
Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai có tổng diện tích gần 16.000 ha với các phân khu chức năng: Khu Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai (khu vực hoạt động xuất - nhập cảnh, xuất - nhập khẩu, thương mại, du lịch và dịch vụ) với 3 cặp cửa khẩu: Cửa khẩu Quốc tế đường sắt Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc), Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số I Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) được nối liền bởi cầu Hồ Kiều II qua sông Nậm Thi, Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Việt Nam) - Bắc Sơn (Trung Quốc) được nối liền bởi cầu Kim Thành.

Các hạng mục đầu tư góp phần nâng cao năng lực thông quan như: Cải tạo, nâng cấp hệ thống kho bãi, cổng kiểm soát tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (nâng cấp và cải tạo Cổng kiểm soát số 1 thành 2 làn xuất cảnh, 3 làn nhập cảnh - được vận hành từ 1/11/2024, đáp ứng mục tiêu 500 phương tiện xuất và 500 phương tiện nhập mỗi ngày); tổ chức phân luồng phương tiện nhập cảnh tại bãi KB1 (từ 4/12/2024); đầu tư bãi đỗ xe xuất - nhập khẩu hàng hóa, di dời cầu cân và phân luồng giao thông khu vực Cửa khẩu Kim Thành theo hướng đồng bộ, hợp lý.
Bên cạnh đó, hoàn thiện và đưa vào vận hành thí điểm nền tảng cửa khẩu số tại Cửa khẩu Kim Thành từ ngày 21/8/2023, nhờ đó thời gian giải quyết thủ tục tại barie số 1 đã rút ngắn, trung bình dưới 2 phút/phương tiện.

Nhờ cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, nhiều doanh nghiệp logistics lớn như Viettel Post, VNPost, T&T Logistics, Hateco Logistics, Becamex IDC, Tân Cảng Sài Gòn, Vinalines,… đã quan tâm và mong muốn đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu, đặc biệt trong các lĩnh vực kho bãi, trung chuyển và logistics thông minh xuyên biên giới.
Hiện nay, năng lực và hiệu suất của các cửa khẩu Lào Cai tăng lên đáng kể, góp phần khai thác những lợi thế về cửa khẩu và trở thành động lực phát triển kinh tế, thương mại của tỉnh và khu vực.

Về nguồn thu ngân sách, riêng hoạt động tại khu vực cửa khẩu vẫn là một trong những nguồn thu chủ lực của tỉnh. Năm 2024, thu ngân sách đạt 1.400 tỷ đồng, trong đó phí hạ tầng đạt 112,37 tỷ đồng, vượt 60% kế hoạch năm, đóng góp đáng kể cho phát triển hạ tầng, an sinh và tái đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu.
Theo ông Quốc, tới đây, tỉnh Lào Cai đưa vào hoạt động cầu biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc) sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược mở rộng hành lang kinh tế Lào Cai - Vân Nam, giúp mở ra không gian phát triển mới cho khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, đặc biệt trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Cây cầu này không chỉ mang ý nghĩa địa chính trị mà còn mở ra nhiều cơ hội lớn về giao thương và logistics, như mở thêm một cửa ngõ giao thương quốc tế, tăng năng lực vận tải, logistics vùng biên.

Có thể khẳng định, kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã và đang có những bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng để phát huy hết tiềm năng, vẫn còn một số điểm nghẽn lớn cần được tháo gỡ đồng bộ ở cả cấp địa phương và Trung ương. Đó là: Các dịch vụ logistics tại khu vực cửa khẩu hiện vẫn chủ yếu mang tính chất cơ bản, đơn lẻ; chưa có cơ chế thống nhất trong phối hợp quản lý giữa các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, như Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch... (bởi mỗi lực lượng vẫn sử dụng hệ thống riêng, chưa chia sẻ dữ liệu hiệu quả, gây chồng chéo và kéo dài thời gian thông quan); thiếu các trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm hiện đại ngay tại cửa khẩu cũng làm giảm năng lực xử lý hàng hóa chuyên sâu như nông sản tươi sống.
Theo ông Vương Trinh Quốc, định hướng tổ chức không gian phát triển mới, khu vực kinh tế cửa khẩu Lào Cai sẽ đóng vai trò trung tâm động lực tăng trưởng phía Bắc, là đầu mối trung chuyển quan trọng trong hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Côn Minh.
Với tầm nhìn đó, mục tiêu xây dựng hoàn chỉnh mô hình cửa khẩu thông minh, với mục tiêu nâng cao năng lực thông quan 2-3 lần và giảm chi phí logistics từ 30-40% so với hiện nay; hình thành trung tâm logistics biên giới cấp vùng, kết nối đường bộ - đường sắt - đường thủy, gắn với hệ sinh thái dịch vụ hậu cần, kho lạnh, kiểm nghiệm, logistics số; phấn đấu kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 đạt 10,5 tỷ USD, trong đó nông sản, hàng chế biến sâu và logistics xuyên biên giới là trụ cột.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, cần đồng bộ các nhóm giải pháp trọng tâm về quy hoạch không gian kinh tế cửa khẩu theo mô hình đa trung tâm, trong đó phát triển mạnh khu Kim Thành - Bản Vược với việc mở lối thông quan Bản Vược - Bát Xát thuộc cặp Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc), mở cặp cửa khẩu song phương Mường Khương - Kiều Đầu, tiến tới nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế theo Quyết định số 1199/QĐ-TTg ngày 14/10/2023 phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hoàn thiện hệ thống hạ tầng logistics và giao thông kết nối liên vùng, đầu tư tuyến đường liên thông các khu chức năng, bến bãi chuyên dụng, tuyến nhánh đường sắt phục vụ trung chuyển container. Thu hút các tập đoàn logistics, thương mại và công nghệ đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu, trên tinh thần xã hội hóa hạ tầng, dịch vụ và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Kiến nghị Trung ương hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu thông minh, cho phép thí điểm các cơ chế đặc thù về tài chính, thủ tục, hợp tác quốc tế và điều phối liên ngành.
Trình bày: Hoàng Thu
Nguồn: https://baolaocai.vn/dong-luc-tang-truong-cua-lao-cai-post648181.html
Bình luận (0)