Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gỡ điểm nghẽn mô hình đại học hai cấp

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, mô hình đại học hai cấp đang gặp những khó khăn, vướng mắc. Các chuyên gia kỳ vọng, khi sửa đổi Luật Giáo dục đại học có thể tháo gỡ điểm nghẽn này.

Báo Giáo dục và Thời đạiBáo Giáo dục và Thời đại13/07/2025

Khó với đối tác nước ngoài

Theo báo cáo đánh giá tác động của chính sách Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), Bộ GD&ĐT nhìn nhận, về tổ chức và quản trị cơ sở giáo dục đại học, Luật Giáo dục đại học hiện hành quy định các đơn vị trực thuộc cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân gây khó khăn, phức tạp và rủi ro trong tổ chức và quản lý cơ sở giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, quy định về tổ chức đại học có trường đại học thành viên (mô hình hai cấp) còn nhiều bất cập, đặc biệt khi thực hiện cơ chế tự chủ. Do đó, một trong những nội dung được đưa vào Luật Giáo dục đại học sửa đổi là tăng cường tự chủ, nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở giáo dục đại học và hiệu lực quản lý Nhà nước. Qua đó, nhằm giải quyết các vấn đề về thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học; hiệu quả hoạt động của mô hình đại học hai cấp (có trường thành viên, đơn vị trực thuộc)...

Nhất trí với đánh giá của Bộ GD&ĐT về việc mô hình này đang gặp những vướng mắc, GS.TSKH Vũ Hoàng Linh - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, với người làm chuyên môn, khó nhất của mô hình đại học hai cấp không phải về mặt quản lý, mà ở việc giải thích khi làm việc với đối tác nước ngoài.

“Khi chúng tôi giới thiệu là University (đại học), ở trên lại có một University nữa. Nước ngoài không hiểu giáo dục đại học Việt Nam thế nào mà lại có “university trong university”, GS.TSKH Vũ Hoàng Linh bày tỏ và cho rằng, đã đến lúc rà soát lại một số nội dung liên quan đến mô hình đại học hai cấp.

Liên quan đến vấn đề Hội đồng trường trong cơ sở giáo dục đại học, GS.TSKH Vũ Hoàng Linh nhấn mạnh, đây là mô hình quản trị phù hợp trong quá trình tự chủ của các trường, nhưng cần có quy định để hoạt động đi vào thực chất, có đóng góp nhiều hơn. Hiện, nhiều cơ sở giáo dục đại học, Hội đồng trường còn ở mức độ hình thức, chưa thực nắm vai trò quản trị.

go-diem-nghen-mo-hinh-dai-hoc-hai-cap-3.jpg
Sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội). Ảnh: NTCC

Bất cập ở đâu?

Ở Việt Nam hiện có mô hình đại học quốc gia, đại học vùng. PGS.TS Bùi Xuân Hải - Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng nhận thấy, những năm qua, nhiều khoa của hai đại học này phát triển thành trường thành viên. Có những trường quy mô nhỏ, với hơn 100 giảng viên, vài nghìn sinh viên. “Khi nói chuyện với giáo sư nước ngoài, họ thường hỏi về mô hình đại học hai cấp của chúng ta hoạt động ra sao?”, PGS.TS Bùi Xuân Hải chia sẻ.

Về mặt quản lý Nhà nước, Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng cho rằng, nếu xác định các trường thành viên là cơ sở giáo dục đại học, thì cần để họ tự chủ như các trường độc lập khác, để các trường thành viên có thể phát triển tốt hơn. Chúng ta không thể xếp ngang hàng cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam gồm từ đại học quốc gia, đại học vùng, đại học, trường đại học, học viện.

“Tôi ủng hộ ý kiến phát triển thành đại học nhưng bên trong là các trường (trường học hay cao đẳng), không thể “một pháp nhân nằm trong pháp nhân”, PGS.TS Bùi Xuân Hải bày tỏ.

Theo Luật Giáo dục đại học năm 2018, trường đại học và đại học là hai khái niệm khác nhau. Trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Trong khi đại học sẽ đào tạo trên nhiều lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có nhiều ngành. Do đó, đại học sẽ bao gồm các trường đại học.

Hiện, cả nước có 10 đại học, trong đó có 5 đại học quốc gia và vùng. Phân tích, mô hình trường đại học trong đại học, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, triển khai Nghị quyết TW4 (Khóa 7), Nhà nước chủ trương xây dựng các đại học đa lĩnh vực.

Trong 2 năm 1993 và 1994, lần lượt 5 đại học đa lĩnh vực, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng được thành lập, dựa trên nguyên tắc gom một số cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành trên cùng một địa bàn lại với nhau.

Như đề xuất ban đầu từ Đề án quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học do Bộ GD&ĐT trình lên Hội đồng Bộ trưởng (tức Chính phủ) từ năm 1992, tất cả đại học đa lĩnh vực phải được tổ chức như chỉnh thể thống nhất, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, với một hệ thống quản trị 3 cấp: Đại học (University), trường (College) và khoa (Department), tức là theo mô hình các University của Mỹ.

Tuy nhiên, quá trình triển khai, TS Lê Viết Khuyến nhận thấy, vì nhiều lý do, cấu trúc 3 cấp là trường - khoa - bộ môn (kiểu quản trị của Liên Xô cũ) về căn bản vẫn được giữ nguyên ở các trường thành viên. Còn tại các đại học đa lĩnh vực đều có cấu trúc 4 cấp: Đại học - trường - khoa - bộ môn.

Để giữ được vị thế vốn từng là trường đại học độc lập, các trường thành viên khi chuyển ngữ cấu trúc 4 cấp trên qua tiếng Anh thường sử dụng mô hình: University - University - Faculty - Department, gây ra sự hiểu lầm trong các đồng nghiệp nước ngoài. Họ cho rằng, các đại học đa lĩnh vực ở Việt Nam là các tập đoàn đại học.

Theo TS Lê Viết Khuyến, đại học đa lĩnh vực phải được tổ chức như một chỉnh thể thống nhất, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, với một hệ thống quản trị 3 cấp: Đại học (University), trường (College) và khoa (Department). Cấp trường nằm trong University, hoàn toàn không được xem như một trường đại học độc lập.

Luật Giáo dục đại học 2012 lại gọi đại học đa lĩnh vực là mô hình đại học hai cấp (University trong University), hay mô hình đại học mẹ - đại học con. Thực chất đây là mô hình liên hiệp các trường đại học chuyên ngành với 4 cấp quản lý: Đại học - trường đại học - khoa - bộ môn.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc gom một số cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành thành đại học nhằm phát huy sức mạnh của các đơn vị thành viên, cùng chia sẻ trí tuệ, chất xám. Tuy nhiên, việc này chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Các trường thành viên trong đại học đa lĩnh vực có quyền tự chủ cao nên hoạt động gần như độc lập, không phối hợp với nhau, trước hết về mặt đào tạo. Do đó, không thể hiện được sức mạnh tổng hợp của mình như những đại học đa lĩnh vực đích thực.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản, pháp quy còn một số bất cập: Đại học không được xem là một chỉnh thể thống nhất, Hội đồng đại học không phù hợp với tinh thần tự chủ đại học; các trường thành viên được Nhà nước công nhận có tư cách gần như một trường đại học độc lập. Điều này vô hình trung làm vô hiệu hóa cấp đại học, mất đi sức mạnh tổng hợp vốn có của một đại học đa lĩnh vực.

“Trong quá khứ, không ít trường thành viên đòi tách ra độc lập khỏi đại học vùng”, TS Lê Viết Khuyến chia sẻ và mong muốn, tới đây khi sửa Luật Giáo dục đại học, Ban Soạn thảo cần khắc phục những khó khăn, bất cập nêu trên.

go-diem-nghen-mo-hinh-dai-hoc-hai-cap-2.jpg
Một lớp học của Đại học Phenikaa (Hà Nội). Ảnh: NTCC

Từ “kiểm soát” sang “kiến tạo phát triển”

Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến là một trong những chính sách được Bộ GD&ĐT đề cập khi tiến hành sửa Luật Giáo dục đại học.

Ông Nguyễn Tiến Thảo - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho hay, chính sách đề xuất xác lập quyền tự chủ pháp định cho các cơ sở giáo dục đại học, trao quyền quyết định toàn diện về tổ chức bộ máy, nhân sự, học thuật và tài chính, trừ những trường hợp bị giới hạn theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, chính sách đơn giản hóa mô hình tổ chức, loại bỏ mô hình “trường thành viên” (trừ đại học quốc gia, đại học vùng) và không bắt buộc thành lập Hội đồng trường tại các đơn vị đặc thù như quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, chính sách này nhằm chuyển đổi mô hình quản lý từ “kiểm soát” sang “kiến tạo phát triển”, phù hợp với xu hướng quốc tế và bối cảnh chuyển đổi số. Các đại học sẽ vận hành theo mô hình quản trị đơn cấp, rõ ràng về trách nhiệm, giảm chồng chéo và tăng hiệu quả điều hành. Cơ quan Nhà nước chuyển từ quản lý vi mô sang giám sát dựa trên pháp luật và kết quả đầu ra, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Theo ông Nguyễn Tiến Thảo, đây là bước đi quan trọng để hiện đại hóa mô hình quản trị đại học, thúc đẩy tự chủ thực chất, giảm gánh nặng thủ tục hành chính; đồng thời tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học phát huy năng lực đổi mới, linh hoạt thích ứng với yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Nhấn mạnh, mỗi đơn vị có sứ mạng, vị thế riêng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, mô hình đại học hai cấp có những bất cập cần được tháo gỡ, song đó không phải là chuyện bỏ đại học quốc gia và đại học vùng. Đại học quốc gia và đại học vùng là những đơn vị được Nhà nước quản lý theo sứ mạng. Những đại học này có sứ mạng, vị thế riêng và là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm.

“Chúng ta cần bàn về việc quản trị bên trong, phải đề xuất xem mô hình đó nên cải tiến thế nào để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả”, Thứ trưởng đặt vấn đề; đồng thời nhấn mạnh, sửa đổi Luật lần này là cơ hội để thực hiện điều chỉnh căn bản, toàn diện Luật Giáo dục đại học. Từ đó, khắc phục những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc lớn trong quá trình tổ chức thực hiện. Qua đó, thể hiện tinh thần đổi mới, đáp ứng những yêu cầu trong giai đoạn mới, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

6 nhóm chính sách quan trọng dự kiến được đưa ra trong dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), gồm: Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến; Hiện đại hóa chương trình và phương thức tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thúc đẩy học tập suốt đời; Định vị cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao; Tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học; Phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc và môi trường học thuật sáng tạo, liêm chính; Đổi mới công tác bảo đảm chất lượng theo hướng hiện đại và thực chất.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/go-diem-nghen-mo-hinh-dai-hoc-hai-cap-post739457.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm