"Cháy hàng" keo giống
Những ngày đầu tháng 4, ghé thăm "thủ phủ keo giống" xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ, hai bên đường mòn Hồ Chí Minh, đâu đâu cũng thấy cảnh nhộn nhịp thu hoạch, đóng gói, vận chuyển keo giống.

Chị Nguyễn Thị Huyền -một hộ dân tại xóm 8, xã Tân Hương vui mừng chia sẻ: "Chưa năm nào việc sản xuất và tiêu thụ keo giống lại thuận lợi như năm nay. Gia đình tôi có hơn 3 sào sản xuất keo giống, hiện đã thu hoạch hơn 20.000 cây và vẫn không đủ bán. Giá keo năm nay tăng mạnh, từ 700 đồng/cây năm 2024, năm nay lên đến 1.400 đồng/cây, giúp chúng tôi có thu nhập cao hơn hẳn các năm trước. Dự kiến cả vụ thu hoạch khoảng 40.000 cây, doanh thu có thể đạt hơn 56 triệu đồng".

Cùng chung niềm vui, anh Cao Văn Thịnh ở xóm Tân Minh cũng đang tất bật vận chuyển keo giống cho khách. "Gia đình tôi sản xuất khoảng 80.000 cây keo cành dâm hom trong vụ Xuân này, đến nay đã bán hết. Dự kiến doanh thu trên 100 triệu đồng. Trung bình mỗi năm tôi ươm 3 lứa keo, mỗi lứa từ 1,5 - 2 tháng là xuất bán, vụ Xuân là thời điểm sản xuất số lượng nhiều nhất. Nếu tính cả 3 lứa, tổng thu nhập đạt gần 200 triệu đồng", anh Thịnh cho biết.
Theo kinh nghiệm của nhiều hộ trồng keo tại xã Tân Hương, để có cây giống chất lượng, vườn ươm cần lựa chọn đất màu mỡ, tơi xốp, bố trí vườn ươm trên mặt đất có độ dốc nhẹ để tiêu thoát nước tốt. Ngoài ra, việc lắp mái che để điều chỉnh ánh sáng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây cũng rất quan trọng. Trước khi xuất bán, cây con cần được phân loại và chăm sóc kỹ lưỡng để đảm bảo khả năng thích nghi khi trồng rừng.
Ông Lê Đức Thuyên - Chủ tịch UBND xã Tân Hương, cho biết: "Hiện nay, toàn xã có 286 hộ tham gia sản xuất cây keo giống, với tổng diện tích lên đến 30 ha. Hàng năm, xã ươm khoảng 160 triệu cây keo giống, cung cấp không chỉ cho Nghệ An mà còn cho các tỉnh lân cận, mang về nguồn thu trên 65 tỷ đồng. Nghề ươm giống keo tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương".

Giải pháp để phát triển nghề bền vững
Lý giải nguyên nhân giá keo giống tăng cao nhưng vẫn "cháy hàng", ông Lê Đức Thuyên cho rằng, do nhu cầu trồng keo của người dân tăng mạnh trong những năm gần đây khi giá gỗ nguyên liệu ổn định ở mức cao. Nhiều địa phương mở rộng diện tích trồng rừng, kéo theo nhu cầu lớn về giống cây keo.
Để phát triển nghề ươm keo bền vững, chính quyền xã Tân Hương khuyến cáo người dân nâng cao chất lượng cây giống, đa dạng hóa sản phẩm, thay vì chỉ tập trung vào keo ươm hạt. Việc tăng cường sản xuất keo cành dâm hom chất lượng cao sẽ giúp cây sinh trưởng tốt hơn, chống chịu sâu bệnh hiệu quả hơn.

Ngoài ra, bà con nên cân đối số lượng sản xuất theo mùa trồng rừng. Vụ Xuân luôn là vụ chính do điều kiện thời tiết thuận lợi, trong khi vụ Hè thường gặp khó khăn do nắng nóng, ít người mua. Bài học kinh nghiệm là trong vụ Hè 2024, toàn xã tồn đọng khoảng 120.000 cây keo giống do thị trường tiêu thụ chậm.
Không chỉ tập trung vào cây keo, nhiều hộ dân ở xã Tân Hương đã bắt đầu mở rộng sản xuất các loại cây lâm nghiệp bản địa như lim, lát, quế, sao đen, xà cừ... nhằm đa dạng hóa sản phẩm cung ứng cho thị trường. Đây cũng là hướng đi bền vững giúp nông dân xã Tân Hương cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập.
Nguồn: https://baonghean.vn/gia-keo-giong-tang-gap-doi-lang-uom-o-huyen-tan-ky-chay-hang-10294277.html
Bình luận (0)