Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đổi mới lý luận chính trị từ tâm huyết người thầy và sức trẻ sinh viên

NDO - Ngày 11/4, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương do đồng chí Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông và Trường đại học Phenikaa để khảo sát việc triển khai và tổ chức thực hiện Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân11/04/2025

Đưa lý luận chính trị đến gần người học bằng công nghệ số hoá

Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thành Huy cho biết: Việc triển khai thực hiện Kết luận số 94-KL/TW đã mang lại những hiệu quả rõ nét trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là công tác học tập lý luận chính trị tại nhà trường. Đây là cơ sở quan trọng góp phần xây dựng và phát huy tinh thần tự tôn dân tộc, củng cố niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, trang bị nền tảng kiến thức chính trị-tư tưởng vững chắc cho sinh viên. Đồng thời, tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên phát huy phẩm chất, đạo đức cách mạng, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác lý luận chính trị, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của địa phương và đất nước.

Đổi mới lý luận chính trị từ tâm huyết người thầy và sức trẻ sinh viên ảnh 1

Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thành Huy trình bày báo cáo.

Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã chủ động, nghiêm túc trong công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Kết luận 94-KL/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên, giảng viên, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc học tập lý luận chính trị. Qua đó, làm sâu sắc thêm vai trò nền tảng, chủ đạo của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng trong đời sống xã hội hiện nay.

Báo cáo việc đổi mới phương pháp giảng dạy các học phần lý luận chính trị tại nhà trường, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Thời gian qua, việc đổi mới phương pháp giảng dạy đã có những chuyển biến rõ nét theo hướng sinh động, mềm dẻo, sát thực tế, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Việc tổ chức giảng dạy lý luận chính trị được thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế, gắn lý luận với thực tiễn.

Định kỳ hằng năm, nhà trường triển khai các hoạt động rà soát học liệu để phục vụ các học phần trong chương trình đào tạo. Trên cơ sở đó, khoa chuyên môn quản lý học phần triển khai trong đơn vị để tiến hành rà soát tài liệu giảng dạy, giáo trình làm cơ sở đề xuất với nhà trường về việc lựa chọn, bổ sung vào thư viện để sử dụng cho công tác dạy và học, đáp ứng yêu cầu về tính cập nhật.

Đổi mới lý luận chính trị từ tâm huyết người thầy và sức trẻ sinh viên ảnh 3

Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ về những đổi mới trong phương pháp giảng dạy.

Ngoài ra, trước mỗi năm học, các khoa chuyên môn được phép đề xuất điều chỉnh, cập nhật nội dung đề cương chi tiết học phần nhằm bảo đảm các yêu cầu chuyên môn, nội dung giảng dạy và hình thức đánh giá học phần. Từ năm học 2022-2023, Trường đại học Phenikaa bắt đầu triển khai xây dựng khóa học số để tổ chức giảng dạy theo hình thức kết hợp E-learning.

Các nội dung của khóa học số được xây dựng trên cơ sở đề cương chi tiết học phần đã được đơn vị chuyên môn xây dựng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nội dung khóa học số được đánh giá, thẩm định trước khi đưa vào áp dụng. Tính đến thời điểm hiện tại, cả 5 học phần khối kiến thức lý luận chính trị đều đã được tổ chức đào tạo theo hình thức kết hợp E-learning.

Gắn lý luận chính trị với thực tiễn

Tại buổi làm việc tại Trường đại học Phenikaa, đồng chí Đoàn Văn Báu ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà thầy và trò Trường đại học Phenikaa đã đạt được trong quá trình thực hiện Kết luận số 94-KL/TW của Ban Bí thư. Những kết quả đạt được không chỉ thể hiện sự nghiêm túc, sáng tạo trong cách tiếp cận và triển khai, mà còn phản ánh tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và khát vọng đổi mới trong công tác giáo dục lý luận chính trị. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy với việc gắn lý luận vào thực tiễn, giúp sinh viên không chỉ tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả mà còn hình thành thái độ, tư duy chính trị đúng đắn, phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới.

Đổi mới lý luận chính trị từ tâm huyết người thầy và sức trẻ sinh viên ảnh 4

Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Đoàn Văn Báu phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Đoàn Văn Báu chúc mừng những thành quả đã đạt được trong quá trình đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, kết quả của sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của các thầy cô giáo. Đặc biệt, vai trò dẫn dắt của Đảng ủy nhà trường, cùng với sự đồng hành đầy nhiệt huyết của sức trẻ sinh viên, đã tạo nên không chỉ nguồn cảm hứng tích cực mà còn trở thành yêu cầu thực tiễn, thúc đẩy quá trình đổi mới diễn ra mạnh mẽ, sâu sắc và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, đồng chí Đoàn Văn Báu thẳng thắn chỉ ra những hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai học tập lý luận chính trị. Một trong những rào cản lớn chính là tâm lý cho rằng lý luận là nặng nề, khô cứng, xa rời thực tiễn. Tuy nhiên, như Kết luận số 94-KL/TW đã nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng đặt ra là phải làm sao để lý luận trở thành nhu cầu tự thân, để sinh viên không chỉ học vì yêu cầu bắt buộc mà thực sự cảm thấy lý luận là cần thiết, gần gũi, gắn với cuộc sống, học tập và công việc sau này.

Muốn làm được điều đó, cần đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung lẫn phương pháp giảng dạy, khơi dậy hứng thú học tập bằng cách lồng ghép thực tiễn sinh động, đưa vào bài giảng những dẫn chứng từ đời sống xã hội, văn hóa, lịch sử dân tộc; khai thác các nguồn tư liệu phong phú, cập nhật; sử dụng các phương pháp truyền đạt hiện đại, lấy người học làm trung tâm. Quan trọng hơn cả là vai trò của người thầy - người không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn phải truyền lửa, truyền cảm hứng, giúp sinh viên hiểu và yêu lý luận chính trị như một phần không thể thiếu trong hành trang phát triển toàn diện.

Đồng chí Đoàn Văn Báu mong rằng trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, cập nhật nhanh nhất những kiến thức từ thực tiễn, đặc biệt là tổng hợp, lồng ghép hiệu quả các bài phát biểu, quan điểm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo trong thời gian qua vào bài giảng. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, hiệu quả và đặt mục tiêu đào tạo lên hàng đầu, tin tưởng rằng đội ngũ thầy cô sẽ góp phần xây dựng nhà trường trở thành trung tâm đào tạo lý luận chính trị có uy tín, chất lượng.

Lấy người học làm trung tâm trong đổi mới giảng dạy

Cùng ngày, đoàn công tác đã đến khảo sát thực tế tại Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông. Tại đây, đồng chí Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của nhà trường trong triển khai đổi mới nội dung và phương thức giảng dạy lý luận chính trị.

Đổi mới lý luận chính trị từ tâm huyết người thầy và sức trẻ sinh viên ảnh 5

Quang cảnh hội nghị.

Dù còn nhiều khó khăn, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông vẫn thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới, sáng tạo. Về nội dung giảng dạy, thay vì áp dụng máy móc chương trình khung, Học viện đã có điều chỉnh linh hoạt, sáng tạo để phù hợp với đối tượng người học. Việc phân bổ chương trình học lý luận chính trị được triển khai dàn trải theo các học kỳ, giúp sinh viên tiếp cận kiến thức một cách hợp lý, tránh quá tải.

Phương pháp giảng dạy cũng được đổi mới theo hướng lấy người học làm trung tâm, nhấn mạnh vai trò của sinh viên là người trực tiếp hưởng lợi từ nội dung học tập. Đồng thời, nhà trường chú trọng phát huy vai trò người thầy, tích cực ứng dụng công nghệ, tích hợp kiến thức hiện đại vào quá trình giảng dạy. Theo đồng chí Đoàn Văn Báu, tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá về khoa học công nghệ là điều cần thiết, vì giáo dục không thể đi chậm hoặc tụt lại phía sau trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Đồng chí Đoàn Văn Báu nhấn mạnh, cần nhìn nhận và đánh giá rõ những hạn chế đang tồn tại. Mặc dù chương trình giảng dạy đã có sự đổi mới, nhưng “hơi thở thực tiễn” vẫn cần tiếp tục được bổ sung. Thực tiễn có thể đến từ nhiều nguồn tư liệu phong phú, ví dụ như các bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư, vốn là những tài liệu mang giá trị lý luận sâu sắc, gắn với thực tiễn phát triển đất nước, không giáo điều, khô cứng. Đây chính là những tư liệu “sống”, thể hiện rõ sự phát triển về mặt lý luận, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, và cũng là điều để chúng ta có quyền tự hào.

Tuy nhiên, dù tiếp cận theo hướng nào thì trọng tâm cuối cùng vẫn là người thầy. Việc tăng cường bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ giảng viên cần được đẩy mạnh hơn nữa, thông qua nhiều hình thức như đi thực tế tại địa phương, tham quan các địa danh lịch sử, tổ chức các chương trình trao đổi, giao lưu chuyên môn, bồi dưỡng và tập huấn định kỳ.

Thời gian qua, thực tiễn cũng cung cấp nhiều chất liệu phong phú để bài giảng thêm sinh động, thiết thực. Đặc biệt, giảng viên cần cập nhật các văn bản quan trọng mới ban hành như chủ trương chuyển đổi nhanh về nhận thức trong sắp xếp bộ máy hay Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là những nội dung cần thiết để đưa vào giảng dạy lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay.

"Tôi mong muốn mỗi giảng viên lý luận chính trị không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn là người "truyền lửa" cho sinh viên, khơi dậy trong các em niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước, yêu lịch sử, văn hóa dân tộc. Hãy đưa toàn bộ tinh thần văn hóa vào giảng dạy, từ lời ca, tiếng hát, câu ca dao, tục ngữ, để mỗi giờ học lý luận không chỉ là tiếp nhận lý thuyết, mà còn là một hành trình cảm xúc, thấm đẫm giá trị dân tộc, giúp sinh viên thấy được sự gắn bó mật thiết giữa lý luận và đời sống, giữa tư tưởng lớn và những giá trị văn hóa gần gũi hằng ngày", đồng chí Đoàn Văn Báu nhấn mạnh.

Nguồn: https://nhandan.vn/doi-moi-ly-luan-chinh-tri-tu-tam-huyet-nguoi-thay-va-suc-tre-sinh-vien-post871798.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Ngắm san hô biển bạc Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm