Nhận thức đúng vai trò của chương trình giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, huyện Yên Lạc đã triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp về giải quyết việc làm cho người lao động gắn với xóa đói giảm nghèo, góp phần hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Để giảm nghèo hiệu quả, bền vững, những năm qua, huyện Yên Lạc luôn coi trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động - coi đây là chìa khóa giảm nghèo bền vững.
Hằng năm, huyện chỉ đạo Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường huyện phối hợp với các trường dạy nghề trong và ngoài tỉnh như Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc, Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc... tổ chức các lớp dạy nghề thường xuyên cho thanh niên bước vào độ tuổi lao động với các nghề chủ yếu như may mặc, xây dựng, điện kỹ thuật, kỹ thuật trồng nấm, trồng hoa, cây cảnh, nuôi trồng thủy sản, thủ công mỹ nghệ, đan lát... Vì vậy, sau khi học xong, 90% đối tượng học nghề có việc làm thường xuyên.
Trong hỗ trợ chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo, cận nghèo, huyện Yên Lạc xác định hỗ trợ tín dụng cho phát triển sản xuất nông nghiệp là chìa khóa để mở cánh cửa thoát nghèo, bởi sản xuất nông nghiệp nhu cầu vốn không quá lớn, chu kỳ sản xuất ngắn, quay vòng vốn nhanh.
Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... người dân được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, con giống, cây trồng, vật tư nông nghiệp, được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi... từ đó phát triển những mô hình kinh tế có thu nhập cao, bền vững.
Đến hết 31/12/2024, toàn huyện có gần 9.800 lượt khách hàng vay vốn chính sách với tổng dư nợ hơn 600 tỷ đồng. Riêng quý I/2025, có hơn 600 khách hàng vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế với số tiền hơn 33 tỷ đồng; qua đó giúp hơn 2.000 lượt hộ thoát nghèo.
Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng, quan tâm hỗ trợ vốn, máy móc và trang thiết bị cho những lao động làng nghề trên địa bàn nhằm duy trì, phát triển nghề truyền thống, vừa giải quyết việc làm tại chỗ, vừa đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.
Thực hiện Nghị quyết số 201 của HĐND tỉnh về “Một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020”, toàn huyện đã hỗ trợ hơn 510 tấn lúa giống gieo trồng trên 10.208 ha, hơn 44,8 tấn ngô biến đổi gen để gieo trồng 2.243 ha ngô, 400 ha giống cây trồng trong vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa tập trung; 742 ha rau quả hàng hóa an toàn theo hướng VietGAP; hỗ trợ mua 247 máy nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất; hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng mở rộng sản xuất giống lúa mới.
Ngoài ra còn hỗ trợ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo chương trình của tỉnh hơn 1.560 con lợn nái ngoại với tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng, 125 nghìn gà đẻ, 8 bò đực giống… với tổng giá trị gần 1 tỷ đồng…
Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ kịp thời, nhờ đó, lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn huyện phát triển ổn định, cơ cấu giống cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu thị trường, diện tích sản xuất các giống lúa chất lượng tăng lên, dần thay thế các giống lúa cũ kém năng suất, chất lượng. Đặc biệt đã triển khai 5 mô hình khuyến nông- khuyến ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo với tổng số tiền hỗ trợ hơn 200 triệu đồng.
Trong giải quyết việc làm, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH (nay là Phòng Nội vụ) phối hợp với đơn vị chức năng đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân về công tác xuất khẩu lao động; giao chỉ tiêu xuất khẩu lao động đến từng địa phương; phối hợp với các đơn vị chức năng như Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên và các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo tư vấn, tuyên truyền về xuất khẩu lao động.
5 năm gần đây, đã có gần 1.500 lao động xuất khẩu có thời hạn ở nước ngoài, mỗi năm gửi tiền về nước từ 15-20 tỷ đồng, qua đó góp phần xóa đỏi giảm nghèo...
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành chức năng trên địa bàn, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm.
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo; gắn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận vốn vay phát triển kinh tế gia đình; nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.
Huyện cũng chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ giải quyết việc làm qua kênh xuất khẩu lao động. Phấn đấu hết năm 2025, 97% lao động có việc làm thường xuyên; mỗi năm có từ 2.500-3.000 lao động có việc làm mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,5%, hộ cận nghèo còn dưới 1% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2020-2025).
Xuân Nguyễn
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/128637/Giai-quyet-viec-lam-gan-voi-giam-ngheo-ben-vung-o-Yen-Lac
Bình luận (0)