đề xuất Chính phủ đẩy mạnh nội địa hóa sản xuất, tập trung đổi mới và nghiên cứu phát triển vào những ngành công nghiệp mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, khuyến khích chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài uy tín, đồng thời xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh để doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ. Điều này không chỉ đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng mà còn lan tỏa lợi ích cho toàn nền kinh tế.

+ Bà nhìn nhận thế nào về vai trò của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong việc đóng góp vào quá trình thoát bẫy thu nhập trung bình của đất nước thông qua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số?

Bà Trang Đào: Doanh nghiệp tư nhân, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, chính là đòn bẩy quan trọng để đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Với sự chủ động, linh hoạt và tinh thần sáng tạo, họ có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng, từ nông nghiệp công nghệ cao đến các ngành mũi nhọn như điện tử, bán dẫn. Tôi cho rằng, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả mà còn góp phần định hình một sân chơi mới, đáp ứng nhu cầu toàn cầu và đưa Việt Nam tiến gần hơn đến nhóm các quốc gia phát triển.

+ Trong vòng 5-10 năm tới, bà kỳ vọng thế nào về sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo?

Bà Trang Đào: Tôi hy vọng sẽ chứng kiến nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vươn lên dẫn đầu, tạo ra "đại dương xanh" của riêng mình, tương tự như Samsung của Hàn Quốc hay TSMC, Huawei. Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng trở thành đối tác uy tín, ngang tầm với các quốc gia phát triển. 

Dù hành trình này không dễ dàng, song tôi tin rằng chưa bao giờ là quá muộn để bắt đầu. Các nhà đầu tư nước ngoài luôn cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và hợp tác để cùng kiến tạo tương lai bền vững.

+ Xin trân trọng cảm ơn bà!

Bà Trang Đào tốt nghiệp Thạc sỹ tại Đức, hiện là Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Evonik Việt Nam, một trong những công ty hàng đầu thế giới về hóa chất chuyên dụng. Bà Trang Đào cũng đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc ở Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, giữ nhiều vai trò quan trọng, hỗ trợ các doanh nghiệp Đức phát triển kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Trước đó, bà từng quản lý quỹ đầu tư tài chính trực thuộc Petro Vietnam và trải qua nhiều vị trí công việc tại KPMG Đức, tư vấn chiến lược cho các tập đoàn như BMW, MAN, Siemens, Hexal.

Nguồn: https://phunuvietnam.vn/doanh-nghiep-tu-nhan-can-doi-moi-de-tang-noi-luc-va-kha-nang-thich-ung-20250411101902633.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Ngắm san hô biển bạc Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm