Nhà bà Thị Kiều Oanh (ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Lộc) cùng hàng xóm kè bờ sông giữ đất, tạo cảnh quan xanh mát trước nhà
Chiều muộn, nhóm 5 người đang thi công bờ kè tại ấp Tân Bình, xã Châu Thành vẫn miệt mài đóng cọc, kéo dây, chằng rào tre, khép kín mé sông. Một trong những người trong nhóm, ông Lê Văn Hiền cho biết: “Công việc này chúng tôi làm đã vài năm, nhưng từ đầu năm 2025 đến nay nhận thi công nhiều hơn. Riêng đoạn sông từ chợ Giục Tượng (xã Châu Thành) đến chợ Bàn Tân Định (xã Giồng Riềng), chúng tôi đã thực hiện 8 công trình”. Theo ông Hiền, công trình thứ 8 trên tuyến sông này mà nhóm ông đang thực hiện có chiều dài 48m. Bờ kè được làm bằng rào tre kết hợp lưới, dây chằng. Cọc tre được cắm tùy theo độ sâu, từ 1,4 đến hơn 2,2m, với giá 350.000 đồng/m.
Đứng quan sát công trình với ý định thuê thi công 15m đất kè trước nhà, bà Nguyễn Thu Trang (cùng ngụ ấp Tân Bình) nói: “2 năm trước, thấy sạt lở lan tới mép lộ, tôi thuê người cắm cọc rào tạm và múc đất lên, nhưng do làm sơ sài, không chắc chắn, nên phần đất đó đã bị lở nhiều hơn. Thấy nhóm này cắm cọc tre, kéo lưới bài bản, tôi yên tâm hơn, nên định kêu họ làm phần đất nhà tôi vào tuần sau”.
Bà Thị Kiều Oanh (ngụ ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Lộc) kể: “2 năm trước, tôi có làm mô hình kè khoảng 10m dọc bờ kênh, chi phí khoảng 2,8 triệu đồng, cộng vài trăm ngàn tiền múc đất. Sau đó, tôi trồng rau lên phần đất này và có thu nhập khá. Thấy hiệu quả, tôi bàn với hàng xóm cùng làm thêm bằng cọc bê-tông”. Theo bà Oanh, việc làm bờ kè không chỉ giúp chống sạt lở, giữ đất, mà còn có thể tận dụng để trồng cây, tạo bóng mát quanh nhà. Bà và hàng xóm sau đó tiếp tục đổ cọc, làm kè bảo vệ thêm hơn 5m đất ven sông. “Giờ thì tôi đã yên tâm vì phần đất ổn định, cây dừa trồng trên đó cũng đã lớn, tạo bóng mát, nhìn rất đẹp. Nếu ai cũng làm kè sinh thái như vậy, thì tuyến sông này sẽ xanh mướt, đẹp mắt hơn nhiều” - bà Oanh chia sẻ.
Nhận thấy đoạn sông gần nhà nằm ngay khúc cua, thường xuyên bị sạt lở, gia đình ông Đỗ Ngọc Lợi (ngụ ấp Hòa Bình, xã Hòa Thuận) đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để thuê máy ép cọc, làm kè bê-tông. Công trình dài hơn 200m, đến nay đã ổn định phần chân kè. Khi phù sa phủ dày, ông Lợi sẽ múc đất đổ lên và trồng cây ăn trái. Ông Lợi nói: “Con tôi thấy đất lở tiếc quá, nên muốn làm kè để vừa giữ đất, vừa trồng cây ăn trái, tạo bóng mát và có thu hoạch sau này. Tôi đã đặt mua giống dừa xiêm xanh lùn từ hàng xóm, trồng chủ yếu để lấy bóng mát và cho trái”.
Cùng suy nghĩ như ông Lợi, ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ ấp Hòa Sơn, xã Hòa Thuận) mua tràm thân nhỏ, thuê nhân công cắm rào, sử dụng thân cây dừa để gia cố lại mé sông trước nhà, vừa giữ đất vừa tạo cảnh quan xanh mát. “Làm như vậy không chỉ giữ đất, mà còn có thể tạo sinh kế, nếu biết tận dụng đất để trồng rau màu, cây cối. Hơn nữa, đất quanh nhà ngay ngắn, xanh mát còn thể hiện nếp sống, dạy con cháu biết giữ gìn đất đai do ông cha để lại” - ông Tuấn chia sẻ.
Đội thi công công trình kè bờ sông của anh Lê Văn Hiền (ấp Hòa Thuận, xã Bình An) đang thi công bờ kè tại ấp Tân Bình, xã Châu Thành
Thi công nhiều công trình bờ kè trong những năm qua, anh Danh Nhựt (ngụ ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Hưng) cho biết: “Làm kè sông, trước tiên phải khảo sát mực nước, xác định độ sâu vị trí kè. Sau đó, gia cố một hàng cừ tràm, tre cách bờ kênh 2 - 3m tùy vị trí sạt lở. Lưới cước giúp giữ phù sa, chắn sóng. Khi gia cố xong, chủ đất có thể đắp đất vào và trồng cây lên để tận dụng”.
Theo anh Nhựt, trên phần đất đã kè, tốt nhất nên trồng các loại cây có khả năng chắn sóng và cho giá trị kinh tế sau 3 - 4 năm như dừa, cà na. Riêng với đặc điểm địa hình sông nước vùng Tây sông Hậu, cây bần cũng là lựa chọn thích hợp, vừa chống sạt lở, vừa ổn định mé sông.
MỘC TRÀ
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/giu-dat-tao-canh-quan-a423737.html
Bình luận (0)