Mục tiêu cuối cùng là hình thành các đơn vị hành chính có quy mô hợp lý hơn, phát huy thế mạnh liên kết vùng và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tổ chức, hành chính và phát triển, một yêu cầu mang tính nền tảng đang đặt ra, đó là làm thế nào để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa trong quá trình địa giới hành chính thay đổi. Đây không phải là vấn đề phụ trợ, mà là một phần không thể tách rời của chiến lược phát triển toàn diện, hài hòa và bền vững. Bởi lẽ, văn hóa là gốc rễ, là hồn cốt của mỗi địa phương; mất đi hoặc làm mờ nhòa bản sắc cũng đồng nghĩa với việc mất đi nền tảng mềm của sự phát triển bền vững.
Thực tiễn cho thấy, văn hóa không bị giới hạn bởi bản đồ hành chính, nhưng lại chịu tác động trực tiếp từ cơ chế chính sách, bộ máy quản lý và năng lực tổ chức thực thi của chính quyền địa phương cụ thể.
Nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Đờn ca tài tử Nam Bộ; Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ; Nghệ thuật làm gốm của người Chăm; Nghệ thuật Xòe Thái… đều gắn liền với không gian cộng đồng cụ thể, với các thiết chế văn hóa, tập quán xã hội và truyền thống thực hành lâu đời.
Do vậy, một vấn đề đặt ra, khi sáp nhập một số tỉnh, thành phố, thì liệu các chính sách bảo tồn văn hóa trước đó có nguy cơ bị đứt đoạn, hoặc không còn được ưu tiên đúng mức trong cơ cấu mới hay không.
Lễ mừng lúa mới ở buôn Ea H'đing, xã Ea H'đing (huyện Cư M'gar). |
Trong quá trình sáp nhập các xã, khi lấy ý kiến Nhân dân, không ít cử tri đã bày tỏ tâm tư về việc mất tên gọi truyền thống, mất lễ hội địa phương, mất “hồn quê” trong cách đặt tên mới, dẫn đến tâm lý băn khoăn với sự thay đổi. Với cấp tỉnh, tác động có lẽ sẽ còn sâu sắc hơn, không chỉ về tâm lý xã hội, mà cả ở cấp độ chính sách. Việc sáp nhập tỉnh – dù không làm biến mất di sản – nhưng nếu không có sự tiếp nối chính sách, rất dễ khiến các giá trị này bị suy giảm ảnh hưởng, thiếu địa chỉ quản lý hoặc mờ nhạt trong quy hoạch tổng thể.
Từ góc độ tích cực, nếu được tổ chức bài bản, quá trình sáp nhập hoàn toàn có thể mở ra không gian văn hóa mới, phong phú và liên kết hơn. Đây cũng là thời điểm để các địa phương đánh giá lại hiện trạng thiết chế, điều chỉnh chính sách bảo tồn cho phù hợp với bối cảnh hiện đại, đồng thời tạo điều kiện để các giá trị di sản bản địa được giao thoa, lan tỏa. Tuy nhiên, điều kiện để đạt được sự chuyển hóa tích cực này là phải lồng ghép văn hóa như một thành tố chính trong quy hoạch hành chính, thay vì chỉ xem là vấn đề phụ thuộc sau cùng.
Tái cấu trúc hành chính là chủ trương đúng đắn, cấp bách, thiết thực. Giữ gìn văn hóa trong tái cấu trúc là giữ cho từng vùng đất một bản sắc riêng trong tiến trình đổi mới – để quá khứ không bị lãng quên, hiện tại không bị hòa tan và tương lai được định hình trên nền tảng vững chắc, sâu bền…
Nguồn: https://baodaklak.vn/chinh-tri/202505/giu-gin-ban-sac-van-hoa-trong-tai-cau-truc-hanh-chinh-4c41d0f/
Bình luận (0)