
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương thông tin công khai đến cán bộ, công chức, viên chức được biết, thực hiện; đồng thời, tiếp tục theo dõi, tổng hợp tình hình và tham mưu UBND tỉnh phương án đào tạo, bồi dưỡng phù hợp sau khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
Giao Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các sở, ngành có liên quan thực hiện các thủ tục điều chỉnh kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2025 theo đúng quy định.
Trước đó, trên cơ sở nguồn kinh phí được giao, Sở Nội vụ đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 333 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Bình Thuận năm 2025. Căn cứ kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ sở bồi dưỡng thực hiện các thủ tục tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã gồm: Thực hiện thủ tục chỉ định thầu đối với các lớp bồi dưỡng có giá gói thầu không quá 300 triệu đồng; thực hiện thủ tục đấu thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh đối với các lớp bồi dưỡng có giá gói thầu trên 300 triệu đồng. Phối hợp với các cơ sở bồi dưỡng xây dựng nội dung, giáo trình, chương trình tổ chức các lớp bồi dưỡng. Thông báo nhu cầu tổ chức các lớp bồi dưỡng gửi các cơ quan, đơn vị và địa phương để cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 213 về việc giao dự toán vốn ngân sách nhà nước năm 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Căn cứ nguồn kinh phí được giao, Sở Nội vụ đã dự thảo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Bồi dưỡng cán bộ, công chức xã và kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bình Thuận năm 2025.
Tuy nhiên, hiện nay thực hiện chủ trương của Trung ương về sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã, các cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị và địa phương đang khẩn trương thực hiện các công việc cấp bách để đảm bảo tiến độ của tỉnh và Trung ương giao. Bên cạnh đó, việc thực hiện sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện và tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã dẫn đến số lượng cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị và địa phương có sự thay đổi theo chiều hướng giảm. Điều này dẫn đến việc tổ chức các lớp sẽ không đảm bảo hiệu quả và chất lượng do không đủ số lượng cán bộ, công chức cấp huyện và cấp xã đăng ký tham gia các lớp bồi dưỡng. Hơn nữa, trong giai đoạn thực hiện sắp xếp, hợp nhất các đơn vị hành chính, việc bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cần được định hướng lại cho phù hợp với bộ máy mới sau khi sáp nhập, tránh tình trạng đào tạo, bồi dưỡng không phù hợp với vị trí công tác mới. Việc dừng tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong thời điểm hiện tại là cần thiết để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực, tránh lãng phí ngân sách và tập trung cho quá trình tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương.
Chính vì vậy, Sở Nội vụ đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, thống nhất dừng tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức cho đến khi thực hiện xong việc sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/dung-to-chuc-cac-lop-dao-tao-boi-duong-cho-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-129082.html
Bình luận (0)