Đồ dùng bằng nhựa đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hiện đại bởi tính tiện dụng của nó. Tuy nhiên, nhựa cũng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường khi trở thành rác thải. Hiện nay, trung bình mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh khoảng 800 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó từ 10 đến 20% là rác thải nhựa, thậm chí tại một số khu vực đô thị, con số này còn cao hơn.
Trong sinh hoạt, nguồn phát sinh rác thải nhựa chủ yếu đến từ sinh hoạt hằng ngày, các khu dân cư, cửa hàng, chợ, siêu thị. Trong sản xuất công nghiệp, rác thải nhựa xuất hiện từ hoạt động xây dựng, sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp... Nếu không được xử lý đúng cách, việc đốt rác thải nhựa tự phát ngoài môi trường gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Việc đốt rác thải nhựa không kiểm soát còn gây ra nhiều nguy cơ khác như: Khói và bụi thải ra có thể gây bệnh về đường hô hấp, đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ em, người cao tuổi và những người có bệnh mãn tính về tim, phổi... Thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi nilon, chai nhựa, hộp đựng đồ ăn, bao bì đóng gói hàng hóa… đang khiến lượng rác thải nhựa ngày càng tăng. Để giảm lượng rác thải nhựa, không gì hiệu quả hơn là thay đổi thói quen sinh hoạt và tiêu dùng của mỗi cá nhân, gia đình.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc giảm rác thải nhựa, ngày 28/11/2024, tại Siêu thị BRG Mart Phố Nối (xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ), Sở Công Thương đã tổ chức lễ phát động phong trào "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy" tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ và cửa hàng tiện ích. Qua đó đề nghị các cấp, ngành, các đơn vị thực hiện mô hình hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, đồng thời tổ chức các đợt tuyên truyền cao điểm nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ sử dụng 100% bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị; đồng thời thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh.
Tại thành phố Hưng Yên, nhiều cửa hàng kinh doanh đã chủ động thực hiện mô hình tiêu dùng xanh. Chị Lê Như Thảo, chủ cửa hàng thực phẩm trên đường Điện Biên (phường Lê Lợi), chia sẻ: "Các sản phẩm tại cửa hàng đều có nguồn gốc hữu cơ, nên ngay từ đầu tôi đã chọn sử dụng túi tự hủy sinh học, túi giấy tái chế thay vì túi nilon thông thường". Bên cạnh đó, phong trào chống rác thải nhựa còn nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các tổ chức hội, đoàn thể.
Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập trên 280 câu lạc bộ "Phụ nữ hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần" và "Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon". Riêng tại xã Bảo Khê (thành phố Hưng Yên), cả 5 chi hội phụ nữ đều thành lập câu lạc bộ phụ nữ hạn chế sử dụng nhựa, thu hút hơn 100 thành viên tham gia. Chủ tịch Hội LHPN xã Bảo Khê Trần Thị Ngọc Anh cho biết: Trung bình mỗi năm, các thành viên trong câu lạc bộ đã tổ chức từ 15 đến 20 đợt thu gom, thu được hàng tấn phế liệu nhựa/năm. Các thành viên còn tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về chống rác thải nhựa.
Việc hạn chế rác thải nhựa không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, ngành chức năng mà cần sự chung tay của toàn xã hội. Mỗi người dân có thể góp phần giảm rác thải nhựa bằng những hành động nhỏ như: Sử dụng túi vải, túi giấy thay vì túi nilon khi đi chợ, siêu thị. Nếu mỗi cá nhân thay đổi thói quen tiêu dùng, sinh hoạt, rác thải nhựa sẽ không còn là nỗi lo lớn, góp phần xây dựng môi trường sống xanh, sạch, an toàn.
Nguồn: https://baohungyen.vn/thay-doi-thoi-quen-sinh-hoat-gop-phan-giam-thieu-rac-thai-nhua-3180342.html
Bình luận (0)