Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Huỳnh Thúc Kháng - Nhà báo can trường và nhân hậu

Với những cống hiến to lớn cho dân tộc, ngày 27/12/2012, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng (cụ Huỳnh), đủ thấy cống hiến của cụ cho cách mạng lớn lao thế nào! Trong bài viết này, tôi chỉ dám chấm phá đôi nét về hoạt động báo chí của cụ với ý nghĩ cụ Huỳnh là một trong những yếu nhân làm nên nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên28/04/2025

Cụ Huỳnh Thúc Kháng dũng cảm, kiên cường đấu tranh công khai với thực dân Pháp bằng nhiều hình thức, trong đó có báo Tiếng Dân. Ảnh: Tư liệu
Cụ Huỳnh Thúc Kháng dũng cảm, kiên cường đấu tranh công khai với thực dân Pháp bằng nhiều hình thức, trong đó có báo Tiếng Dân. Ảnh: Tư liệu

Tôi gọi điện cho anh Lê Văn Nhi,Tổng Biên tập báo Quảng Nam nêu kế hoạch về lại Tiên Phước và Duy Xuyên củng cố tư liệu cho Khu Di tích lịch sử Trường dạy làm báo và Giải báo chí cấp tỉnh của Thái Nguyên mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng, đồng thời viết bút ký về liệt sĩ nhà báo Dương Thị Xuân Quý, hy sinh tại Duy Xuyên năm 1969. Anh Nhi hồ hởi nhận lời giúp…

Vậy là chúng tôi đã về được xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, quê hương chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng. Nhà lưu niệm cụ Huỳnh với diện tích 2.100m2. Đây là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia, cách TP. Tam Kỳ khoảng 35km về phía Tây. Ngôi nhà cũ do thân sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng xây dựng từ năm 1869, theo lối kiến trúc rất phổ biến dưới thời nhà Nguyễn. Ngôi nhà có diện tích hơn 90m2 gồm 3 gian, mái ngói, khung sườn gỗ với những đường nét chạm trổ tinh xảo. Di tích đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, trưng bày một số di vật và tư liệu có liên quan về thân thế sự nghiệp, cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ. Người dân Tiên Cảnh tự hào về quê hương, nỗ lực trong lao động sản xuất nên xã Tiên Cảnh thuộc diện khá của huyện Tiên Phước…

Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng nằm bên bờ hồ Núi Cốc.
Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng nằm bên bờ hồ Núi Cốc.

Sinh ngày 1/10/1876 tại Quảng Nam, 13 tuổi đã biết làm văn, 16 tuổi đi thi hương, 29 tuổi đỗ tiến sĩ và nổi danh là một trong ba người hay chữ nhất ở Kinh đô Huế vào thời kỳ đó. Học giỏi, đỗ cao, sớm nổi tiếng nhưng cụ Huỳnh Thúc Kháng không làm quan mà cùng những sĩ phu yêu nước đương thời như: Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Lương Văn Can khởi xướng phong trào Duy Tân, tích cực vận động, tuyên truyền tinh thần yêu nước, đấu tranh đòi chính quyền thực dân thực hiện những cải cách nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Do tham gia khởi xướng cuộc vận động Duy Tân ở Trung Kỳ, rồi phát triển thành một phong trào đấu tranh sôi nổi của quần chúng nhân dân, trong đó có phong trào chống thuế năm 1908, cụ Huỳnh bị thực dân Pháp bắt, đày đi Côn Đảo 13 năm (1908-1921).

Tháng 7-1926, cụ Huỳnh Thúc Kháng trúng cử Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Tuy nhiên, sau khi thấy Viện Dân biểu không thực sự đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân nên cụ xin từ chức, tập trung vào sự nghiệp báo chí, văn chương. Cụ Huỳnh sáng lập báo Tiếng Dân năm 1927, làm chủ nhiệm đồng thời là chủ bút suốt 16 năm (1927-1943).

Thân nhân các giảng viên, học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng thăm Di tích của Trường được tu bổ, tôn tạo nằm bên bờ hồ Núi Cốc. Ảnh: T.L
Thân nhân các giảng viên, học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng thăm Di tích của Trường được tu bổ, tôn tạo nằm bên bờ hồ Núi Cốc. Ảnh: T.L

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia nội các Chính phủ Liên hiệp kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp, cụ Huỳnh Thúc Kháng được cử làm quyền Chủ tịch Nước. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cụ Huỳnh Thúc Kháng là Đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý miền Trung để giải thích đường lối kháng chiến, kêu gọi toàn dân ủng hộ Chính phủ, cách mạng. Do tuổi cao, sức yếu và bệnh nặng, cụ Huỳnh qua đời tại tỉnh Quảng Ngãi ngày 21/4/1947 và an táng tại núi Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Trong lễ Quốc tang Nguyên quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ban tang lễ trang trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi vào Quảng Ngãi: “Cụ Huỳnh là người học hành rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây cụ bị thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường gian nan cực khổ, nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ chẳng những không sờn mà lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm siêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không màng danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do…”.

Cô và trò Trường Tiểu học và THCS Tân Thái (Đại Từ) tham quan Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Cô và trò Trường Tiểu học và THCS Tân Thái (Đại Từ) tham quan Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đau đớn viết mấy câu ai điếu bằng chữ Hán gửi vào phúng: 

Than ôi!

 Bể Đà Nẵng triều thảm

 Đèo Hải Vân mây sầu

 Tháng tư tin buồn đến

 Huỳnh Bộ trưởng đi đâu?

 Trông vào Bộ Nội vụ

Tài đức tiếc thương nhau

Đồng bào ba chục triệu

Đau đớn lệ rơi châu.

Trân quý những phẩm chất cao đẹp của cụ Huỳnh, Bác đã đặt tên cụ Huỳnh cho trường đào tạo cán bộ báo chí trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến gian khó trăm bề, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm vào Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng các giảng viên và 42 học viên những kỳ vọng lớn lao, những cơ sở lý luận và thực tiễn của một nền báo chí cách mạng.

Nguồn: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202504/huynh-thuc-khang-nha-bao-can-truong-va-nhan-hau-e970ec2/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm