Ngày xuất bản: 2/4/2025
Nhân Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2/4), Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với chuyên gia Lê Thị Phương Hoa - với gần 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt. Bằng tình yêu với trẻ tự kỷ, bà được biết đến là một người tiên phong, cập nhật về phương pháp, cũng là một dịch giả uy tín với nhiều tài liệu giá trị trong lĩnh vực giáo dục đặc thù này.
Chuyên gia Lê Thị Phương Hoa. Ảnh: NVCC
P.V: Với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, bà có thể giới thiệu về hành trình và mong muốn của bản thân khi bước trên con đường này không?
Bà Lê Thị Phương Hoa: Thời sinh viên, trong 6 năm học tập tại Ukraine, tôi có cơ hội chăm sóc các em nhỏ Việt Nam sang học múa ba lê và tôi nhận ra mình thật sự phù hợp với công việc quan tâm, chăm sóc trẻ và mang lại niềm vui cho các em, nhất là những em nhỏ thiệt thòi.
Sau khi về nước và có con, tôi chọn học thêm ngành tâm lý ứng dụng từ xa với Trường Đại học Derby ở Anh để hiểu hơn về con mình. Học đến môn “Tự kỷ, tăng động giảm chú ý và các rối loạn phát triển”, tôi thấy môn học này vô cùng thú vị. Thú vị đến nỗi tôi bị ám ảnh và quyết định tôi sẽ chỉ làm việc với trẻ đặc biệt, quyết định xin vào làm việc tại trung tâm giáo dục đặc biệt duy nhất của nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh ở thời điểm đó. Tuy nhiên, tôi cảm thấy việc dùng phần thưởng và hình phạt theo cách tiếp cận phân tích hành vi mà tôi được học thời đó có vẻ thiếu tôn trọng những đứa trẻ đặc biệt, và không đem lại kết quả bền vững.
Để trẻ tiến bộ, giáo viên mảng giáo dục đặc biệt cần vô cùng kiên nhẫn và yêu thương. Ảnh tư liệu: Diệp Thanh
Ở thời điểm đó, dù đã ngoài 40, tôi tiếp tục học thêm các chương trình liên quan và cập nhật những kiến thức mới về lĩnh vực này. Khi tình cờ xem được một video về cách người ta bắt chước các hành vi của trẻ tự kỷ như là cách để kết nối với chúng, của chương trình the Son Rise - chương trình mà sau này tôi được biết là đã giúp nhiều trẻ tự kỷ phục hồi hoàn toàn, tôi như tìm thấy ánh sáng. Và tôi quyết định mở một doanh nghiệp xã hội với ước nguyện được phục vụ cộng đồng trẻ đặc biệt bằng cách tiếp cận chấp nhận, thấu hiểu và yêu thương. Từ đó đến nay, tôi luôn cảm thấy vô cùng biết ơn vì mình đang đi trên con đường tuyệt vời, hoàn toàn đúng với sở trường, nguyện vọng và đã đào tạo được một đội ngũ chuyên nghiệp, tận tâm, không ngừng học tập, cập nhật và hạnh phúc khi được sẻ chia, giúp đỡ.
American Advocacy Group - tổ chức hỗ trợ, ủng hộ người khuyết tật của Mỹ định nghĩa rằng: “Những người bênh vực tự kỷ là những người tận tâm hỗ trợ và trao quyền cho những người tự kỷ và gia đình họ. Đây là những người có sự hiểu biết sâu sắc về những thách thức mà người tự kỷ gặp phải và làm việc không mệt mỏi để đảm bảo rằng quyền lợi và nhu cầu của người tự kỷ được đáp ứng”. Tôi mong muốn được nhìn nhận như là một người bênh vực trẻ tự kỷ đúng nghĩa.
P.V: Theo bà, nhận thức về tự kỷ đã thay đổi như thế nào trong những năm gần đây?
Bà Lê Thị Phương Hoa: Khi tôi bắt đầu tiếp xúc với trẻ tự kỷ vào năm 2010, nhận thức chung về hội chứng này còn rất hạn chế, cả trên thế giới và ở Việt Nam. Khi đó, người ta thường xem tự kỷ đơn thuần là một dạng rối loạn hành vi, và cách tiếp cận chủ yếu là tìm cách dập tắt những hành vi không mong muốn.
Một chương trình giao lưu dành cho các em nhỏ mắc hội chứng tự kỷ trên địa bàn tỉnh. Ảnh tư liệu: Minh Quân
Tuy nhiên, theo thời gian, các chuyên gia bắt đầu đặt câu hỏi: Tại sao trẻ lại có những hành vi như vậy? Từ đó, họ nhận ra rằng, nhiều hành vi đặc biệt của trẻ tự kỷ xuất phát từ sự rối loạn trong xử lý cảm giác – do cách tiếp nhận thông tin đầu vào khác thường nên trẻ phản ứng theo những cách khác biệt. Điều này đã dẫn đến một hướng tiếp cận mới: Thay vì chỉ tập trung vào hành vi, người ta chú trọng đến việc giúp trẻ điều hòa cảm giác.
Khi tiếp tục đào sâu nghiên cứu, các chuyên gia phát hiện thêm những yếu tố tác động khác, chẳng hạn như độc tố từ môi trường, tình trạng sức khỏe của người mẹ trong thai kỳ… Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh của trẻ. Vì thế, một trong những điều quan trọng trong can thiệp cho trẻ tự kỷ là tạo ra một môi trường sống an lành và an toàn.
Mỗi học thuyết mới ra đời đều đem lại những góc nhìn sâu sắc hơn, và theo thời gian, giáo dục trẻ tự kỷ đã dần trở thành một quá trình giáo dục toàn diện. Thực tế cho thấy, nhiều trẻ tự kỷ đã phục hồi khi các vấn đề cốt lõi của các em được giải quyết một cách toàn diện.
Với tôi, để giáo dục trẻ đặc biệt, điều quan trọng đầu tiên là giáo dục nội tâm cho cha mẹ. Khi cha mẹ có được sự bình an và thấu hiểu, con cái mới có thể phát triển tốt nhất. Bên cạnh đó, các phương pháp trị liệu y sinh cũng đóng vai trò quan trọng, giúp giải quyết những vấn đề bên trong cơ thể, hỗ trợ trẻ tự kỷ trên hành trình phát triển toàn diện.
Giáo viên dạy chữ cho lớp tiền tiểu học tại một trung tâm giáo dục chuyên biệt trên địa bàn TP. Vinh. Ảnh tư liệu: Diệp Thanh
P.V: Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, hiện nay ở nước ta số lượng trẻ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ đang tăng mạnh từng năm. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì?
Bà Lê Thị Phương Hoa: Các nhà nghiên cứu đã có nhiều cách tiếp cận để lý giải nguyên nhân của tự kỷ, trong đó có 2 hướng chính: yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tự kỷ không hoàn toàn bị quyết định bởi 1 trong 2 yếu tố này mà là sự tác động qua lại giữa chúng.
Nhiều nghiên cứu hiện đại cho rằng, tự kỷ có liên quan đến cơ chế ngoại di truyền, tức là cách mà môi trường ảnh hưởng đến sự biểu hiện của gen. Điều này có nghĩa là gen không chỉ tồn tại một cách cố định mà có thể bị “đóng” hoặc “mở” dưới tác động từ môi trường. Chính vì vậy, dù 2 đứa trẻ có thể sống trong cùng 1 môi trường, nhưng do bộ gen khác nhau, mức độ chịu ảnh hưởng cũng không giống nhau.
Trong xã hội ngày nay, ô nhiễm môi trường, căng thẳng, hóa chất độc hại… đều có thể tác động đến gen, gây ra những thay đổi bất lợi và có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến tự kỷ. Theo những tài liệu tôi đã học và nghiên cứu, khi tổng lượng tích tụ các tác nhân này trong cơ thể đạt đến một ngưỡng nhất định – vượt quá khả năng tự điều chỉnh của cơ thể thì hội chứng tự kỷ có thể bùng phát, giống như một “điểm sôi” không thể tránh khỏi.
Khám sàng lọc cho trẻ tự kỷ. Ảnh tư liệu: Minh Quân
P.V: Có thể khẳng định, trong hành trình đồng hành với trẻ tự kỷ, gia đình có vai trò cực kỳ quan trọng phải không, thưa bà?
Bà Lê Thị Phương Hoa: Đúng như vậy. Gia đình đóng vai trò then chốt trong hành trình hỗ trợ trẻ tự kỷ, bởi không có trung tâm nào có thể đồng hành cùng trẻ 24/7. Hơn hết, cha mẹ và người thân là những người gần gũi nhất, có khả năng kéo con từ thế giới riêng về với thế giới xung quanh, giúp con từng bước hòa nhập với cuộc sống.
Thực tế cho thấy, tình yêu thương vô điều kiện của phương pháp Son Rise đã mang lại những thay đổi tích cực cho nhiều gia đình. Khi cha mẹ dành hàng giờ mỗi ngày chơi với con bằng tình yêu thương, thay đổi chế độ ăn uống, điều chỉnh sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe tinh thần, trẻ có thể cải thiện đáng kể. Đã có những trường hợp phục hồi hoàn toàn sau 3-5 năm áp dụng phương pháp này.
Tôi từng hỗ trợ trường hợp của một bé trai không nói gì từ năm 2 tuổi. Gia đình em, sau nhiều phương pháp không hiệu quả, sau khi tiếp cận phương pháp Son Rise, đã quyết định dành 1 năm ở nhà hoàn toàn để chơi với con, vận động giác quan và đồng hành cùng con. Hiện tại, bé đã học lớp 3, khỏe mạnh, thông minh và hoạt ngôn. Đây là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của sự kiên trì và tình yêu thương của gia đình. Đây chỉ là 1 trong hàng trăm ví dụ về những cải thiện từ phương pháp yêu thương.
Một lớp tập huấn nâng cao nhận thức về hội chứng rối loạn phổ tự kỷ cho cán bộ chính sách xã, giáo viên mầm non. Ảnh tư liệu: Minh Quân
P.V: Chương trình can thiệp tại các cơ sở y tế chuyên biệt đã đóng góp như thế nào trong việc hỗ trợ trẻ tự kỷ? Xã hội có thể làm gì để tạo ra một môi trường tốt hơn cho người tự kỷ?
Bà Lê Thị Phương Hoa: Khi trẻ vừa được chẩn đoán tự kỷ, hầu hết cha mẹ đều hoang mang và lo lắng. Lúc này, các cơ sở chuyên biệt đóng vai trò rất quan trọng, giúp định hướng và hỗ trợ trẻ một cách bài bản. Tuy nhiên, giáo dục trẻ đặc biệt là một công việc đầy thách thức, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tâm huyết thực sự. Đây không phải là nghề có thể làm chỉ vì tiền, bởi giáo viên thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn như bị học sinh đánh, cắn, giật tóc, thậm chí dọn vệ sinh cá nhân cho trẻ trưởng thành...
Điều quan trọng là giáo viên cần hiểu đúng và có cách tiếp cận phù hợp. Nếu giáo viên yêu trẻ nhưng vẫn luôn căng thẳng, điều đó có nghĩa là phương pháp hỗ trợ chưa thực sự đúng. Sự bình tâm, niềm vui trong công việc sẽ giúp họ kiên trì đồng hành cùng trẻ. Bên cạnh đó, dù giáo viên có cố gắng đến đâu, nếu cha mẹ không hiểu vai trò của mình và không hạnh phúc, thì sự tiến bộ của trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Trong công việc này, niềm vui của trẻ là niềm vui của chúng tôi, nhưng nỗi buồn của cha mẹ cũng khiến chúng tôi trăn trở gấp nhiều lần.
Nếu thật sự yêu thương, phụ huynh và giáo viên sẽ nhìn nhận mỗi hành vi của trẻ như một cách giao tiếp và đón nhận bằng sự an vui, hoan hỷ. Nếu thực sự yêu thương, không quan trọng trẻ khác biệt thế nào, chúng ta vẫn cứ yêu thương vô điều kiện.
Về phía xã hội, điều quan trọng nhất là hãy dừng sự kỳ thị và hiểu rằng, những hành vi của trẻ tự kỷ là cách các em bảo vệ bản thân. Thay vì trách mắng hay buộc trẻ thay đổi, chúng ta cần bắt đầu bằng sự chấp nhận và yêu thương vô điều kiện. Khi trẻ cảm thấy được tôn trọng, các em mới có thể học cách thích nghi với xã hội theo cách phù hợp với bản thân. Điều này không có nghĩa là chúng ta không dạy trẻ những kỹ năng sống hay hỗ trợ điều trị các vấn đề đi kèm như rối loạn cảm giác và lo âu. Nhưng nếu chúng ta chỉ cố gắng ép trẻ thay đổi mà không tôn trọng sự khác biệt thì vô tình ta đang tước đi quyền được là chính mình của trẻ, đẩy các em vào nỗi tuyệt vọng trong tương lai.
Giáo viên và người hỗ trợ tham gia hoạt động vẽ tranh cùng trẻ tự kỷ. Ảnh: CSCC
Có nhiều phụ huynh từng chia sẻ: Tôi không ngại con tôi tự kỷ, tôi chỉ ngại những ánh nhìn của người khác. Để tạo ra môi trường tốt hơn cho trẻ tự kỷ, chúng ta cần bồi đắp lòng yêu thương, xây dựng một môi trường thân thiện, không gây bất an, nơi trẻ có thể kết nối với thiên nhiên và cảm thấy an toàn.
P.V: Trong nhiều năm gắn bó với giáo dục trẻ tự kỷ, điều gì khiến bà trăn trở và mong muốn thay đổi nhất?
Bà Lê Thị Phương Hoa: Điều tôi mong muốn nhất là xóa bỏ suy nghĩ rằng, “tự kỷ là rối loạn cả đời.” Tôi đã đọc, đã chứng kiến rất nhiều trường hợp mà sự giới hạn không phải nằm ở trẻ, mà ở chính cách nhìn nhận của mọi người xung quanh.
Sau 15 năm làm việc trong lĩnh vực này, tôi đang ấp ủ dự án phòng ngừa tự kỷ, nhằm cung cấp kiến thức sớm cho những người sắp làm cha mẹ. Chúng ta cần trang bị thông tin từ trước khi thụ thai, trong suốt thai kỳ và những năm đầu đời của trẻ. Nếu có sự chuẩn bị tốt về dinh dưỡng, tâm lý và môi trường sống, chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu nguy cơ rối loạn phát triển ở trẻ, giúp các con có khởi đầu khỏe mạnh và cân bằng hơn.
P.V: Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Bà Lê Thị Phương Hoa tốt nghiệp Đại học Bách khoa Kiev - Ukraine (1984-1990); Đại học Derby - Anh ngành Tâm lý ứng dụng (2006-2012); Đại học Công nghệ Florida - Mỹ ngành Phân tích Hành vi Ứng dụng (2012-2015); Chứng chỉ phân tích hành vi BcaBA 2016 và nhiều chứng chỉ chuyên môn khác. Với doanh nghiệp xã hội mang tên “Gánh xiếc Nhà Jù”, bà chia sẻ, cập nhật kiến thức về tự kỷ trên nhiều nền tảng. Đồng thời, bà cũng tham gia dịch nhiều tài liệu liên quan đến giáo dục đặc biệt mà tiêu biểu trong số đó là cuốn “Hành trình vượt lên tự kỷ” của tác giả Patricia S. Lemer - cuốn sách được xem là bách khoa toàn thư trong giáo dục trẻ tự kỷ.
Diệp Thanh (Thực hiện)
ADQuảng cáo
Nguồn: https://baonghean.vn/giao-duc-tre-tu-ky-hanh-trinh-yeu-thuong-vo-dieu-kien-10294249.html
Bình luận (0)