Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, sáng 15/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo gồm 8 chương và 95 điều, tăng 14 điều so với Luật Khoa học, Công nghệ năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành.
Dự thảo Luật có sửa đổi lớn đối với 26 điều, bổ sung 23 điều.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, lần đầu tiên, đổi mới sáng tạo được đưa vào và đứng ngang với khoa học, công nghệ.
Dự thảo Luật bổ sung các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm.
Đối với việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, Dự thảo Luật có nhiều chính sách liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được trích lập nhiều hơn cho Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của mình, được chi cho các hoạt động đầu tư vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kể cả các dự án khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Các nội dung chi ngoài Quỹ của doanh nghiệp cho nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo được tính là 150% chi phí để trừ khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp và đặc biệt là được tính là 200% chi phí để trừ khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp khi khoản chi đó trực tiếp phục vụ cho việc phát triển các công nghệ chiến lược.

Báo cáo Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, song có ý kiến cho rằng, phạm vi điều chỉnh và toàn bộ nội dung dự thảo Luật “còn nặng tư duy hành chính,” quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với việc sử dụng ngân sách nhà nước mà chưa thực sự làm nổi bật các cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất, kinh doanh.
Có ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh của Luật chưa thể hiện rõ vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính thúc đẩy kinh tế-xã hội, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới, ông Lê Quang Huy cho biết.
Thảo luận tại phiên họp, đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc xây dựng, ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Dự thảo Luật đã thể hiện được tinh thần đổi mới, bám sát chủ trương của Đảng, theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cần cân nhắc việc kế thừa các quy định tại Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do chưa có nhiều thời gian đánh giá, kiểm nghiệm và hiệu quả các quy định kế thừa.
Do đó, cần rà soát, đánh giá kỹ sự cần thiết, độ chín muồi của từng nội dung để có cơ sở đưa vào Luật, bảo đảm tính khả thi, ổn định của Luật; các nội dung khác chưa đáp ứng điều kiện vẫn nên tiếp tục thực hiện thí điểm để bảo đảm thận trọng, chặt chẽ.
Về tên gọi dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gợi mở, có thể sửa đổi thành Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) và nội dung đổi mới sáng tạo nằm trong Luật.
“Theo quan điểm của tôi là Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bên trong có nội hàm đổi mới sáng tạo. Các đồng chí có thể xây dựng chương riêng về đổi mới sáng tạo để cho rõ vấn đề đó,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng trong dự thảo Luật cần tránh đưa quá nhiều nội dung. “Đừng đưa nhiều quá, sửa những gì mà chúng ta cần, xã hội cần hiện nay, nhà khoa học cần hiện nay. Sửa để có thể triển khai ngay được”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý và nêu rõ, với các vấn đề còn vướng mắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội "sẵn sàng ngồi lại cùng Chính phủ để tháo gỡ."
Về các chính sách ưu đãi, vượt trội, đặc thù, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy dự thảo Luật đã có quy định thể chế hóa nội dung về cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ngân sách chi cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ được ưu tiên thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ...

Về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật quy định tới 6 quỹ thì có quá nhiều hay không.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, có thể gom lại một số quỹ cần thiết nhằm bảo đảm các quỹ phát huy được hiệu quả trong thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, làm sáng tỏ, thuyết phục những điểm mới, quan trọng để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/du-thao-luat-khoa-hoc-cong-nghe-phai-neu-nhung-gi-nha-khoa-hoc-xa-hoi-can-post1027860.vnp
Bình luận (0)