Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đưa yến sào Kiên Giang chinh phục thị trường thế giới

Việt NamViệt Nam07/04/2025


Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam Phạm Duy Khiêm cho biết Việt Nam hiện có khoảng 24.000 nhà nuôi yến, với sản lượng từ 150 - 200 tấn/năm, trong đó Kiên Giang dẫn đầu cả nước với hơn 3.000 nhà nuôi yến, tạo nên vùng nguyên liệu tổ yến khá lớn. Tuy nhiên, phần lớn yến sào Kiên Giang chỉ tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu tiểu ngạch.

Sơ chế tổ yến tại cơ sở sản xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn yến sào Fanza (TP. Hà Tiên).

HƠN 3.000 NHÀ NUÔI YẾN

Nghề nuôi yến thương mại tại Kiên Giang phát triển từ năm 2003, với những căn nhà yến đầu tiên xuất hiện tại TP. Rạch Giá. Qua hơn hai thập kỷ, số lượng nhà yến trên địa bàn tỉnh tăng nhanh chóng, vượt mốc 3.000 căn, tập trung chủ yếu ở TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên và các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Châu Thành và An Minh. TP. Rạch Giá hiện là địa phương có số lượng nhà nuôi yến nhiều nhất tỉnh với hơn 800 căn.

Không chỉ phát triển mạnh về số lượng, chất lượng tổ yến tại Kiên Giang được giới chuyên môn đánh giá cao. Theo các chuyên gia Malaysia, yến sào Việt Nam có hương thơm đặc trưng, hàm lượng dinh dưỡng cao, được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Điều này mở ra cơ hội lớn cho yến sào Kiên Giang tiếp cận những thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn sản lượng yến sào hiện chỉ tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, thông qua các doanh nghiệp trung gian.

Ông Lê Văn Tài - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xuất nhập khẩu Thuận An - đơn vị đang xúc tiến đưa yến sào Kiên Giang vào thị trường Trung Quốc cho biết ông rất ấn tượng với chất lượng tổ yến tại TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên và huyện Hòn Đất sau khi khảo sát thực tế.

Nhiều cơ sở chế biến yến ở đây đầu tư bài bản, đạt tiêu chuẩn ISO và các chứng nhận cần thiết để phục vụ xuất khẩu. Để tiến xa hơn, các doanh nghiệp này cần nhanh chóng hoàn thiện thủ tục pháp lý, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe từ đối tác quốc tế. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý để tháo gỡ những rào cản về chính sách và mở rộng cơ hội hợp tác với các thị trường lớn.

Một số nhà nuôi yến tại khu vực đường Võ Trường Toản (TP. Rạch Giá).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lê Hữu Toàn cho rằng tỉnh có đầy đủ điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi yến. Tuy nhiên, việc phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bài bản là yếu tố quyết định đến sự thành công. Người nuôi yến không chỉ cần kiến thức chuyên sâu về đặc tính sinh học của loài chim này mà còn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật từ khâu thiết kế nhà yến, lắp đặt thiết bị, dẫn dụ, chăm sóc đến thu hoạch tổ yến sao cho đảm bảo chất lượng và an toàn dịch bệnh.

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều hộ nuôi yến đầu tư trang thiết bị hiện đại như hệ thống âm thanh dẫn dụ yến, hệ thống tạo ẩm tự động, thiết bị giám sát từ xa... Nhờ đó, năng suất và chất lượng tổ yến được cải thiện đáng kể, giúp sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư xưởng sơ chế theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO, HACCP, đảm bảo quy trình chế biến khép kín, nâng cao giá trị sản phẩm.

Dù vậy, theo đánh giá chung, ngành nuôi yến tại Kiên Giang vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún và thiếu chuyên nghiệp. Nhiều hộ nuôi yến hoạt động tự phát, không tuân theo quy chuẩn chung, dẫn đến chất lượng tổ yến không đồng nhất, gây khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu. Đây chính là rào cản lớn nhất khi tiếp cận thị trường nước ngoài, nơi các tiêu chuẩn nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ.

Theo chị Hoàng Đức Nhã - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yến sào Du Long (TP. Rạch Giá), giá bán lẻ yến tổ thô hiện dao động từ 1,4 - 1,6 triệu đồng/100g, yến đã nhặt lông từ 2,5 triệu đồng/100g, yến sợi sơ chế định hình A5 khoảng 3 triệu đồng/100g. Đối với sản phẩm xuất khẩu, giá yến thô đạt tiêu chuẩn dao động từ 18 - 25 triệu đồng/kg, trong khi yến sơ chế rút lông khô giá từ 35 - 45 triệu đồng/kg tùy theo yêu cầu khách hàng. Dù có giá trị cao, nhưng do chưa xuất khẩu chính ngạch, yến sào Kiên Giang chưa khai thác hết tiềm năng, phần lớn sản phẩm vẫn chỉ tiêu thụ nội địa hoặc thông qua doanh nghiệp ủy thác để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Công nhân tinh chế yến tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yến sào Du Long (TP. Rạch Giá).

Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang Trương Văn Minh, việc đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp ngành yến Kiên Giang nâng cao vị thế, tối ưu giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa người nuôi yến, doanh nghiệp chế biến và cơ quan quản lý.

Để yến sào Kiên Giang vươn xa hơn trên thị trường thế giới, việc chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ hiện đại và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng là điều kiện tiên quyết. Song song đó, doanh nghiệp cũng cần đầu tư mạnh vào xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và mở rộng kênh phân phối. Nếu có chiến lược phát triển bài bản, không chỉ thị trường Trung Quốc mà các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay châu Âu cũng sẽ trở thành điểm đến tiềm năng cho yến sào Kiên Giang.

Bài và ảnh: KIỀU DIỄM

* Bài 2: Tháo gỡ rào cản.



Nguồn: https://www.baokiengiang.vn/kinh-te/dua-yen-sao-kien-giang-chinh-phuc-thi-truong-the-gioi-25294.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình nửa thế kỷ chưa có hồi kết
Nghệ thuật 3D mapping "vẽ" hình xe tăng, máy bay, lá cờ Tổ quốc trên Hội trường Thống Nhất
Ngắm trận địa pháo 105mm tại Bến Bạch Đằng chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam
Phim 'Địa đạo' đạt doanh thu không tưởng, vượt xa cơn sốt 'Đào, Phở và Piano'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm