Từ đầu năm 2025 đến nay, tình trạng mưa trái mùa bất ngờ xảy ra ở nhiều vùng trồng sầu riêng như thị xã Buôn Hồ, các huyện Krông Pắc, Krông Năng, Ea H'leo. Thời điểm này, cây sầu riêng đang trong giai đoạn phân hóa mầm hoa (ra mắt cua), mưa đầu mùa lại thường mang theo axit và tạo điều kiện cho nấm, khuẩn phát triển, gây ra tình trạng mắt cua bị đen, khô và không phát triển thành hoa. Nhiều chủ vườn lo lắng phải làm lại đợt hoa khác, ảnh hưởng đến thời vụ và năng suất. Bên cạnh đó, những ngày lạnh kéo dài xen kẽ các đợt mưa trái mùa đã khiến hoa sầu riêng yếu và tỷ lệ đậu trái thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Vùng trồng sầu riêng bị ảnh hưởng nặng nhất là huyện Krông Pắc - "thủ phủ" sầu riêng của Đắk Lắk. Nhiều nông dân trồng sầu riêng lâu năm dự báo khả năng giảm đến 30% sản lượng nếu không có những biện pháp canh tác và ứng phó linh hoạt để giảm thiểu thiệt hại.
Mưa trái mùa gây nấm bệnh cho vườn cây sầu riêng của nông dân trên địa bàn huyện Krông Pắc. |
Gia đình ông Hướng Viết Thời (thôn Thanh Xuân, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) có 2 ha sầu riêng, năm ngoái thu bói được 7 tấn, năm nay kỳ vọng vườn sẽ cho sản lượng gấp đôi. Tuy nhiên, thời tiết năm nay biến đổi khó lường, nhất là có nhiều trận mưa trái vụ vào đúng thời điểm nhà vườn đang "siết" nước để nuôi hoa khiến gia đình ông Thời lo lắng sẽ không đạt như kỳ vọng. Ông Thời cho hay, mọi năm vườn cây hoa xổ nhụy, trái lớn thì mới bắt đầu bước vào mùa mưa nhưng năm nay hoa chưa kịp xổ thì đã có vài trận mưa khiến vườn cây không "siết" nước được, hoa ra không đồng loạt mà chia thành 3 – 4 đợt, việc áp dụng kỹ thuật vào vườn cây gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, mưa trái vụ vừa mang axit, vừa tạo ẩm ướt, làm xuất hiện nấm bệnh tấn công vườn cây… Dự kiến năng suất sẽ giảm khoảng 30% và chi phí đầu tư cũng sẽ tăng lên gần gấp đôi vì phải tăng chi phí để xử lý vườn cây. Hiện gia đình ông đang theo dõi diễn biến của thời tiết để ứng phó, chờ vườn cây xổ nhụy xong mới tiến hành phun thuốc trị bệnh cho vườn cây.
TS. Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên khuyến cáo: Giải pháp lâu dài, bền vững là người trồng sầu riêng cần chú trọng đến "sức khỏe" vườn cây bởi khi vườn cây có "sức khỏe" tốt thì nó sẽ có sức chống chọi tốt hơn với những điều kiện bất thuận. |
Còn ông Tần Đình Thập (thôn Thanh Xuân, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) lo lắng cho biết, gia đình ông sống ở đây từ năm 1987 nhưng chưa có năm nào người dân trồng sầu riêng đối mặt với nhiều khó khăn do bất ổn của thời tiết như năm nay. Những đợt lạnh và mưa trái vụ đã ảnh hưởng trực tiếp đến vườn sầu riêng khiến vườn cây ra hoa không đồng loạt. Không chỉ hoa, những cây sầu riêng đã kịp đậu trái non cũng đang phải đối mặt với nguy cơ rụng hàng loạt do sự thay đổi đột ngột của thời tiết. Những cơn mưa lớn bất chợt, xen kẽ với những ngày nắng gắt đã tạo ra sự "sốc" nước, khiến trái non không kịp thích nghi, dần úng và rụng.
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều nông hộ trồng sầu riêng đang tìm mọi cách ứng phó như tăng cường hệ thống tưới tiêu chủ động, bón phân cân đối để tăng sức đề kháng cho cây, theo dõi sát sao thông tin dự báo thời tiết để có những biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) tổ chức hướng dẫn nông dân kỹ thuật xử lý vườn cây bị ảnh hưởng do thời tiết. |
Ông Hướng Viết Lợi (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) chia sẻ, hiện gia đình có 4 ha sầu riêng, mặc dù đã trồng sầu riêng hơn 10 năm nay nhưng chưa năm nào gặp tình hình thời tiết như hiện nay. Hiện nay, trên mỗi cây sầu riêng trong vườn có ít nhất ba lớp hoa, điều này cũng đồng nghĩa với việc thời vụ thu hoạch sẽ kéo dài đến hai tháng thay vì một tháng như trước đây và cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quy trình chăm sóc vườn cây sau thu hoạch, chi phí đầu tư cũng tăng lên gấp đôi. Hiện tại, gia đình ông đang theo dõi sát thời tiết và tùy theo tình hình trên vườn cây để áp dụng các giải pháp kỹ thuật, cũng như sử dụng các loại phân, thuốc phù hợp.
Theo ông Mai Đình Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp sạch (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc), hiện gần 200 ha sầu riêng của các thành viên HTX đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất do biến đổi bất thường của thời tiết. Trước tình hình trên, lãnh đạo HTX đã mời các nhà khoa học về tư vấn, trao đổi với bà con để tìm ra giải pháp kỹ thuật xử lý phù hợp nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng vườn cây, cũng như tránh tình trạng lạm dụng phân, thuốc trong quá trình xử lý. Về lâu dài, HTX sẽ khuyến khích các thành viên ứng dụng công nghệ số vào sản xuất cho toàn bộ diện tích để hạn chế tác động tiêu cực của thời tiết đến năng suất, chất lượng vườn cây.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, sầu riêng là loại cây trồng rất mẫn cảm với sự thay đổi của thời tiết, đặc biệt là trong giai đoạn chăm sóc hoa, quả non. Để hạn chế tác động xấu đến năng suất, người dân phải thường xuyên theo dõi vườn cây và trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây. Người dân phải biết áp dụng kết hợp hài hòa giữa quy trình khuyến cáo và kinh nghiệm, điều kiện thời tiết cụ thể từng giai đoạn để sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh hại phù hợp.
Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202504/nong-dan-trong-sau-rieng-thap-thom-boi-ong-troi-6c9139c/
Bình luận (0)