Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đồng bộ về hạ tầng, nhân lực, chương trình, tạo đà cho GD-ĐT phát triển bền vững

GD&TĐ - Ngày 1/7/2025 là dấu mốc lớn trong tiến trình cải cách tổ chức bộ máy hành chính tại các địa phương trên cả nước.

Báo Giáo dục và Thời đạiBáo Giáo dục và Thời đại22/07/2025

Đa số nhà giáo cho rằng việc sáp nhập tỉnh, thành phố sẽ đồng bộ về hạ tầng, nhân lực, chương trình, tạo đà cho GD-ĐT phát triển bền vững.

Kỳ vọng thay đổi tích cực

“Mỗi ngôi trường là một mạch sống nhỏ của xã hội, nếu chúng ta chăm chút cho mạch sống ấy bằng tất cả tâm huyết, sự lắng nghe và đổi mới kịp thời sau sáp nhập thì giáo dục không chỉ là gốc, mà còn trở thành động lực mạnh mẽ giúp địa phương vươn lên tiến kịp với thời đại”, cô Cành bày tỏ.

Ông Đinh Văn Trịnh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền (Tân Thới Hiệp, TPHCM) chia sẻ, khi nghe về chủ trương sáp nhập, cảm xúc đầu tiên của những người làm trong ngành Giáo dục là sự vui mừng và kỳ vọng. Vui mừng vì đây là bước tiến lớn, thể hiện sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo trong đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Kỳ vọng sự hợp nhất sẽ thực sự tạo ra luồng sinh khí mới, giúp ngành Giáo dục khắc phục hạn chế hiện tại và đạt được những thành tựu vượt bậc.

“Bên cạnh niềm vui và kỳ vọng, tôi cảm nhận rõ trách nhiệm của mình. Sáp nhập không đơn thuần gom các đơn vị lại với nhau, mà còn là quá trình tích hợp về văn hóa, phương pháp làm việc và tầm nhìn. Điều này đòi hỏi sự đồng lòng, nỗ lực của tất cả cán bộ quản lý, giáo viên để biến kỳ vọng thành hiện thực”, ông Trịnh bày tỏ.

Đối với ông Lê Hữu Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An (Thạnh An, TPHCM), người đã gắn bó với xã đảo suốt 20 năm qua, bản thân ông thấu hiểu sâu sắc khó khăn, vất vả mà người dân và cán bộ, giáo viên nơi đây phải trải qua. Vì vậy, ông bày tỏ sự xúc động, kỳ vọng lớn lao khi địa phương thành lập chính quyền mới.

Đây không chỉ là dấu mốc quan trọng về mặt hành chính, mà còn là niềm tin, hy vọng về sự thay đổi tích cực cho người dân nơi xã đảo. Chính quyền mới khi được thành lập thực sự gần dân, sát dân, hiểu được đặc thù, khó khăn của đời sống người dân xã đảo, từ đó đưa ra quyết sách kịp thời, thiết thực.

“Việc phân quyền, phân cấp rõ ràng sẽ giúp Thạnh An chủ động hơn trong công tác quản lý, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục, giao thông và an sinh xã hội.

Tôi kỳ vọng ngành Giáo dục xã đảo - nơi tôi đang công tác sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ chính quyền mới về: Nhân sự, điều kiện làm việc, chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp bài bản, phù hợp với đặc thù vùng biển đảo.

Chính quyền mới cũng là cầu nối quan trọng để thu hút thêm các nguồn lực, sự hỗ trợ từ thành phố và các tổ chức bên ngoài đến với Thạnh An, giúp người dân yên tâm bám biển, vững tin hơn vào tương lai phát triển của quê hương”, ông Bình mong muốn.

Ông Hồ Sĩ Nhật Nam - Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình (Hòa Hội, TPHCM) nhận định, việc sáp nhập Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TPHCM là chủ trương lớn, hợp lý, đúng thời điểm, cơ hội để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) phát triển, trong đó có ngành Giáo dục. Các trường học sẽ được hòa nhập vào môi trường giáo dục năng động, hiện đại, nguồn lực dồi dào.

“TPHCM trước đây năng động, sáng tạo và được các địa phương khác trong cả nước đến học hỏi. Khi Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương hòa vào đó, các cơ sở giáo dục nói chung và Trường THPT Hòa Bình nói riêng sẽ nỗ lực bắt nhịp.

Tất nhiên, không riêng cán bộ quản lý mà đội ngũ giáo viên phải chủ động trong việc nắm bắt chủ trương của ngành Giáo dục sau sáp nhập để thực hiện. Việc sáp nhập chắc chắn sẽ tạo được môi trường làm việc tốt hơn, giúp thầy cô tiếp tục phát huy và an tâm công tác”, ông Nam cho hay.

niem-vui-trong-ky-nguyen-moi-2.jpg
Hoạt động trải nghiệm của trẻ em Trường Mầm non Tân Phong (Tân Hưng, TPHCM). Ảnh: MA

Cơ hội chuyển mình

Cũng theo ông Hồ Sĩ Nhật Nam, sau sáp nhập, chắc chắn sẽ có những khó khăn xuất phát từ khoảng cách về địa lý trong lĩnh vực giáo dục. Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học hay điều hành cần được nâng cao.

Ông Nam hy vọng, TPHCM sẽ có một cơ quan quản lý, kiểm soát bằng công nghệ, để mọi người làm việc được đánh giá rõ ràng, minh bạch và khoa học. Ngoài ra, giai đoạn hiện nay, địa phương cần tăng cường bồi dưỡng cho giáo viên tiếp cận công nghệ dạy học để tạo đà cho giáo dục phát triển.

Chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI), bởi nếu học sinh, giáo viên không chuyển động, tham gia tích cực thì sẽ bị tụt hậu, từ đó có sự khập khiễng lớn giữa thành thị và nông thôn.

“Sở GD&ĐT TPHCM phải có những quyết sách, văn bản hướng dẫn để giáo viên phải tham gia các lớp học bồi dưỡng, đặc biệt AI. Có như vậy thầy cô mới tích cực coi đó là trách nhiệm. Nếu chỉ dừng lại ở khuyến khích, không bắt buộc sẽ tạo ra khoảng cách lớn giữa giáo viên thành phố với nông thôn cũng như giáo viên tích cực, tâm huyết và ngược lại”, ông Nam cho hay.

Ông Đinh Văn Trịnh bày tỏ: “Sáp nhập là cơ hội để ngành Giáo dục rà soát và đầu tư nâng cấp đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Đảm bảo các cơ sở giáo dục, đặc biệt các trường vùng ven có điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất để phục vụ công tác giảng dạy và học tập.

Ngành Giáo dục cần có chính sách thu hút, giữ chân và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giỏi. Chú trọng đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, đặc biệt trong bối cảnh tích hợp chương trình và phương pháp mới. Cùng đó là nguồn lực tài chính ổn định và đủ mạnh để triển khai các kế hoạch phát triển, giáo dục cần có nguồn ngân sách ổn định, được phân bổ hiệu quả và có sự tham gia của các nguồn lực xã hội hóa”.

Ở góc độ giáo viên, cô Bùi Thị Cành - Trường Tiểu học Tân Phú (Bình Phước, Đồng Nai) chia sẻ, bản thân vui mừng khi sáp nhập trở thành tỉnh Đồng Nai, từ đây sẽ mở ra bước phát triển mới. Thời gian tới, chắc chắn ngành Giáo dục sẽ được đầu tư đồng bộ, giáo viên có cơ hội bồi dưỡng và sáng tạo, giáo dục thực sự trở thành động lực phát triển bền vững cho địa phương.

Cô Cành bày tỏ: “Việc sáp nhập tỉnh là chủ trương đúng đắn. Giáo dục sẽ trở thành nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững của địa phương mới. Mong rằng các cấp lãnh đạo sẽ đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục nói chung và nhà giáo nói riêng. Không chỉ đãi ngộ mà còn bồi dưỡng về chuyên môn, tiếp cận với công nghệ hiện đại; và cần có cơ chế mở để giáo viên được sáng tạo, thử nghiệm các phương pháp dạy học mới không bị bó buộc bởi khuôn mẫu, cứng nhắc”.

niem-vui-trong-ky-nguyen-moi-4.jpg
Cô giáo Bùi Thị Cành - Trường Tiểu học Tân Phú (Bình Phước, Đồng Nai) luôn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Ảnh: NVCC

Động lực để ngành Giáo dục phát triển

Theo ông Đinh Văn Trịnh, để giáo dục thực sự trở thành động lực phát triển sau sáp nhập, cần đảm bảo linh hoạt và khuyến khích đổi mới. Do đó, cần có cơ chế quản lý rõ ràng, phân cấp cụ thể, giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà. Điều này giúp các trường, đặc biệt cấp THCS có đủ sự linh hoạt để chủ động trong triển khai các hoạt động dạy và học.

Ngoài ra, cần đưa ra chính sách cụ thể để khuyến khích giáo viên và cán bộ quản lý thử nghiệm các phương pháp giảng dạy, mô hình giáo dục mới. Đồng thời, cần có cơ chế đánh giá công bằng, khách quan để ghi nhận và nhân rộng những sáng kiến hiệu quả. Đặc biệt, cần minh bạch trong các quy trình từ tuyển dụng, bổ nhiệm đến phân bổ nguồn lực, mọi quy trình cần công khai, minh bạch để tạo sự tin tưởng, công bằng cho toàn thể cán bộ, giáo viên.

“Việc phát triển bền vững và toàn diện cũng là yếu tố quan trọng đối với các cơ sở giáo dục. Ngành Giáo dục không chỉ chú trọng kiến thức, mà còn phát triển kỹ năng mềm, phẩm chất đạo đức và năng lực sáng tạo cho giáo viên, học sinh. Do đó, cần liên thông, đồng bộ về chương trình đào tạo giữa các cấp học sau sáp nhập.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin bằng việc tận dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dạy và học, quản lý giáo dục, và kết nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Ngoài ra, ngành Giáo dục cần tạo môi trường làm việc cởi mở, khuyến khích sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các trường, giáo viên với giáo viên, cán bộ quản lý với cán bộ quản lý. Điều này giúp phát huy tối đa sức mạnh tập thể sau sáp nhập”, ông Trịnh mong muốn.

Tương tự, ông Hồ Sĩ Nhật Nam cho rằng, những lợi thế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương (cũ) sau khi sáp nhập cùng TPHCM sẽ tiếp tục được phát huy. Chẳng hạn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) có thế mạnh về Ngoại ngữ, Toán, chắc chắn khi về TPHCM sẽ phát huy được điểm mạnh của 2 môn này.

Trong khi đó, Bình Dương (cũ) cũng có thế mạnh về bồi dưỡng học sinh mũi nhọn, chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục, mấy năm gần đây đã khẳng định được vị trí tốp đầu. Việc sáp nhập sẽ tạo cơ hội các nhà trường trao đổi với nhau thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, TPHCM trước khi sáp nhập với lợi thế nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn, là cơ hội để tiếp cận nền giáo dục này. Đặc biệt, với lợi thế kinh tế của TPHCM mới sẽ tạo được nguồn lực mạnh mẽ để đầu tư vào giáo dục phát triển hơn nữa.

“Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù của TPHCM, Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND của HĐND TPHCM về quy định chi thu nhập tăng thêm là điều khích lệ lớn đối với cán bộ, giáo viên, công nhân viên chức ở các trường. Chắc chắn tới đây, cơ sở vật chất được đầu tư, trang bị đầy đủ, công tác quản trị của nhà trường, cũng như lề lối làm việc sẽ thay đổi tích cực là động lực để phát triển mạnh mẽ.

Ngoài ra, TPHCM trước đây việc phân cấp, phân quyền cho các trường học khá mạnh mẽ, điều này tạo sự chủ động lớn cho các hiệu trưởng, đây được xem như cởi trói về cơ chế quản lý, không để xảy ra tình trạng chồng chéo và lãng phí.

Thực sự, nếu sau khi hợp nhất TPHCM vẫn tiếp tục duy trì những chính sách như vậy, tôi cho rằng đây là một trong những điều mà cán bộ, giáo viên tỉnh cũ Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung, trong đó có Trường THPT Hòa Bình sẽ vui mừng, lấy đó làm động lực để phấn đấu, cống hiến”, ông Nam cho hay.

“Sáp nhập là hành trình dài, đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực không ngừng nghỉ. Tôi tin rằng, với sự đồng lòng của toàn ngành, cùng với cơ chế, nguồn lực và định hướng phù hợp, giáo dục TPHCM nói riêng và cả nước nói chung sẽ thực sự trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước”, ông Trịnh khẳng định.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/dong-bo-ve-ha-tang-nhan-luc-chuong-trinh-tao-da-cho-gd-dt-phat-trien-ben-vung-post740528.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm