Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Độc lạ bảo vật quốc gia: Bộ tượng Kim Cương thời Lý còn lại

Bộ tượng Kim Cương ở chùa Đọi Sơn là tác phẩm điêu khắc Phật giáo tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất và hoàn chỉnh nhất còn lại trong ngôi chùa thời Lý.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên13/07/2025

Vẫn đây dù không còn chùa xưa tháp cũ

Dẫu là bảo vật quốc gia, không một bức tượng Kim Cương nào ở chùa Đọi Sơn (Hà Nam) không có "vết thương". Bức tượng thứ nhất, phần đầu tượng, hai cánh tay, bàn chân đã được tu sửa lại, kiếm chống trước ngực đã mất. Bức thứ hai đầu được gắn lại, hai cánh tay và kiếm bị vỡ mất. Bức tiếp theo cổ được gắn bằng xi măng, cánh tay phải, chân phải, bàn chân trái và kiếm bị mất, diềm hoa văn bị vỡ gần hết. Bức thứ tư bị mất chân trái, bàn chân phải, hai cánh tay và kiếm, diềm hoa văn cũng chỉ còn lại một phần. Bức thứ năm phần hoa văn trên giáp trụ bên trái và chân trái làm lại bằng vôi vữa, cổ tượng được gắn lại, bàn chân trái mất. Bức cuối cùng mất tay, kiếm, chân trái, bên cạnh đó chỏm mũ, trên trán, mũi, miệng có vết vỡ.

Độc lạ bảo vật quốc gia: Bộ tượng Kim Cương thời Lý còn lại- Ảnh 1.
Độc lạ bảo vật quốc gia: Bộ tượng Kim Cương thời Lý còn lại- Ảnh 2.

Các tượng Kim Cương ở chùa Đọi Sơn 

ẢNH: CỤC DI SẢN VĂN HÓA CUNG CẤP

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, bộ tượng 6 pho Kim Cương chùa Đọi Sơn hiện trong tình trạng hư hại do tác động bởi chiến tranh và thiên tai, nhưng về cơ bản hiện trạng còn đủ cơ sở cho phép nghiên cứu phục dựng. "Trong các di tích thời Lý ở nước ta thì số lượng tượng Kim Cương chùa Đọi Sơn còn lại là nhiều nhất và hoàn chỉnh nhất", hồ sơ cho biết.

Được chạm khắc theo phong cách tượng - phù điêu bằng đá sa thạch nguyên khối, đây chính là 6 pho tượng còn lại trong bộ tượng Kim Cương gồm 8 vị, có hình dáng và kích thước tương tự nhau: đầu đội mũ trụ, mình mặc kim giáp, chân đi hia cao cổ, hai tay chống kiếm, tư thế đứng oai nghiêm, hộ trì Phật pháp.

Hồ sơ cũng cho biết 8 vị Kim Cương vốn được xếp thành 4 cặp trấn giữ 4 cửa của tháp Sùng Thiện Diên Linh trong ngôi chùa này. 6 pho tượng Kim Cương ở chùa Đọi Sơn vì thế là bộ phận cấu thành của tháp. 6 pho tượng là một trong những thành phần kiến trúc, điêu khắc tạo nên giá trị độc đáo cho cây tháp thời Lý được ghi chép là "xây mười ba tầng chọc trời".

Thẩm mỹ, tư tưởng Phật giáo thời Lý

Khảo tả cho biết bộ tượng 6 pho Kim Cương này được tạc trong tư thế đứng, kích thước bằng người thật, dáng võ quan, phong thái ung dung cương nghị, khuôn mặt đôn hậu. Tuy là võ tướng song tạo hình không phải ở các thế võ mà với cơ bắp thả lỏng, đứng nghiêm chống kiếm trước bụng. Trên giáp phục có những bông hoa nhiều cánh xòe nở gây cảm giác toàn thân tượng như phập phồng thở.

Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá hoa văn trang trí trên giáp phục, cổ tượng, trụ đá làm nền sau lưng 6 bức tượng được các nghệ nhân xưa chạm trổ tinh xảo. Trong đó, băng văn hoa cúc dây độc đáo thể hiện trình độ, tay nghề và óc thẩm mỹ rất cao mang đặc trưng điển hình của mỹ thuật thời Lý, thể hiện triết lý nhân sinh quan, thế giới quan và hệ tư tưởng Phật giáo. Bộ tượng cũng là tư liệu quý cho nghiên cứu cổ phục triều Lý cũng như cổ phục truyền thống nói chung. Những tư tưởng và hoa văn trên tượng còn phản ánh mối quan hệ, sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa giữa quốc gia Đại Việt thời Lý với các nền văn hóa lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Champa trong lịch sử.

Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc, người đã phục dựng nhiều mũ vua thời Nguyễn, cho rằng những bức tượng Kim Cương này có hoa văn tiếp nối cánh hoa trên vòm mũ rất đặc biệt. Đây là điểm nhấn và cũng là dấu hiệu cho biết về một loại mũ hoa mà nghệ nhân xưa thể hiện. Ông Lộc đánh giá khi nhìn toàn cảnh mũ sẽ thấy giống một hoa cúc đại đóa, với phần chỏm mũ là khối cánh hoa bao quanh phần nhụy, phần vòm mũ là những cánh hoa đã nở và rủ xuống. Còn hai hoa ở hai bên mũ thể hiện ở dạng bán khai và có lẽ cũng thuộc loài cúc.

Ông Lộc đặt câu hỏi tại sao lại là mũ hoa, trong khi Kim Cương là thần bảo vệ Phật pháp thường được thể hiện mặc giáp phục như của võ tướng, và mũ thường là loại đầu hổ với mặt hổ nhe răng dữ tợn mang tính răn đe hù họa như thường thấy ở các tượng Kim Cương của Trung Hoa.

Ông Lộc giải thích về chiếc mũ có hoa cúc này bằng cách so sánh với mũ hoa của các chiến binh Champa được thể hiện trong những bức tranh chạm khắc diễn tả các trận đánh giữa Champa và Khmer ở đền Angkor (thế kỷ 12) của Campuchia hiện nay. Chiếc mũ Champa phía trên là một hình hoa sen, thân mũ cũng khá giống mảng lá sen. "Qua đối chiếu so sánh giữa mũ trên tượng Kim Cương thời Lý và mũ của chiến binh Champa nêu trên cho thấy, điều thú vị là một bên thì lấy hoa cúc làm chủ đạo, còn bên kia lại là hoa sen. Rõ ràng loại mũ hoa rất được thịnh hành thời bấy giờ và đã có sự ảnh hưởng qua lại giữa vương triều Lý và Champa", ông Lộc kết luận.

Để nhấn mạnh giá trị của bộ tượng Kim Cương này, hồ sơ di sản cũng nhắc tới thư tịch cổ và văn bia. Theo đó, thời Lý có các bộ Bát đại Kim Cương ở tháp Báo Thiên (Hà Nội), tháp Phật Tích (Bắc Ninh), tháp Tường Long (Hải Phòng), tháp Chương Sơn (Nam Định)... Tuy nhiên, đến nay chỉ có tháp Sùng Thiện Diên Linh chùa Đọi Sơn còn lại 6 pho tượng Kim Cương. "Qua đó, có thể khẳng định bộ tượng Kim Cương này là một tác phẩm điêu khắc Phật giáo tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất và hoàn chỉnh nhất còn lại trong ngôi chùa thời Lý", hồ sơ bảo vật nêu. (còn tiếp)

Nguồn: https://thanhnien.vn/doc-la-bao-vat-quoc-gia-bo-tuong-kim-cuong-thoi-ly-con-lai-185250713230603731.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm