Sáng 14/4, giá lúa gạo trong nước nhìn chung ổn định, không có biến động lớn so với phiên trước. Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thị trường mua bán diễn ra chậm, lượng giao dịch ít, trong khi giá cả vẫn giữ vững.
Tại An Giang, Lấp Vò (Đồng Tháp), Sa Đéc và An Cư (Tiền Giang), hoạt động giao dịch đều khá trầm lắng. Các kho vẫn duy trì thu mua cầm chừng, chưa có động thái tăng mua rõ rệt, giá gạo hầu như không thay đổi so với những ngày trước.
Giá gạo nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ở mức cao. Gạo OM 380 ổn định từ 7.700 – 7.850 đồng/kg, OM 5451 dao động từ 9.600 – 9.750 đồng/kg, OM 18 giữ ở khoảng 9.300 – 9.500 đồng/kg. Gạo IR 504 có giá 7.800 – 8.000 đồng/kg, còn thành phẩm IR 504 ở mức 7.600 – 7.800 đồng/kg. Riêng gạo Nàng Hoa 9 tiếp tục đứng giá từ 6.550 – 6.750 đồng/kg.
Giá gạo bán lẻ tại các chợ như An Giang vẫn không có nhiều thay đổi. Gạo thơm được bán từ 18.000 – 22.000 đồng/kg. Các loại gạo đặc sản như Nàng Nhen niêm yết ở mức cao nhất là 28.000 đồng/kg. Gạo Nhật và Hương Lài duy trì ở mức 22.000 đồng/kg, gạo Jasmine khoảng 18.000 – 20.000 đồng/kg.
Thị trường nếp hôm nay cũng giữ ổn định. Giá nếp IR 4625 tươi hiện ở mức 7.700 – 7.900 đồng/kg, còn nếp khô ba tháng dao động từ 9.600 – 9.700 đồng/kg.
Giá các loại phụ phẩm có biến động nhẹ. Tấm 3-4 tăng 100 đồng, hiện ở mức 6.650 – 6.800 đồng/kg. Cám duy trì từ 5.750 – 5.950 đồng/kg, tấm thơm vẫn giữ mức 7.100 – 7.300 đồng/kg, còn trấu tiếp tục giao dịch quanh mức 800 – 900 đồng/kg.
Tại Long An, An Giang, Cần Thơ và Trà Vinh, giao dịch mua bán lúa vẫn trầm lắng, giá lúa không có điều chỉnh mới. Đặc biệt tại Bạc Liêu, lúa ST được nông dân giữ giá cao, tuy nhiên thương lái mua vào khá ít, phần lớn diện tích đã được cọc trước.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, giá lúa tại khu vực vẫn giữ ổn định. Lúa OM 5451 dao động từ 6.200 – 6.400 đồng/kg, Đài Thơm 8 từ 6.800 – 7.000 đồng/kg, OM 18 tươi từ 6.700 – 6.900 đồng/kg. Các loại lúa IR 50404 và OM 380 tươi vẫn được thu mua quanh mức 5.800 – 6.000 đồng/kg.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo Việt Nam hiện đang duy trì ở mức thấp. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo 100% tấm được bán ở mức 317 USD/tấn, gạo 25% tấm là 370 USD/tấn và gạo 5% tấm đạt 399 USD/tấn.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong tháng 3/2025, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 950 nghìn tấn với tổng kim ngạch khoảng 463,6 triệu USD. Lũy kế ba tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 2,2 triệu tấn gạo, đạt giá trị 1,14 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng xuất khẩu tăng nhẹ 0,6%, nhưng giá trị lại giảm mạnh gần 20%.
Giá gạo xuất khẩu bình quân trong quý I/2025 đạt khoảng 522 USD/tấn, giảm hơn 20% so với năm trước. Đây là mức giảm đáng lo ngại, nhất là khi so sánh với giai đoạn 2016–2022, khi giá gạo 5% tấm thường dao động từ 420 đến 535 USD/tấn. Đặc biệt vào tháng 11/2023, giá từng đạt đỉnh 663 USD/tấn khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu, nhưng đến nay đã giảm đến 264 USD/tấn, tương đương mức sụt gần 40%.
Dù vậy, gạo thơm và gạo đặc sản vẫn giữ được giá cao do phục vụ những phân khúc thị trường riêng biệt. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu thành công các loại gạo như ST25 với giá từ 800 đến hơn 1.000 USD/tấn. Nhờ đó, dù giá gạo tẻ phổ biến đã tụt xuống dưới 400 USD/tấn trong tháng 1, giá bình quân xuất khẩu của cả tháng vẫn trên 600 USD/tấn.
Trong quý I/2025, Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 42,1% thị phần. Hai thị trường tiếp theo là Bờ Biển Ngà và Ghana, với tỷ lệ lần lượt là 16,3% và 10,2%.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/gia-lua-gao-hom-nay-14-4-2025-gao-xuat-khau-giam-3152724.html
Bình luận (0)