Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

'Đòn bẩy' nâng chất lượng sống

Tín dụng chính sách xã hội không chỉ là giải pháp tài chính, mà thực sự trở thành động lực thúc đẩy giảm nghèo, tạo việc làm và phát triển kinh tế cho các hộ dân trên địa bàn huyện Phú Lương. Trong đó, các chương trình cho vay giải quyết việc làm và nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn đang phát huy hiệu quả rõ nét, mở ra cơ hội sinh kế, nâng cao chất lượng sống cho hàng nghìn hộ dân.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên30/03/2025

Gia đình ông Nguyễn Đức Hiền, ở tổ dân phố Mỹ Khánh, thị trấn Đu (Phú Lương) được vay 50 triệu đồng vốn tín dụng chính sách để đầu tư mở rộng mô hình nuôi hươu lấy nhung.
Gia đình ông Nguyễn Đức Hiền, ở tổ dân phố Mỹ Khánh, thị trấn Đu (Phú Lương) được vay 50 triệu đồng vốn tín dụng chính sách để đầu tư mở rộng mô hình nuôi hươu lấy nhung.
Những năm gần đây, chương trình cho vay giải quyết việc làm tại huyện Phú Lương được xem là điểm sáng nổi bật trong hoạt động tín dụng chính sách. Đến hết tháng 2-2025, dư nợ chương trình đạt 117,2 tỷ đồng, với 2.236 lượt hộ vay. Dòng vốn “bơm” trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh, giúp nhiều hộ dân thoát khỏi cảnh làm thuê bấp bênh, chủ động tạo việc làm ngay trên quê hương.

Điển hình là hộ ông Nguyễn Đức Hiền, ở tổ dân phố Mỹ Khánh, thị trấn Đu. Nhờ nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, gia đình ông đã đầu tư mở rộng mô hình nuôi hươu lấy nhung. Ban đầu gia đình ông gặp khó khăn do thiếu kinh nghiệm, đến năm 2024, mô hình ổn định, cho thu lãi trên 400 triệu đồng từ việc bán hươu giống, nhung hươu và các sản phẩm chế biến từ nhung.

Ông Nguyễn Đức Hiền: “Nguồn vốn vay ưu đãi giúp gia đình tôi có thêm điều kiện tái đàn, mở rộng quy mô. Bây giờ tôi không chỉ bán hươu giống mà còn khai thác nhung, sản xuất thêm các sản phẩm từ nhung, đầu ra rất ổn định”.

Một trường hợp khác là gia đình chị Khương Thị Mão, tổ dân phố Cọ 2, thị trấn Giang Tiên. Năm 2023, chị Mão vay 50 triệu đồng vốn giải quyết việc làm để đầu tư chăn nuôi lợn, gà theo hướng hàng hóa. “Có vốn, tôi xây dựng chuồng trại kiên cố, mua thêm giống lợn và gà. Nhờ chăn nuôi bài bản, lứa lợn vừa rồi xuất chuồng thu lãi trên 200 triệu đồng, gia đình có thêm thu nhập ổn định”, chị Mão vui mừng cho biết.

Theo ông Nông Hà Thái, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lương, chương trình cho vay giải quyết việc làm đang trở thành động lực giúp nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.

“Chúng tôi nhận thấy người dân đã chủ động hơn trong cách làm kinh tế, biết tính toán, lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện từng gia đình. Nhiều hộ nhờ vay vốn mà từ chỗ làm thuê, nay đã tự tạo ra công ăn việc làm ổn định” - ông Thái đánh giá.

Song song với tạo sinh kế, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng được Phú Lương đẩy mạnh thực hiện, trở thành “đòn bẩy” nâng cao chất lượng sống cho người dân. Đến hết tháng 2-2025, dư nợ chương trình đạt 138,5 tỷ đồng, với 6.392 lượt hộ vay - là chương trình có số lượng hộ vay lớn nhất trên địa bàn.

Nguồn vốn này giúp hàng nghìn hộ dân đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn. Tại xã Cổ Lũng, hàng trăm hộ dân đã vay vốn để khoan giếng, lắp đặt bể chứa nước sạch, xây nhà vệ sinh tự hoại.

“Trước đây, thiếu nước sạch nên sinh hoạt rất vất vả, mùa mưa thì ô nhiễm, mùa khô thì thiếu nước. Nhờ vay 50 triệu đồng vốn ngân hàng, gia đình tôi đã làm được giếng khoan và công trình vệ sinh mới, an toàn và sạch sẽ hơn nhiều” - bà Lương Mỹ Hằng, xóm Cây Cài, xã Cổ Lũng chia sẻ.

Từ nguồn vốn ưu đãi từ chương trình này đã giúp xã Cổ Lũng từng bước hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về giữ gìn vệ sinh, phòng chống dịch bệnh.

Theo ông Nông Hà Thái, để dòng vốn chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả bền vững, thời gian tới, Ngân hàng chính sách xã hội Phú Lương sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền các cấp, hội đoàn thể nhận ủy thác đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn giúp người dân sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích. Đồng thời, rà soát, nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý nhằm kiểm soát tốt hơn dòng vốn, hạn chế rủi ro nợ xấu...

Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202503/don-baynang-chat-luong-song-5e834cd/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm