Phổ điểm đẹp không có nghĩa là đề thi tốt
Tối 15.7, sau khi Báo Thanh Niên đăng bài "Chuyên gia nói bất ngờ với những chỉ số đẹp của phổ điểm môn tiếng Anh", thầy Phạm Gia Bảo, giáo viên dạy luyện thi IELTS ở Hà Nội, đã gửi đến báo những ý kiến phản biện.
Theo thầy Bảo, phổ điểm môn thi tiếng Anh đúng là đẹp, nhưng không có nghĩa đề thi tiếng Anh năm nay là một đề thi tốt.
Phổ điểm thi môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
ẢNH: BỘ GD-ĐT
Thầy Bảo chia sẻ: "Phổ điểm đúng là có đẹp thật. Phân bổ khá đều như thế này cho thấy đề thi phân loại thí sinh tốt, nhưng không nhất thiết là do làm đề tốt".
Theo thầy Bảo, vấn đề lớn nhất của đề thi là sự chênh lệch giữa kiến thức có trong chương trình học và kiến thức trong bài thi. Lệch nhau quá nhiều. Thời gian qua, báo chí cũng như cộng đồng mạng cũng đã đăng tải quá nhiều bài viết phản ánh việc ngay cả giáo viên 4 lần thi IELTS được 9.0 còn không làm được 10 điểm, hoặc người bản địa tiếng Anh đã thử làm bài rồi kêu đề thi đánh đố.
Người ra đề đã lẫn lộn giữa khái niệm "đánh giá năng lực ngôn ngữ của học sinh" và "đánh đố học sinh chỉ vì muốn phân loại". Hệ lụy của nó là tạo sự bất công xã hội vì hầu hết các em học sinh điểm cao thì ngoài một bộ phận nhỏ là tài năng, tự học tốt, vốn dĩ có tố chất, còn lại chủ yếu là ở thành phố lớn, nhà có điều kiện cho con đi học thêm. Nếu chỉ chăm chỉ học theo chương trình thì không thể thi nổi điểm cao.
Phổ điểm 1 đỉnh không chắc tốt hơn phổ 2 đỉnh
Thầy Bảo cho rằng: "Chuyên gia của Bộ GD-ĐT nhận định phổ điểm không còn tình trạng 2 đỉnh và mặc nhiên coi đấy là chuyện tốt, theo tôi, nhận định này không hợp lý. Bản thân việc phổ điểm có 2 đỉnh không đủ nói lên đó là đề tốt hay đề dở mà còn phải xem xét bối cảnh".
Theo thầy Bảo, phổ điểm 2 đỉnh có thể là dấu hiệu của một trong các vấn đề sau:
Nếu đề thi quá mất cân đối, kiểu như đề thi có các phần khó một cách bất hợp lý hoặc thiên lệch về dạng bài nào đó thì sẽ dẫn đến việc có một đỉnh ở điểm thấp và một đỉnh ở điểm cao, trong khi dải điểm ở giữa lại rất ít thí sinh đạt được.
Phổ điểm môn tiếng Anh năm nay phân bố chuẩn nhưng không chắc phản ánh đề thi tốt
ẢNH: BỘ GD-ĐT
Chất lượng dạy học không đồng đều: phổ điểm 2 đỉnh đôi khi cho thấy sự chênh lệch quá lớn giữa học sinh các vùng, trường, hoặc điều kiện học tập. Ví dụ, học sinh thành phố học thêm nhiều, luyện đề kỹ thì điểm cao; học sinh vùng sâu khó tiếp cận kiến thức thì điểm thấp.
Nhiều thí sinh gặp may nhờ đoán mò, học tủ: nếu đề thi "trúng tủ" hoặc học sinh luyện thi theo dạng, thì một nhóm làm rất tốt, còn nhóm không học đúng cách lại thất bại cũng sẽ tạo ra 2 đỉnh.
Thầy Bảo nêu câu hỏi, rồi tự trả lời: "Vậy, việc phổ điểm chỉ còn một đỉnh có thực sự là đã giải quyết được các vấn đề trên không?
Việc học sinh đoán mò thì vốn là bản chất của trắc nghiệm, đâu ai có thể nói chỗ nào là học sinh thực sự làm, chỗ nào là các em đoán bừa. Việc chênh lệch điểm giữa thành phố và nông thôn vốn vẫn là vấn đề cố hữu (bản chất của xã hội) đâu có sự thay đổi nào, thậm chí còn thể hiện rõ hơn.
Việc nội dung đề thi tiếng Anh vượt ngoài khuôn khổ chương trình phổ thông vốn đã tồn tại từ hàng chục năm nay chứ không phải là vấn đề mới, chỉ là năm nay đề thi khó nổi bật phản ánh rõ thực trạng này hơn".
Hai vấn đề lớn của dạy học tiếng Anh trong nhà trường
Thầy Bảo cho rằng, giảng dạy tiếng Anh trong trường phổ thông hiện vẫn tồn tại 2 vấn đề khá lớn.
Một là việc dạy trên lớp, đặc biệt là ở trường công, thường không thực sự đủ tốt. Lý do có cả khách quan và chủ quan. Sĩ số học sinh quá lớn. Phổ trình độ học sinh quá rộng, cùng một lớp có em IELTS đã 7.0 hoặc hơn (cao hơn cả giáo viên đứng lớp), có em lại mất gốc.
Dẫu chương trình học được thiết kế khá tốt (đủ cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết) nhưng thực tế giáo viên không thể "gánh" nổi. Các thầy cô chỉ dạy được phần dễ là ngữ pháp. Còn phần từ vựng và giờ là đọc thì phần lớn học sinh như "câm", "điếc" và không biết viết, trừ một số rất ít tự học.
Thứ hai, do thi cử của mình vẫn tồn tại trên giấy và ở dạng trắc nghiệm nên hệ quả là học sinh không cần học nghe, nói, viết, vì học để làm gì khi mà không ảnh hưởng đến điểm thi?
Chưa kể trắc nghiệm dù thiết kế tốt đến mấy vẫn không loại trừ được học sinh học mẹo mực hoặc làm bừa.
Đây là lý do khiến các kỳ thi quốc tế như IELTS và nhiều kỳ thi khác có uy tín hơn, được xem là tin cậy hơn. Không chỉ vì chất lượng những kỳ thi đó ổn định (ít tồn tại tình trạng đợt thi trước khó hẳn, đợt thi sau dễ hẳn) mà còn bởi dạng bài thi của họ ít trắc nghiệm và phản ánh năng lực ngôn ngữ chính xác hơn.
Cần thay đổi để tránh phí phạm nguồn lực xã hội
Thầy Bảo nói: "Quay lại với bài thi tốt nghiệp THPT của ta, đến giờ thí sinh vẫn chưa phải làm bài nghe, một kỹ năng rất cơ bản, thì làm sao có thể đánh giá được "năng lực ngôn ngữ" của người học?
Đành rằng việc triển khai thiết bị và hậu cần là phức tạp và tốn kém, nhưng nếu mục tiêu thực sự là nâng cao chất lượng giáo dục, cụ thể ở đây là ngôn ngữ, không chỉ tiếng Anh mà ngoại ngữ nói chung, thì hướng đi phải là như vậy. Giờ cứ ngồi phân tích phổ điểm hay tranh cãi bài đọc này có câu khó hay dễ là đi sai hướng".
Cũng theo thầy Bảo, ưu điểm của đề thi môn tiếng Anh năm nay là đã có sự thay đổi, bớt dạng câu hỏi đánh đố về từ vựng, ngữ pháp. Việc bài thi đã chú trọng đọc hiểu thực sự có ích cho người học không chỉ ở góc độ học tập mà còn tạo cho các em kỹ năng có ích lâu dài trong cuộc sống thực tế là đọc hiểu thông tin ngoài đời thực.
Đề thi thay đổi đúng hướng (giảm đánh đố, tập trung đọc hiểu nhiều hơn), nhưng Bộ GD-ĐT tập trung quá nhiều vào việc có nhiều điểm 9, điểm 10, hay phổ điểm hình gì, mà không nhìn nhận xem kỳ thi đã có thể thực sự phản ánh năng lực ngôn ngữ của học sinh chưa!
Kỳ thi không chỉ là một bài kiểm tra đánh giá năng lực của học sinh mà trên thực tế nó còn là đích đến của các em. Điểm số của bài thi ảnh hưởng đến quá trình xét tuyển ĐH của các em. Nếu đề thi tốt thì các các em sẽ cố gắng luyện được kỹ năng tốt (nghe, nói, đọc, viết).
Còn đề thi dở thì chỉ khiến học sinh mất thời gian ôn luyện, trong khi kỹ năng vẫn bị phát triển lệch hoặc không có tính ứng dụng thực tế. Điều này gây phí phạm nguồn lực, tiền bạc của xã hội mà hiệu quả thực tế kém.
Nguồn: https://thanhnien.vn/giao-vien-luyen-thi-ielts-phan-bien-ve-danh-gia-pho-diem-mon-tieng-anh-dep-185250715220508183.htm
Bình luận (0)