Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tôn vinh, lan tỏa các giá trị nhân văn

Chuỗi hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật nhân các sự kiện lớn của tỉnh từ đầu năm đến nay như Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025; 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk, hướng tới 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… đã tạo không khí phấn khởi trong đời sống nhân dân; khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của VHNT Đắk Lắk trong thời kỳ mới.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk21/04/2025

Những năm tháng sau ngày giải phóng, giữa lúc đời sống nhân dân vô cùng khó khăn và gian khổ thì các tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) đã cổ vũ, động viên tinh thần, thể hiện tiếng lòng, hơi thở cuộc sống của người dân các dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng. Khi đời sống người dân dần ổn định, phát triển, các văn nghệ sĩ đã tìm tòi, sáng tạo, bám sát hơi thở cuộc sống; lăn lộn với thực tế, bằng ngòi bút, trang giấy, những nốt nhạc, lời ca, chiếc máy ảnh... không ngừng lao động, sáng tạo ra nhiều tác phẩm VHNT mang màu sắc tươi mới.

Biểu diễn ca kịch "Khát vọng Dam Săn". Ảnh: Nguyễn Gia

Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, các văn nghệ sĩ đã và đang sáng tạo để có nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao về tư tưởng - nghệ thuật. Nối tiếp các thế hệ nghệ sĩ gạo cội và tài năng của những ngày đầu, các văn nghệ sĩ ở thế hệ kế tiếp đã từng bước khẳng định được hướng đi với nhiều tác phẩm nghệ thuật bám sát đời sống các dân tộc Tây Nguyên, nêu bật nét đặc trưng của vùng đất, con người và bản sắc văn hóa, được công chúng đánh giá cao, đã đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Bên cạnh các nội dung sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng, nhiều tác phẩm văn học, sáng tác về đề tài đời sống các dân tộc khá phong phú và sâu sắc. VHNT từng bước bắt nhịp với đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, ca ngợi cái mới, cái tốt đẹp, đồng thời phê phán cái xấu, cái lạc hậu và cái ác...

Hội VHNT Đắk Lắk thường xuyên tổ chức những chuyến đi thực tế sáng tác, trại sáng tác về các buôn làng, vùng sâu, vùng xa. Thông qua việc gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu đời sống, tâm tư, tình cảm của người dân ở đó để các văn nghệ sĩ có thêm cảm xúc, cảm hứng sáng tạo tác phẩm. Không những thế, các văn nghệ sĩ còn chủ động thâm nhập thực tế, trải nghiệm cuộc sống cùng người dân để tạo nên những tác phẩm đa dạng, có chiều sâu, đặc biệt hướng đến những tác phẩm về tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Các tác phẩm không chỉ phong phú về thể loại, nội dung, có sự đổi mới về hình thức, gần gũi với thực tế cuộc sống mà nhiều tác phẩm có chất lượng cao, góp phần làm nên diện mạo văn hóa của một vùng đất.

Trên mặt trận tư tưởng, đội ngũ văn nghệ sĩ luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị. VHNT Đắk Lắk kịp thời tôn vinh, lan tỏa các giá trị nhân văn, sống hài hòa với thiên nhiên; nêu cao tính đoàn kết, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, đấu tranh chống các tư tưởng, quan điểm sai trái...

Công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản VHNT các dân tộc được đặc biệt quan tâm; các hoạt động văn hóa, văn nghệ phong trào phát triển sâu rộng, thu hút ngày càng đông cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Nhiều chương trình nghệ thuật, chiếu phim lưu động, giao lưu văn hóa văn nghệ phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đã được tổ chức nhân dịp các ngày lễ của đất nước, của tỉnh. Các địa phương trong tỉnh tổ chức lễ hội, ngày hội văn hóa vào các dịp đầu xuân năm mới, cũng như theo phong tục tập quán của đồng bào địa phương, được bà con nhân dân phấn khởi hưởng ứng với nhiều nội dung: thi văn nghệ dân gian, dân ca, dân vũ, diễn tấu nhạc cụ truyền thống, thi ẩm thực, dệt thổ cẩm, đan lát và tổ chức lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc... Đây là dịp để đồng bào các dân tộc trên địa bàn được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Từ đó, tăng cường sự đoàn kết và lòng tự hào dân tộc, xây dựng một cộng đồng vững mạnh và phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung thăm quan khu trưng bày ảnh nghệ thuật tại một hội nghị.

Thực tế cho thấy, VHNT đã và đang ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Mỗi chương trình, tác phẩm không chỉ góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp, làm giàu thêm đời sống văn hóa tinh thần của con người mà còn là sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo nên một xã hội hòa hợp, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc.

Trước thực tế và yêu cầu của giai đoạn mới, cùng với đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước, VHNT Đắk Lắk hướng đến mục tiêu phát triển gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nỗ lực khôi phục cái hay, vốn quý của văn hóa các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên; từng bước đưa VHNT sáng tác về dân tộc và vùng đất Đắk Lắk về với cơ sở, buôn làng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số…

Cùng với đó, việc xây dựng chiến lược và kế hoạch để phát triển VHNT Đắk Lắk theo hướng tiếp cận của công nghiệp văn hóa sẽ giúp VHNT có sức sống mới, gần gũi hơn với nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân.

Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202504/ton-vinh-lan-toa-cac-gia-tri-nhan-van-af00fa6/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm