Thời điểm này, nhiều vườn sầu riêng Ri6, DONA ở xã Hòa Phú đã bắt đầu già, chín rụng nhưng lại không có mấy thương lái lui tới xem vườn, chốt giá như mọi năm.
Gia đình ông Tô Ngọc Vũ (thôn 4, xã Hòa Phú) sở hữu 80 cây sầu riêng kinh doanh, sản lượng năm nay ước đạt 10 tấn.
Ông Vũ cho biết, năm nay thời tiết bất lợi, mưa nhiều khiến chất lượng sầu riêng không đồng đều, tỷ lệ cơm bị sượng nước cao nên tùy theo từng vườn mà thương lái sẽ đưa ra mức giá thu mua khác nhau. So với cùng kỳ năm ngoái, giá sầu riêng đã giảm hơn một nửa nhưng thương lái cũng chỉ chọn những vườn có trái đẹp, đạt yêu cầu thì mới thu mua. Trong đợt thu đầu tiên, ông bán 2,5 tấn sầu riêng Ri6 với giá 25.000 – 30.000 đồng/kg.
“Dù giá bán xuống thấp nhưng thương lái không cắt đồng loạt khiến sầu riêng chín rụng nhiều, buộc gia đình tôi đành phải gom bán cho các mối lẻ ở chợ. Hiện, vườn còn khoảng 3 tấn sầu riêng Ri6 đã tới đợt thu hoạch nhưng chưa biết đầu ra thế nào. Trong khi đó, còn khoảng hơn 10 ngày nữa sầu riêng DONA trong vườn cũng bắt đầu cho thu hoạch, hy vọng giá và đầu ra sẽ được cải thiện trong thời gian tới”, ông Vũ lo lắng.
Vườn sầu riêng của một hộ nông dân ở xã Hòa Phú cho thu hoạch sớm. |
Tương tự, gia đình ông Hồ Văn Chương (thôn 3, xã Hòa Phú) có 100 cây sầu riêng Ri6 và DONA trồng xen trong vườn cà phê. Hiện có 70 cây đã cho thu hoạch, với sản lượng ước đạt 5 tấn, trong đó sầu riêng Ri6 dự kiến khoảng 3,5 tấn. Vào thời điểm này mọi năm đã có thương lái tìm vào tận nơi xem trái và chốt giá xong xuôi, chờ đến ngày cắt; còn năm nay, thương lái chỉ mới báo giá thu mua sầu riêng DONA loại đẹp là 60.000 đồng/kg (giảm 20.000 – 30.000 đồng/kg), sầu riêng Ri6 từ 15.000 – 20.000 đồng/kg (giảm 30.000 đồng/kg) nhưng chưa tính đến chuyện mua khiến ông Chương “đứng ngồi không yên”. Ông Chương cho hay: “Vụ trước, sầu riêng Ri6 tôi bán với giá 55.000 – 60.000 đồng/kg nhưng năm nay gọi điện cho mối quen thì họ trả lời không mua”.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường dự báo: Xuất khẩu sầu riêng có khả năng phục hồi mạnh từ quý 3 năm 2025, đặc biệt vào mùa vụ chính từ tháng 8 đến tháng 10 của các tỉnh vùng cao nguyên Trung Bộ. Tuy nhiên, mức phục hồi vẫn phụ thuộc lớn vào việc doanh nghiệp và nông dân có duy trì được điều kiện an toàn thực phẩm như đã cam kết hay không. Nếu tình trạng vi phạm còn tái diễn thì rủi ro xuất khẩu ngành hàng này vẫn còn rất lớn. |
Do không có người thu mua nên hơn một tuần nay, những cây sầu riêng Ri6 đã bắt đầu chín rụng (20 – 30 kg/ngày) buộc gia đình ông Chương phải đưa ra chợ bán lẻ. Cũng theo ông Chương, năm nay thời tiết diễn biến thất thường đã ảnh hưởng nhiều đến sản lượng lẫn chất lượng của sầu riêng. Trong khi đó, công chăm sóc nhiều, chi phí vật tư nông nghiệp đều cao hơn (tăng khoảng 50%) nhưng giá bán lại thấp hơn so với kỳ vọng, đầu ra bấp bênh, khiến người trồng lo ngại vụ sớm sẽ “thu không đủ chi”.
Không riêng gì loại Ri6, sầu riêng Musang King tại Đắk Lắk đang thu hoạch cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tình trạng cơm bị sượng do mưa nhiều, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và giá bán. Theo thương lái Huỳnh Tấn Thuận (xã Quảng Phú), năm nay các vườn sầu riêng Musang King gần như bị ế ẩm do bị sượng nước hàng loạt. Giá sầu riêng Musang King bị sượng nước dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, tùy thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ. Thậm chí, có những lô hàng chất lượng kém chỉ vài nghìn đồng/kg.
Theo Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, giá sầu riêng đầu vụ của Đắk Lắk giảm mạnh so với năm trước là do thị trường nhập khẩu vẫn còn siết chặt khâu kiểm soát chất lượng nên doanh nghiệp xuất khẩu lựa chọn rất kỹ vùng thu mua, không nhập kho ồ ạt như năm trước. Tuy nhiên, sản lượng đầu vụ của Đắk Lắk vẫn còn đang rất ít và phần lớn chất lượng không đạt do ảnh hưởng bởi mưa nhiều nên thương lái thu mua giá thấp.
Ông Phạm Hoàng Hải, một thương lái thu mua sầu riêng trên địa bàn xã Krông Pắc cho hay, phần lớn sầu riêng đầu vụ năm nay bị nấm và tỷ lệ sượng cao khiến đầu ra gặp khó khăn. Hiện tại, các kho và đại lý đều ngừng thu mua sầu riêng Ri6. Nếu có thu mua thì với giá rất thấp, chỉ từ 15.000 - 20.000 đồng/kg để phục vụ thị trường trong nước.
Hoạt động thu mua sầu riêng tại một vựa sầu riêng ở xã Krông Pắc. |
Theo GS.TS Trần Văn Hâu, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ, thời tiết thất thường như nắng nóng kéo dài hoặc mưa dầm liên tục chính là yếu tố dễ dẫn đến cơm bị sượng. Nếu năm nào thời tiết không thuận lợi như năm nay thì tỷ lệ sượng cơm tăng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu bà con có kỹ thuật chăm sóc tốt, biết cách quản lý dinh dưỡng hợp lý thì hoàn toàn có thể hạn chế được. “Dinh dưỡng giữ vai trò quyết định trong giai đoạn phát triển trái. Phân bón cần bảo đảm đủ đa lượng, trung lượng, đặc biệt là các vi lượng như canxi, bo, mangan, sắt… Nếu bổ sung đúng thời điểm và đủ hàm lượng sẽ giảm được nguy cơ sượng cơm”, GS.TS Trần Văn Hâu chia sẻ thêm.
Để chuẩn bị cho vụ thu hoạch chính của năm 2025, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách nhằm chuẩn hóa chất lượng và phục hồi uy tín trên thị trường quốc tế.
Ông Lê Anh Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm đến nay, thị trường sầu riêng nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, để sầu riêng Đắk Lắk bước vào vụ thu hoạch thuận lợi, Hiệp hội đã tiến hành mời các chuyên gia, nhà khoa học về tập huấn, phối hợp với các tổ chức để xây dựng, chuẩn hóa lại chất lượng vùng trồng. “Chúng tôi tiến hành lấy mẫu trước thời vụ để có những công bố số liệu cụ thể, tạo niềm tin cho thị trường nhập khẩu. Đây là một trong những bước chúng tôi tiến hành rất gấp rút”.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xây dựng tiêu chí lựa chọn những doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, đáp ứng các "chuỗi luồng xanh" nhằm thúc đẩy quá trình thông quan xuất khẩu một cách nhanh gọn. Đây là những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp nhập khẩu yên tâm khi đầu tư vào thị trường Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung.
Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202507/gia-dau-vu-xuong-thap-nong-dan-trong-sau-rieng-thap-thom-56a1649/
Bình luận (0)