Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thời gian qua các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều hoạt động như tổ chức các phong trào nghệ thuật quần chúng; tăng cường truyền dạy về văn hóa truyền thống qua các lớp ngắn hạn, chuyên nghiệp tại các trường học; các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ du lịch, quảng bá văn hóa dân tộc trong và ngoài nước; các dự án…
Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719 (gọi tắt là Dự án 6) được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh từ năm 2022 đã đem lại nhiều giá trị cho địa phương được thụ hưởng.
Ở huyện Lắk, đến nay nhiều hoạt động đã thực hiện, đó là cải tạo nâng cấp, mở rộng Nhà văn hóa buôn Sruông (xã Bông Krang); xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu buôn Jun (thị trấn Liên Sơn); tổ chức lớp truyền dạy nghề thủ công truyền thống đan lát, lớp truyền dạy kỹ năng cơ bản đánh chiêng và dân vũ (xã Yang Tao); nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy nghề làm gốm thủ công dân tộc M’nông (buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao); tổ chức lễ cúng bến nước của người M’nông tại buôn Jun (thị trấn Liên Sơn); hỗ trợ hoạt động cho hai đội văn nghệ truyền thống tại buôn Cuôr Tăk (xã Yang Tao và buôn T’lông (xã Đắk Phơi)…
Giao lưu nhảy sạp trong ngày hội Chợ tình Ea Siên (thị xã Buôn Hồ). |
Một trong những hoạt động đạt hiệu quả rõ rệt là công tác nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy nghề làm gốm thủ công dân tộc M’nông (buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao). Năm 2024, từ nguồn kinh phí của Dự án 6, hơn 20 phụ nữ M’nông ở buôn Dơng Bắk đã được truyền dạy nghề gốm truyền thống, từ đó vừa giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân vừa bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống.
Đội ngũ nghệ nhân làm gốm cả già và trẻ, không chỉ thực hành, trình diễn nghề truyền thống này tại địa phương mà còn thường xuyên tham gia các chương trình văn hóa, giao lưu, xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài tỉnh, được rất nhiều người yêu thích. Nghệ nhân H’Phiết Uông (xã Yang Tao, huyện Lắk) tâm sự: “Khi được đi trình diễn như vậy rất vui, nhiều người yêu mến sự mộc mạc, đơn sơ của gốm chúng tôi làm và cả cách làm độc đáo nữa…”. Qua nhiều nỗ lực, giữ gìn và phát huy, nghề làm gốm của người M'nông, xã Yang Tao (huyện Lắk) đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, việc triển khai Dự án 6 những năm qua có thể nói là một giải pháp hữu hiệu để ngành văn hóa và các địa phương thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số một cách hiệu quả; đang tạo ra động lực để các giá trị này ngày càng lan tỏa, đi vào thực tế.
Ngoài Dự án 6, tại địa phương, hằng năm, các cấp cơ sở đều tổ chức giao lưu, liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, liên hoan nghệ thuật quần chúng... Việc giao lưu văn hóa này còn mở rộng giữa các dân tộc trong tỉnh với các địa phương khác trong cả nước.
Hai thế hệ biểu diễn tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 3. |
Với Không gian Văn hóa cồng chiêng, sau nhiều năm tập trung bảo tồn, vận động đầu tư phát triển, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, từ nhiều nguồn kinh phí, dự án, ngành văn hóa đã cấp hơn 200 bộ chiêng, 986 bộ trang phục truyền thống cho các buôn đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức hơn 130 lớp truyền dạy đánh chiêng; phục dựng được trên 140 nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với cồng chiêng; tổ chức biểu diễn định kỳ chương trình văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, cùng nhiều hoạt động liên quan đến bảo tồn văn hóa cồng chiêng.
Trong đó, việc truyền dạy cho thế hệ trẻ rất được quan tâm, hỗ trợ. Trong năm 2022 – 2023, với nguồn kinh phí tài trợ của Trung tâm hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) đã tổ chức 11 lớp truyền dạy cồng chiêng cho sinh viên, đồng bào dân tộc thiểu số tại Trường Đại học Tây Nguyên; các huyện Krông Ana, Lắk, Ea H’leo, Krông Búk, mỗi lớp có từ 20 - 25 học viên… Từ nguồn này đã thành lập được 50 câu lạc bộ cồng chiêng, đội chiêng truyền thống tại các thôn, buôn; qua đó, nâng cao ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ.
Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202504/gin-giu-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-f310fdd/
Bình luận (0)