Kinh tế địa phương có nhiều khởi sắc nhờ vốn tín dụng
Với sự đồng thuận và quyết tâm cao, NHNN đã hoàn thành việc tổ chức lại 63 NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố thành 15 NHNN Khu vực, đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước, hoạt động thanh toán, an ninh tiền tệ, kho quỹ cho hệ thống ngân hàng. Theo lãnh đạo NHNN, việc kiện toàn tổ chức bộ máy của NHNN, trong đó có 15 NHNN Khu vực là kết quả của sự nỗ lực nghiêm túc, quyết liệt của Ban lãnh đạo, Ban Chỉ đạo của NHNN, thực hiện các chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy, là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
NHNN Khu vực 3 gồm 4 tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình thuộc khu vực Tây Bắc là cửa ngõ phía Tây của Tổ quốc, có biên giới với Lào, Trung Quốc, có nhiều tiềm năng to lớn, nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy điện, du lịch sinh thái và nhiều loại tài nguyên khoáng sản quý hiếm. Diện tích tự nhiên rộng 37.309 km2, chiếm 11,3% diện tích cả nước; dân số 3,4 triệu người cơ cấu dân số ở vùng nông thôn chiếm khoảng trên 80%, thành thị khoảng gần 20%.
Trong những năm gần đây, bức tranh toàn cảnh kinh tế vùng Tây Bắc đã có nhiều khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của vùng qua các năm đều tăng trưởng, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là điện, đường, trường, trạm được nâng cấp, mở rộng; nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp được xây dựng, đi vào hoạt động. Các dự án đầu tư vào khu vực tăng cả về số lượng, quy mô, đặc biệt là lĩnh vực thủy điện, trong đó, có nhiều dự án trọng điểm quốc gia. Nông - lâm - ngư nghiệp bước đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành một số vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, chế biến sâu đạt hiệu quả kinh tế cao, có vùng cây ăn quả lớn thứ 2 của cả nước; diện tích và sản lượng cà phê chè lớn nhất cả nước…. Bên cạnh đó, du lịch sinh thái phát triển mạnh thu hút nhiều khách trong nước và quốc tế như Điện Biên Phủ; Đèo Pha Đin; Đèo Ô Quy Hồ; Mai Châu - Hòa Bình, Lòng Hồ thủy điện Sơn La và Hòa Bình; Tà Xùa; Ngọ Chiến; Mộc Châu được vinh danh là Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới… góp phần quan trọng vào sự ổn định, phát triển chung của đất nước.
Kinh tế địa phương có nhiều khởi sắc nhờ vốn ngân hàng |
Theo ông Trịnh Công Văn, Quyền Giám đốc NHNN Khu vực 3, trong những năm qua, các TCTD đã đẩy mạnh đầu tư cho vay vào các lĩnh vực thế mạnh của địa phương như thủy điện, nông nghiệp, du lịch... Bên cạnh đó các tổ chức tín ưu tiên nguồn vốn cho vay đối tượng chính sách... để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.
Là doanh nghiệp chế biến nông sản lớn trên địa bàn tỉnh, bà Chử Thị Kim Oanh, Giám đốc Công ty Chế biến Nông sản BHL Sơn La nhấn mạnh sự đồng hành và hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp. Bà Oanh cho biết, Công ty Chế biến Nông sản BHL Sơn La đã ký thỏa thuận chiến lược với ngân hàng VietinBank nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính toàn diện như giao dịch online, mua bán ngoại tệ online… Những dịch vụ này không chỉ tiện lợi, đơn giản mà còn phù hợp với đặc thù của ngành chế biến nông sản.
Theo bà Oanh, năm 2025, công ty đặt mục tiêu mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng nông sản. Để đạt được những mục tiêu này, rất cần sự đồng hành và hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng.
Đánh giá cao những kết quả mà ngành Ngân hàng trên địa bàn đã đạt được góp phần quan trọng trong kết quả chung phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, ông Nguyễn Đình Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Sơn La cho rằng, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng Sơn La đã chủ động phối hợp các Sở, Ngành của tỉnh theo dõi; kịp thời làm việc nắm bắt, tháo gỡ, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về đất đai, về thủ tục pháp lý, về kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Hợp tác xã, người dân tiếp cận vốn tín dụng.
Đồng thời, triển khai giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngoài ra, chỉ đạo các QTDND tăng cường các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát các hành vi vi phạm và làm phát sinh nợ xấu; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Tìm mọi giải pháp đẩy tín dụng từ “vùng trũng”
Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng việc thúc đẩy tín dụng trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Bắc vẫn còn đó nhiều khó khăn. Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng của khu vực có xu giảm, không ổn định và thấp so với bình quân trung của cả nước. Minh chứng là, tăng trưởng tín dụng năm 2021 là 7,96%; năm 2022 là 7,20%; năm 2023 là 9,63%; năm 2024 là7,62% và những tháng đầu năm 2025 tăng trưởng âm.
Theo đại diện các ngân hàng, việc hấp thụ vốn trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do kinh tế các tỉnh nhìn chung tăng trưởng chậm, không ổn định. Bên cạnh đó, kinh tế các tỉnh trong khu vực phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên; một số lĩnh vực đầu tư cho vay đã đạt ngưỡng tiềm năng như thủy điện, nông nghiêp…; giao thông đi lại khó khăn dẫn đến chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn… Chưa kể các dự án kinh tế lớn tạo động lực thúc đẩy kinh tế trên địa bàn không nhiều, chậm triển khai; các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là nhỏ và vừa, năng lực tài chính hạn chế; thương mại điện tử phát triển mạnh…
Tìm mọi giải pháp thúc đẩy tín dụng phát triển kinh tế địa phương |
Trong khi đó, nguồn vốn huy động trên địa bàn chỉ đáp ứng 83%/tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn; nếu tính trên dư nợ của ngành Ngân hàng cho vay trên địa bàn (bao gồm cả TCTD trong và ngoài tỉnh) chỉ đáp ứng 52%/tổng dư nợ. Do đó, các TCTD trên địa bàn bị động về nguồn vốn cho vay, phải phụ thuộc vào nguồn vốn vay, điều tiết từ trụ sở chính để cho vay người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, các TCTD cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu, nợ tiềm ẩn rủi ro.
“Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cho các địa phương tối thiểu 10% để cả nước đạt 8%. Vậy, những tỉnh vùng cao như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, nơi được coi là vùng trũng tài chính tín dụng thì làm thế nào để hoàn thành mục tiêu này?", ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND Điện Biên băn khoăn.
Ông Toàn ước tính, ở Điện Biên, với hệ số ICOR (tỷ lệ vốn đầu tư so với tốc độ tăng trưởng) là 5,5 thì cần nguồn vốn đầu tư khoảng 9 nghìn tỷ đồng, trong đó đầu tư tư nhân của tỉnh chỉ chiếm 50%, tương đương 4.500 tỷ. Năm 2024 dư nợ tín dụng Điện Biên khoảng 22 nghìn tỷ đồng, kể cả dư nợ ngân hàng Chính sách xã hội. Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành 16% thì với Điện Biên con số này cũng phải 20% mới đáp ứng nguồn vốn cho khu vực tư nhân tại đây.
Đối với Lai Châu, ông Giàng A Tính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm, tỉnh này được có tiềm năng thuỷ điện rất lớn. Ngoài công suất hiện có 3 nghìn MW, theo Quy hoạch điện VIII, Lai Châu được phân bổ thêm 900 MW. Thêm nữa, tỉnh được Chính phủ giao đầu tư điện mặt trời, suất đầu tư mỗi MW là 12 tỷ đồng.
Để khai thác tiềm năng này, ông Tính đề nghị ngân hàng chủ động tìm hiểu thông tin doanh nghiệp, quy hoạch dự án ở các sở ngành địa phương để nhận diện các dự án khả thi, uy tín doanh nghiệp để sớm xem xét những doanh nghiệp/dự án đủ điều kiện cho vay...
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Sơn La và Giám đốc Công ty Cổ phần Quỳnh Ngọc, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cho biết, mặc dù nền kinh tế đang phục hồi và phát triển, nhưng các doanh nghiệp, đặc biệt là ở tỉnh Sơn La, vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và hạn chế. Đa số các doanh nghiệp của tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm gần 97%), vốn sản xuất kinh doanh thấp, tỷ trọng doanh nghiệp trong các nhóm ngành còn mất cân đối, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, dịch vụ nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay vốn, dẫn đến sự hạn chế trong mở rộng sản xuất và đầu tư.
“Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các doanh nghiệp mong muốn ngành Ngân hàng tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, tạo ra những cơ chế, chính sách phù hợp hơn để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn đặc biệt là các hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Sơn La bày tỏ.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng hình thức cho vay thế chấp dựa trên tài sản hình thành trong tương lai bởi hiện tại rất ít ngân hàng áp dụng hình thức vay này.
Trước kỳ vọng của lãnh đạo địa phương và các doanh nghiệp, đại diện Vietcombank cho biết, thực hiện chỉ đạo của NHNN, Vietcombank khẳng định, khu vực 3 là một trong những khu vực trọng điểm, với mức tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 31%, cao hơn mức bình quân chung. Để đạt được điều này, Vietcombank đề xuất một số kiến nghị tới NHNN như quan tâm hỗ trợ các chi nhánh Vietcombank, đặc biệt là các chi nhánh còn non trẻ tại địa bàn khu vực 3; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để ngân hàng triển khai các chương trình ưu đãi và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Lãnh đạo các ngân hàng Agribank, VietinBank và BIDV cũng cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay vào các lĩnh vực thế mạnh của địa phương như thủy điện, nông nghiệp, du lịch..., ưu tiên nguồn vốn cho vay đối tượng chính sách để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/dua-dong-von-ngan-hang-phat-trien-vung-phen-dau-cua-to-quoc-162368.html
Bình luận (0)