Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hành động cấp bách, chiến lược bảo vệ mục tiêu tăng trưởng 8%

TPO - Chính phủ giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay từ 8% dù tình hình thế giới và trong nước đều thách thức. Theo các chuyên gia, mục tiêu này hoàn toàn đạt được với những hành động cấp bách và chiến lược.

Báo Tiền PhongBáo Tiền Phong12/04/2025

Giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng 8%

Nghị quyết 77 Chính phủ vừa ban hành cho biết tình hình thế giới tiếp tục có những biến động lớn, nhanh chóng, phức tạp và khó dự báo; xung đột quân sự tại một số khu vực vẫn tiếp diễn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, chiến tranh thương mại xảy ra diện rộng...

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên. Cụ thể, các bộ, ngành xây dựng kịch bản ứng phó với các biến động quốc tế, nhất là chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Bộ Tài chính sớm đề xuất phương án hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan; trình dự thảo về gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 1/7/2025 đến hết năm 2026.

Hành động cấp bách, chiến lược bảo vệ mục tiêu tăng trưởng 8% ảnh 1

Chuyên gia cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 8% hoàn toàn đạt được.

Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt, sẵn sàng can thiệp khi cần thiết, thúc đẩy tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, cho vay ngắn hạn hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Mỹ; nghiên cứu gói vay ưu đãi cho người dưới 35 tuổi mua nhà, gói tín dụng dài hạn cho hạ tầng và công nghệ số.

Để đảm bảo ổn định sản xuất và thúc đẩy nền kinh tế, Chính phủ cũng đề ra một loạt nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành. Bộ Công Thương nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc triển khai Quy hoạch điện VIII, đảm bảo không để thiếu điện. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối thị trường mới, sớm hoàn tất các hiệp định thương mại tự do mới và thúc đẩy đàm phán song phương với Mỹ.

Chính phủ yêu cầu tăng tốc giải ngân đầu tư công, giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2025. Bộ Xây dựng được giao xây dựng chính sách kích cầu tiêu dùng vật liệu xây dựng nội địa, đề xuất giảm thuế clinker (thành phần chính của xi măng). Ngành du lịch tăng quảng bá hè 2025, phối hợp quản lý giá vé máy bay, kích thích nhu cầu du lịch nội địa...

Giải pháp nào cho tăng trưởng?

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Huy - chuyên gia kinh tế Khoa tài chính - ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi - cho biết, để đạt được tăng trưởng kinh tế 8% trong bối cảnh mới về xung đột kinh tế thế giới và khoảng thời gian hoãn thuế 90 ngày là thách thức. Tuy nhiên, ông Huy cho rằng, con số này hoàn toàn có thể đạt được với những hành động cấp bách và chiến lược.

“Trước hết chúng ta phải ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cần duy trì tỷ giá ở mức hợp lý, tránh gây cú sốc cho hoạt động xuất nhập khẩu. Lãi suất duy trì ở mức thấp hợp lý, đồng thời mở rộng tín dụng có kiểm soát để hỗ trợ khu vực sản xuất, đặc biệt là xuất khẩu, chế biến chế tạo và nông nghiệp công nghệ cao.

"Chúng ta phải tái cấu trúc thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng: Giảm phụ thuộc vào một số thị trường lớn, mở rộng sang các thị trường tiềm năng: Trung Đông, Nam Á, châu Phi, Đông Âu; phát triển năng lực nội sinh của doanh nghiệp để làm chủ thiết kế, công nghệ, logistics và xây dựng thương hiệu Việt toàn cầu”, ông Huy nói.

Ông Huy cho biết thêm, hiện nay Việt Nam có hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Theo đó, nếu được nâng cấp, đây sẽ là một lực lượng khổng lồ thúc đẩy GDP. “Chúng ta cần phải có chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, pháp lý chuyển đổi lên doanh nghiệp chính thức. Hình thành mạng lưới đào tạo và hỗ trợ khởi nghiệp: Từ kiến thức quản trị, vận hành, tài chính đến ứng dụng số hóa, thương mại điện tử và kết nối thị trường quốc tế. Đây chính là “khu vực tăng trưởng chìm” nếu khai phá đúng cách sẽ tạo đột phá bền vững”, ông Huy cho hay.

Tại cuộc hội thảo kinh tế mới đây, GS, TS. Tô Trung Thành - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cũng bày tỏ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều bất định, đây là lúc Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong đó, phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực then chốt của phát triển nền kinh tế trong giai đoạn mới là rất quan trọng.

Vị chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tái cơ cấu lại chuỗi sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chủ động thu hút các dòng vốn FDI chất lượng cao, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào một số thị trường lớn cũng là một chiến lược quan trọng đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, GS, TS. Tô Trung Thành gợi ý.

Nguồn: https://tienphong.vn/hanh-dong-cap-bach-chien-luoc-bao-ve-muc-tieu-tang-truong-8-post1733097.tpo


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

36 khối quân đội, công an hợp luyện diễu binh đại lễ 30/4
Việt Nam không những..., mà còn...!
Victory - Bond in Vietnam: Khi âm nhạc đỉnh cao hòa quyện với kỳ quan thiên nhiên thế giới
Máy bay chiến đấu cùng 13.000 chiến sĩ lần đầu hợp luyện cho đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm